Giới khoa học Nam Phi nêu 3 giả thuyết về nguồn gốc biến thể Omicron

2 năm trước 247
Giới khoa học Nam Phi nêu 3 giả thuyết về nguồn gốc biến thể Omicron - Ảnh 1.

Một người dân châu Phi đang được tiêm ngừa COVID-19 - Ảnh: WHO CHÂU PHI

Sự xuất hiện bất ngờ của biến thể Omicron khiến các nhà khoa học đang gấp rút tìm câu trả lời trước hàng loạt vấn đề: cách virus phát triển, cách lây truyền và mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà biến thể này gây ra so với biến thể Delta.

Phó giáo sư Darren Martin - nhà nghiên cứu của Viện Các bệnh truyền nhiễm và y học phân tử tại Đại học Cape Town (Nam Phi) - cho biết nhóm nghiên cứu của ông tìm thấy sự hợp tác của các protein khác nhau của virus, tạo đột biến trong gene S của SARS-CoV-2, virus gây dịch COVID-19. 

Gene S cho phép tạo ra protein đột biến, giúp nó xâm nhập vào tế bào của con người. Thay đổi này có tác dụng làm cho biến thể lây lan hiệu quả hơn.

Hiện nay, có 3 giả thuyết về sự phát triển của biến thể Omicron, bao gồm:

Chủng này sinh trưởng từ một khu vực mà việc giám sát bộ gene thấp hoặc mọi người ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, virus SARS-CoV-2 có thể đã phát triển ở một người bị suy giảm miễn dịch - chẳng hạn bệnh nhân HIV - trong một thời gian dài, điều này cho phép virus đột biến.

Giả thuyết cuối cùng là virus có thể đã gây nhiễm ngược vào quần thể động vật, bị đột biến và sau đó tái nhiễm ở người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đã nhiều lần cảnh báo: việc châu Phi không được tiếp cận với vắc xin và một số quốc gia không có khả năng quản lý dịch bệnh có thể dẫn đến nhiều đột biến virus corona hơn.

Chỉ có chưa đến 7% trong số 1,2 tỉ người của lục địa châu Phi được tiêm chủng đầy đủ so với khoảng 69% ở Anh. Quốc gia Eritrea ở Đông Phi vẫn chưa tiêm vắc xin.

Ở miền Nam châu Phi, tỉ lệ nhiễm HIV cao đồng nghĩa với việc hàng triệu người bị suy giảm miễn dịch.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Phát hiện mới của chúng tôi cần nhiều dữ liệu hơn mới có thể kết luận giả thuyết nào chính xác".

Nếu một hoặc nhiều dòng virus SARS-CoV-2 có họ hàng gần với Omicron được phát hiện, thì điều này sẽ hỗ trợ cho giả thuyết về sự thất bại trong giám sát gene và quản lý y tế trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, nếu các biến thể tương tự khác nhau được phát hiện trong các trường hợp nhiễm virus lâu dài ở bệnh nhân HIV hoặc ở các loài động vật khác thì kết luận sẽ thuộc các giả thuyết khác, các nhà nghiên cứu ở Đại học Cape Town nói.

 Omicron lây rất nhanh nhưng có thể ít nguy hiểm hơn DeltaChuyên gia y tế Mỹ: Omicron lây rất nhanh nhưng có thể ít nguy hiểm hơn Delta

TTO - Quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết mặc dù biến thể Omicron đang lây rất nhanh, song các dấu hiệu ban đầu cho thấy nó ít nguy hiểm hơn Delta - biến thể chính đang làm tăng số ca nhập viện do COVID-19 tại Mỹ.

Nguồn bài viết