Giới khoa học kêu gọi mục tiêu '100 ngày cho ra đời loại vaccine mới'

2 năm trước 304
Chú thích ảnhGiáo sư Sarah Gilbert. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Giáo sư Gilbert, đã mất khoảng 300 ngày kể từ khi thế giới xác định được bệnh COVID-19, cho đến khi loại vaccine đầu tiên chống lại căn bệnh này được phê duyệt. Tuy nhiên, để ngăn chặn một đại dịch trong tương lai, thế giới cần phải phản ứng nhanh hơn nhiều.

Mục tiêu "100 ngày có được vaccine" ban đầu được Chính phủ Anh đưa ra trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vào tháng 6/2021 và nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo G7 và Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Theo các nhà lãnh đạo, một phản ứng nhanh chóng như vậy đối với đại dịch COVID-19 sẽ giúp cứu được hàng triệu sinh mạng và hạn chế thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ USD trên khắp thế giới.

Giáo sư Gilbert cho rằng các nhà khoa học nên xây dựng một ngân hàng vaccine chống lại các chủng virus vốn được xem là những mối đe dọa lớn nhất gây đại dịch. Công trình này có thể khởi đầu với ít nhất 10 loại vaccine có hiệu quả rộng rãi.

Bà nêu rõ: “Chúng tôi muốn tạo nguồn 'hạt giống' cho một số loại vaccine khác nhau. Sau đó, chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để có thể xem xét phản ứng miễn dịch đối với từng loại virus khác nhau để xem liệu nó có khả năng bảo vệ hay không. Chúng tôi muốn phát triển xa nhất có thể và sau đó thiết lập một ngân hàng dự trữ vaccine, sẵn sàng để sử dụng và khả năng tăng cường sản xuất thực sự nhanh chóng nếu dịch bệnh bùng phát". 

Theo bà Gilbert, cho đến nay virus corona vẫn là một mối quan ngại đáng kể, vì khả năng lây lan nhanh chóng giữa người với người. Những chủng virus khác, như virus Nipah, tuy gây tỷ lệ tử vong cao nhưng cho đến nay khả năng lây truyền thấp hơn nhiều.

Giáo sư đánh giá sẽ có những thách thức đáng kể trong việc sản xuất vaccine chỉ trong 100 ngày, trong đó bao gồm tính khả dụng của các xét nghiệm chẩn đoán và cách đánh giá hiệu quả của thuốc tiêm nhanh hơn so với các thử nghiệm lâm sàng truyền thống. Ngoài ra, thế giới cũng sẽ cần thêm nhiều địa điểm sản xuất khác, đặc biệt là ở châu Phi, để đẩy nhanh quá trình triển khai.

Giáo sư Gilbert cho biết: "Chúng ta đã học được rất nhiều điều từ COVID-19 và bây giờ chúng ta nên đảm bảo rằng mình tận dụng điều đó - xem điều gì hoạt động tốt và điều gì không".

Nguồn bài viết