Giọt máu quý trao người: Bạn 'Chuối' Thái Lan đến Việt Nam hiến máu giúp người bệnh

1 năm trước 133
 Bạn Chuối Thái Lan đến Việt Nam hiến máu giúp người bệnh - Ảnh 1.

Chị Chalermkwan Chaiworasin đến từ Thái Lan đã có 49 lần hiến máu, hiến tiểu cầu tại Việt Nam - Ảnh: HÀ THANH

Chị Chalermkwan Chaiworasin (người Thái Lan, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) khiến người đối diện khó đoán biết tuổi tác bởi gương mặt xinh đẹp, phong thái tự tin, khỏe khoắn.

Tại Việt Nam, bạn bè thân quen gọi chị là "Chuối" - cái tên dễ nhớ, dễ gần, tạo thiện cảm cho người xung quanh.

Việc hiến máu xuất phát từ trái tim. Không phải chỉ riêng ở Việt Nam đâu, mà dù đến bất kỳ quốc gia nào thì tôi cũng sẽ lựa chọn hiến máu tình nguyện. Tôi cảm nhận được việc mình đi hiến máu chính là công việc giúp đỡ người khác

Chị CHALERMKWAN CHAIWORASIN

Biết máu của mình giúp người khác, vui lắm!

Trong căn hộ nhỏ xinh của chị Chalermkwan ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội), dễ dàng nhận thấy có rất nhiều món quà tặng "dễ nhận diện" nhờ hiến máu tình nguyện như chú gấu bông, chiếc dù, tấm thảm tập và một chồng giấy chứng nhận hiến máu.

"Điều thích thú nhất ở Việt Nam là nhận được nhiều quà. Tôi thích nhất là máy sấy tóc" - chị dí dỏm - "Nhưng là trêu thôi nhé, không có quà tôi vẫn đi hiến máu".

 Bạn Chuối Thái Lan đến Việt Nam hiến máu giúp người bệnh - Ảnh 3.

Người bạn Thái Lan đã có 49 lần hiến máu, hiến tiểu cầu - Ảnh: NVCC

Sau mỗi lần hiến máu, hiến tiểu cầu, chị Chalermkwan đều giữ lại những món quà để tặng cho người cần. Với một chút tiền được hỗ trợ sau hiến máu tình nguyện, chị cũng làm từ thiện.

Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, chị Chalermkwan đã có 49 lần hiến máu, gạn tiểu cầu tình nguyện. Trước đó tại Thái Lan, chị cũng đã hiến máu được 41 lần.

Năm 2013, chị đến Việt Nam làm việc. Một năm sau, khi công ty thông báo sẽ tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện, chị đăng ký tham gia ngay.

Bẵng đi mấy năm, vào năm 2018 có một người bạn của chị từ Thái Lan đến Việt Nam du lịch. Chị kể, người bạn ấy khi đến bất kỳ quốc gia nào cũng tìm kiếm địa điểm hiến máu tình nguyện nên ngay khi đến Việt Nam đã rủ chị cùng đi hiến máu.

Kể từ đó đến nay, chị Chalermkwan duy trì việc hiến máu, hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.

"Ở Thái Lan, phụ nữ rất khó hiến tiểu cầu, nhưng ở Việt Nam nếu ai được hiến tiểu cầu một lần thì sẽ được hiến tiếp vào những lần sau. Ban đầu hiến máu cũng sợ chứ, lúc hiến sẽ bị đau, nhưng vì biết máu của mình có thể giúp đỡ được người khác, giúp được người bệnh cần máu thì mình rất vui" - chị Chalermkwan Chaiworasin bày tỏ.

 Bạn Chuối Thái Lan đến Việt Nam hiến máu giúp người bệnh - Ảnh 4.

Niềm vui của chị Chalermkwan là được hiến máu, hiến tiểu cầu mỗi tháng để giúp đỡ bệnh nhân - Ảnh: HÀ THANH

Nhờ hiến máu, sống khỏe mạnh

Trong căn hộ, bên cạnh những món quà, chị Chalermkwan còn có một bộ sưu tập giày thể thao. Chúng là người bạn song hành với chị trên những cung đường chạy dọc ba miền Bắc - Trung - Nam, băng qua những cung đường đèo, bờ biển trải dài khắp Việt Nam.

Chị bộc bạch, từ ngày quyết định duy trì việc hiến máu tình nguyện tại Việt Nam đã giúp chị sống có kế hoạch, sống khỏe mạnh hơn.

Chị đam mê chạy bộ, rèn luyện sức khỏe, tinh thần thật tốt.

Bên cạnh tập thể dục, chị còn "bật mí bí kíp" là ăn nhiều, ngủ vừa đủ để đảm bảo cho việc hiến máu.

"Sức khỏe của tôi tốt lắm. Nhờ hiến máu mà tháng nào mình cũng được kiểm tra máu, giống như được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng vào ba tuần/lần vậy" - chị Chalermkwan chia sẻ.

 Bạn Chuối Thái Lan đến Việt Nam hiến máu giúp người bệnh - Ảnh 5.

Chị Chalermkwan Chaiworasin rất thích áo dài Việt Nam - Ảnh: NVCC

Nhờ việc hiến máu, chị gặp gỡ được nhiều người bạn mới, có người bạn bác sĩ vừa công tác tại viện cũng đồng hành trên những cung đường chạy giống chị. Vui hơn là mỗi lần đến viện hiến máu, y bác sĩ, tình nguyện viên đều nhận ra "chị Chuối là khách quen của viện".

Mới đây tại lễ vinh danh người hiến tiểu cầu năm 2022, câu chuyện của người bạn Thái Lan với trái tim yêu thương đã truyền cảm hứng đặc biệt cho người tham dự buổi lễ.

Hiến máu từ những ngày đầu còn "đăng ký thủ công", chị Chalermkwan nói hiện nay công tác hiến máu tình nguyện đã thay đổi tốt hơn nhờ việc cài đặt ứng dụng "Hiến máu", giúp công tác đăng ký hiến máu, quy trình thủ tục nhanh chóng.

"Với hiến tiểu cầu, có những lúc cũng phải chờ đợi, nhất là vào dịp cuối tuần. Tôi mong muốn bệnh viện có thể đầu tư thêm máy móc để công tác hiến tiểu cầu được nhanh hơn" - chị góp ý.

Thích Việt Nam, thích áo dài Việt Nam

Gần 10 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, chị Chalermkwan có tình yêu đặc biệt với mảnh đất này, chị thích Hà Nội với mùa đông lành lạnh, thích được mặc áo dài truyền thống. Dù không phải dịp lễ đặc biệt, dù không ai bảo, chị cũng "xin" mặc áo dài đẹp để được đi chơi, được chụp ảnh đẹp.

"Thích Việt Nam chứ, nếu không thích thì mình đã không sống ở đây 10 năm như vậy đâu. Đi làm, các bạn giống như một gia đình nên thích lắm. Đi đâu dù gặp người lạ nhưng sau khi gặp gỡ, trò chuyện thì thân thiết rất nhanh" - chị nói.

 Mẹ tròn con vuông nhờ giọt máu hiếm của người dưngHơi ấm người dưng - Kỳ 1: Mẹ tròn con vuông nhờ giọt máu hiếm của người dưng

TTO - Chỉ vài dòng viết xin máu hiếm trên Facebook để cứu vợ con sắp sinh đang gặp nguy hiểm, nhiều người xa lạ, kể cả từ những nơi xa xôi đã tận tình tìm đến giúp người.

Nguồn bài viết