Theo ông Trần Quốc Bảo, CEO của Công ty Công chứng trực tuyến, nền tảng này ra đời từ nhu cầu của người dân khi mất nhiều thời gian để chuẩn bị giấy tờ, nhất là trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 trong cộng đồng phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm các hoạt động công chứng bị ảnh hưởng.
Do đó, nền tảng Công chứng trực tuyến (CCOL) nhằm thực hiện toàn bộ các hoạt động công chức trên môi trường trực tuyến. Để thực hiện điều nay, CCOL đang thực hiện từng bước triển khai tại 10 tổ chức hành nghề công chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và đã có hơn 2.000 người đăng ký sử dụng sau 6 tháng triển khai.
Hệ thống CCOL cho phép người dùng lựa chọn công chứng viên (CCV) và giao hồ sơ để các CCV thẩm định, chuẩn bị trước khi mang bản chính đến để CCV kiểm-chiếu, mà vẫn đảm bảo tuân thủ Luật Công chứng.
“Hệ thống này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp hạn chế việc phải đi lại nhiều lần đến các địa điểm công chứng khi hồ sơ chưa đầy đủ, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Nền tảng CCOL giúp người dân tiết kiệm hơn 70% thời gian chuẩn bị giấy tờ so với việc công chứng truyền thống. CCV cũng tiết kiệm thời gian, thao tác khi chỉ cần đối chiếu lại giấy tờ và ký xác nhận một cách nhanh chóng”, ông Trần Quốc Bảo cho biết.
Bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết, dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, triển khai chính phủ điện tử. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giảm áp lực giấy tờ cũng như thời gian gửi, nhận hồ sơ, tiết kiệm thời gian đi lại, công sức, chi phí không cần thiết. Nền tảng công chứng trực tuyến sẽ bổ sung tính năng, phát triển sản phẩm, đồng hành chặt chẽ với Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa để vừa tạo ra một nền tảng hữu ích và vừa giúp cơ quan nhà nước tháo gỡ được các nút thắt chính sách.