Sau 18 ngày giảm thuế VAT, doanh nghiệp vẫn lúng túng khi xuất hóa đơn cho người tiêu dùng. Trong ảnh: một cửa hàng ở TP.HCM xuất riêng hóa đơn đồ uống với 10%, các thức ăn khác là 8% - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tuy nhiên, ghi nhận chỉ ở những siêu thị, công ty, cửa hàng… có xuất hóa đơn rõ ràng thì người tiêu dùng mới được hưởng ưu đãi này.
Ở các chợ dân sinh, giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tăng với lý do... giá xăng tăng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) còn than khó khi thực hiện theo nghị định.
Mua hàng siêu thị đã được giảm thuế VAT
Chị Thùy Linh (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay cuối tuần vừa qua chị đã đi siêu thị Co.op Extra để mua đồ ăn cũng như vật dụng sinh hoạt cần thiết trong tuần. Khi nhận hóa đơn tính tiền, chị thấy siêu thị liệt kê rõ mặt hàng chịu thuế VAT 8% và mặt hàng chịu thuế VAT 10%.
Nhân viên siêu thị đã giải thích với chị những mặt hàng thuộc danh mục giảm thuế VAT từ mức 10% xuống 8% theo nghị định số 15 như thịt, cá, nước mắm…; một số mặt hàng khác do không nằm trong danh mục được giảm thì vẫn chịu thuế VAT 10% như trước.
"Mức giảm không nhiều, nhưng tôi rất vui khi thấy có sự chia sẻ những khó khăn sau dịch COVID-19", chị Thùy Linh nói.
Theo ghi nhận, các siêu thị thống kê có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới với mức giảm 2% thuế VAT.
Tại các quán cà phê dạng chuỗi cũng đã áp dụng chính sách giảm thuế VAT theo quy định. Ngày 17-2, chị Kim Anh (quận 1, TP.HCM) cho biết khi ghé vào quán cà phê trên đường Trần Quang Khải (quận 1) gọi món và thanh toán, chị thấy trên hóa đơn ghi rõ rằng giá bán này đã bao gồm mức giảm thuế chỉ còn 8%.
"Ly nước tôi uống cũng theo đó giảm giá theo. Dù rất ít nhưng tôi cảm thấy như vậy là sòng phẳng với người tiêu dùng" - chị Kim Anh nói.
Tương tự, anh N.V.K. (Hà Nội) chia sẻ phí đường bộ qua trạm BOT được giảm 2% thuế thấy cũng vui, như trước đây giá cước qua trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ phải trả 65.000 đồng thì giờ còn 63.000 đồng/lượt.
"Một xe thì thấy ít, nhưng với số lượng xe qua các trạm thu phí trên cả nước thì số tiền mà Nhà nước chia sẻ với người dân rất lớn" - anh K. bình luận.
Để được hưởng giảm thuế, người tiêu dùng nên mua sắm ở những điểm có xuất hóa đơn - Ảnh: T.T.D.
Mua hàng ở chợ chưa thấy giảm thuế
Trong khi đó tại các chợ dân sinh, hộ kinh doanh truyền thống, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hầu hết người bán hiện nay không xuất hóa đơn. Giá cả các loại dịch vụ không giảm, thậm chí còn tăng so với trước Tết với lý do… giá xăng tăng.
Chẳng hạn, chị Minh Phương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay trước Tết 1kg bún thường giá 10.000 đồng, bún Thủ Đức giá 12.000 đồng, nhưng sau Tết 1kg bún thường tăng lên 12.000 đồng, còn bún Thủ Đức lên 14.000 đồng.
Ngay cả đậu hủ cũng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/miếng vì lý do… giá cả đầu vào tăng.
"Đi ăn sáng ở quán phở gần nhà sau Tết giá đã tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/tô, bún bò cũng tăng tương tự. Mua thịt, cá ở chợ giá cũng như trước Tết. Tôi có cảm giác giảm thuế VAT không tác động gì đến khu vực này", chị Minh Phương nói.
Tại Hà Nội cũng thế. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, giá các mặt hàng và dịch vụ không thay đổi so với trước Tết dù đã có chính sách giảm thuế. Ví dụ, rửa xe máy vẫn 20.000 đồng, ôtô là 70.000 đồng/xe, phở 35.000 - 40.000 đồng/tô, bún chả 40.000 đồng/phần...
Từ tình trạng trên, chị Minh Phương cho rằng người tiêu dùng nên mua hàng ở những nơi có xuất hóa đơn rõ ràng để được hưởng ưu đãi.
"Nhiều nơi tăng giá cứ viện lý do đầu vào tăng, giá xăng tăng nhưng các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê vẫn giảm thuế mà" - chị Phương so sánh.
Vì sao nơi giảm, nơi không?
Trong khi người tiêu dùng mong mỏi việc giảm thuế VAT về mức 8% để được hưởng ưu đãi thì trên thực tế Cục Thuế TP.HCM vừa phải ra văn bản đốc thúc DN thực hiện chính sách giảm thuế VAT vì có nơi thực hiện, nơi không.
Phía DN nói không phải họ không muốn làm mà vì họ không thể nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế VAT, mặt hàng nào không; hoặc gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%. DN cũng mong Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn chi tiết.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Nguyễn Bích Ngần, kế toán công ty chuyên thầu xây dựng, kể suốt hơn 20 năm làm nghề kế toán, chưa bao giờ thấy áp dụng chính sách thuế lại khó như thực hiện nghị định 15.
Cả chục ngày nay, hai kế toán của công ty chia nhau ra đọc và tra cứu nghị định này, thậm chí phải đi hỏi cả cán bộ thuế nhưng DN cũng chưa chắc chắn xuất hóa đơn VAT ở mức thuế suất 8% hay 10%.
Nguyên liệu đầu vào của DN chị là sắt thép, dây cáp điện, sơn… nhập từ tháng 8-2021 với thuế VAT là 10%, đến tháng 2 năm nay công trình hoàn thiện thì xuất hóa đơn theo thuế 10% hay 8%? Nếu xuất 8% thì phần chênh lệch sẽ được xử lý như thế nào?
Chị P.T.H., quản lý nhà hàng trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cho biết dù chính sách có lợi cho người mua hàng nhưng khiến DN khá bối rối, thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo nghị định 15, từ ngày 1-2 ăn uống có thuế suất thuế VAT là 8%.
Với đồ uống, nếu là nước ép trái cây thì thuế còn 8% nhưng nếu rượu bia vẫn giữ 10%. Việc rà soát mặt hàng để giảm thuế và giá khiến DN mất khá nhiều thời gian và công sức.
Hàng hóa nào không được giảm thuế?
* Dịch vụ trong hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.
* Các sản phẩm kim loại và các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng gồm than cứng, than đá, dầu thô, quặng kim loại, đá xây dựng và trang trí, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất gồm sơn, mực in, mỹ phẩm, nước hoa, xà phòng, bột giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng, keo xịt tóc...
* Những nhóm mặt hàng, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt: rượu, bia, thuốc lá, xe ôtô dưới 24 chỗ ngồi, xe môtô 2-3 bánh có dung tích trên 125 cm3, xăng các loại, điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; dịch vụ kinh doanh vũ trường, massage, karaoke; xổ số, đặt cược, casino...
* Mặt hàng công nghệ thông tin: máy vi tính, máy tính xách tay, ổ lưu trữ, điện thoại di động, máy tính bảng, sản phẩm điện tử dân dụng, tivi, máy hút bụi, máy giặt…
Thu 10% trong 2 tuần, Grab sẽ hoàn tiền thế nào?
Từ ngày 15-2, Grab mới áp thuế VAT cho các dịch vụ di chuyển là 8% - Ảnh: T.T.D.
Thời gian qua, một số khách hàng phản ảnh việc Chính phủ giảm thuế VAT từ ngày 1-2 nhưng đến 15-2 Grab mới áp dụng, trước đó (từ 1-2 đến 14-2) Grab vẫn thu VAT 10%. Vậy số tiền đã thu sẽ xử lý thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Grab cho biết do thời gian áp dụng diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 nên hệ thống Grab mới bắt đầu cập nhật thay đổi mức thuế suất VAT 8% từ ngày 15-2.
Grab sẽ tính toán lại mức thuế VAT chênh lệch trong khoảng thời gian từ ngày 1-2 đến ngày 14-2 để hoàn trả cho đối tác tài xế và người dùng (bằng điểm GrabRewards hoặc qua tài khoản ngân hàng do người dùng cung cấp).
Từ ngày 15-2, Grab đã thực hiện điều chỉnh mức thuế suất VAT áp dụng cho các dịch vụ di chuyển là 8% theo đúng quy định của nghị định 15.
Doanh nghiệp, hải quan cũng kêu khó
Cả doanh nghiệp (DN) và cơ quan hải quan đề xuất Bộ Tài chính cần có hướng dẫn để tháo gỡ các vướng mắc.
Tách hay gộp hóa đơn?
Chuyện cùng người mua hàng, nhưng có mặt hàng được giảm thuế còn 8%, có mặt hàng vẫn là 10% phải xuất hóa đơn thế nào đang gây đau đầu các DN.
Chị Phạm Oanh, quản lý nhà hàng M.N.H.N tại TP.HCM, cho biết nghị định 15 quá khó cho ngành kinh doanh dịch vụ khi lấy ví dụ cụ thể từ một buổi tiệc, sẽ có rất nhiều mặt hàng áp thuế VAT 8% và nhiều mặt hàng khác vẫn 10%.
Theo hướng dẫn của cơ quan thuế, nhà hàng phải tách thành hai tờ hóa đơn nhưng nếu làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế thì khách bắt bẻ rằng họ đi ăn chứ không mua bia (8%) và khăn lạnh (10%) để đem về.
"DN rất rối vì mỗi cơ quan thuế hướng dẫn mỗi kiểu. Nhà hàng của tôi là nhà hàng chuỗi, nằm trên địa bàn nhiều quận như quận Tân Bình, quận 7, quận 3, có quận cơ quan thuế nói tách ra, có quận cơ quan thuế lại hướng dẫn gộp lại và ghi mức thuế VAT 8% như dịch vụ ăn uống, có quận lại hướng dẫn gộp lại và ghi mức thuế VAT 10% nên DN không biết làm thế nào cho đúng", chị Phạm Oanh nói.
Đồng thời cho biết hiện tại chỉ xử lý tình huống theo cách nếu khách hàng chịu thì sẽ xuất hoá đơn gộp chung là dịch vụ ăn uống hoặc xuất là nước ngọt thay bia để đồng nhất về thuế suất, nếu không phải tách thành hai hóa đơn. Nhiều khách không chịu cự cãi rất mệt mỏi", chị Oanh cho hay.
Quán ăn đau đầu vì mỗi chi cục thuế hướng dẫn xuất hóa đơn mỗi kiểu, trong khi nếu tách riêng ra hai hóa đơn với hai mức thuế suất thì khách hàng phản ứng - Ảnh: NHẬT THỊNH
Ông Nguyễn Văn Thức, chủ tịch hội đồng thành viên - Công ty TNHH đại lý thuế BCTC, thừa nhận thực tế DN rất rối trong việc tra mã hàng hóa, nhất là những DN có quá nhiều mặt hàng.
Vì thế, mong Bộ Tài chính - Tổng cục Thuế cần có hướng dẫn khẩn cấp việc tra mã hàng hóa, dịch vụ, hay mã code nhập khẩu thế nào vì hiện tại đang quá rối. Hệ thống mã kinh tế mà kế toán và DN đang xem thường tới cấp 4, cấp 5 thôi, nhưng Bộ Tài chính yêu cầu tới cấp 7.
Có trường hợp không trùng mã cấp 4-5 DN tưởng được áp dụng 8% nhưng thực tế lại phải kết hợp xem ở phần diễn giải để xác định xem mình có được áp 8% hay 10%.
Nhiều cách hiểu khác nhau
Không chỉ DN thương mại, các DN xuất nhập khẩu cũng lúng túng trong khai báo, điều chỉnh VAT mới.
Theo đó, nhiều DN cho rằng nghị định 15 chọn phương pháp tiến bộ hơn khi chỉ nêu những hàng hóa, dịch vụ không được miễn 2% VAT nhưng phần phụ lục của nghị định đã gây những cách hiểu khác nhau.
Nhiều DN của Hiệp hội Logistic VN (VLA) phản ảnh có lô hàng trao đổi với công chức hải quan xong được áp dụng VAT 8% và đã đưa về kho. Nhưng lô hàng tương tự tiếp theo được giải thích theo cách khác nên DN khai lại 10% vì không an tâm.
"Bây giờ DN này lo lắng cùng một mặt hàng nhưng áp hai mức thuế VAT khác nhau, không biết có bị truy thu thuế bổ sung VAT 2% và phạt vi phạm hành chính hay không" - một DN thuộc hội này cho biết.
Theo VLA, phần chú thích không rõ ràng của nghị định 15 khiến cơ quan quản lý đến nay vẫn chưa dám áp dụng giảm thuế VAT về 8%.
Sau hơn 2 tuần, các DN vẫn chọn cách áp 10% để thủ tục được nhanh chóng nhưng việc này không thể kéo dài vì ý nghĩa của chính sách.
Do đó, VLA đề xuất cần có hướng dẫn cụ thể chi tiết về các mã HS (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu) thuộc đối tượng loại trừ không được hưởng thuế VAT 8%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết đã có văn bản báo cáo Tổng cục Hải quan những vướng mắc về chính sách giảm thuế VAT 2% từ DN. Bản thân công chức hải quan cũng "khổ" vì cách hiểu khác nhau khiến việc triển khai không thể đồng bộ.
"Phụ lục kèm theo khiến cơ quan hải quan không xác định được các mặt hàng được liệt kê được hay không được giảm VAT, một số chương có tính chất khá phức tạp dễ dẫn đến tranh chấp.
Vì vậy, mong muốn của cơ quan hải quan là thực hiện đúng quy định, hỗ trợ nhanh chóng cộng đồng DN thuận lợi trong khai báo hải quan", đại diện Cục Hải quan TP nói.
Trong thời điểm hiện nay, VLA cho rằng các lỗi áp thuế VAT 10% thành 8% là không cố ý, do DN chưa hiểu hết.
Trong khi sự phức tạp về áp mã phân loại hàng hóa khiến cho việc áp dụng bị lúng túng, thiếu đồng nhất, DN hoàn toàn bị động, vì vậy VLA đề xuất trước mắt chưa xử phạt những trường hợp do khai báo sai trong vòng 30 ngày kể từ ngày nghị định có hiệu lực.
Năm 2022, dự kiến thu thuế VAT ở Cục Hải quan TP.HCM khoảng 78.000 tỉ đồng. Nếu áp dụng mức giảm 2% thì chi phí sản xuất của các DN cũng tiết kiệm hơn 2.000 tỉ đồng. Dù đây không phải là con số lớn nhưng với các DN là sự chia sẻ kịp thời vào lúc này.
Doanh nghiệp bù 2% cũng không được
Điều mà DN băn khoăn khi xuất hóa đơn phải xuất riêng mặt hàng với hai mức thuế 10% và 8%. Kế toán phải giải thích và mong khách hàng thông cảm lý do tại sao phải xuất 2 hóa đơn.
Để tạo thuận lợi cho khách hàng, nhà hàng đã xuất hóa đơn 8% hết và chấp nhận bù phần chênh lệch với mặt hàng có thuế suất thuế VAT là 10%.
Nhưng mới đây, cơ quan thuế thông báo nếu không xuất hóa đơn đúng như quy định, dù có phải bù tiền thuế thì cơ sở kinh doanh cũng bị phạt", một kế toán cho biết.
N.BÌNH - L.THANH - A.HỒNG
Sẽ xử phạt nghiêm nếu người bán không giảm thuế
Bà Phạm Thị Minh Hiền - phó vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) - cho biết theo nghị định số 15 quy định chính sách miễn giảm thuế, từ ngày 1-2 đến ngày 31-12, một số mặt hàng dịch vụ sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%.
Nghị định 15 cũng loại trừ một số loại hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản… là không được giảm thuế.
Đối với các mặt hàng, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế, khi bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn với thuế suất 8% và giao cho người mua.
Trường hợp hóa đơn không theo mức thuế suất được giảm thì bên bán và bên mua phải điều chỉnh hóa đơn theo đúng quy định. Nghị định cũng quy định đối với hàng hóa được giảm thuế, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn riêng để giao cho người tiêu dùng.
Do thời gian ban hành nghị định sát với thời gian nghỉ lễ dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã dẫn đến nội dung của nghị định chưa được người dân, doanh nghiệp tiếp nhận một cách đầy đủ.
Chính vì vậy, Tổng cục Thuế vừa có công điện yêu cầu cục trưởng cục thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế cần hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc giảm thuế VAT về giảm 2% thuế suất thuế VAT.
Đồng thời thông tin để người mua biết được quyền lợi và thụ hưởng lợi ích của việc giảm thuế VAT.
Bà Hiền khẳng định mục đích lớn nhất của nghị định 15 của Chính phủ là giảm thuế VAT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không giảm thuế VAT theo nghị định 15.
L.THANH - A.HỒNG
Tùy mặt hàng mà các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tính thuế VAT khác nhau - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Bộ Tài chính cần sớm có hướng dẫn chi tiết
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - cho rằng DN, nhất là các siêu thị và nhà hàng kinh doanh hàng nghìn mặt hàng, sẽ khá vất vả áp dụng chính sách giảm thuế VAT.
Họ phải rà soát xem mặt hàng nào được giảm thuế, mặt hàng nào không và tính toán lại giá với mức thuế 8% với mặt hàng thuộc diện được giảm thuế VAT.
Việc nhiều DN băn khoăn mặt hàng, dịch vụ có thuộc diện chịu thuế 10% hay 8% cũng là dễ hiểu vì chính sách mới ban hành và áp dụng diện rộng.
Do đó, để DN thực hiện thông suốt, người tiêu dùng được hưởng lợi thì Bộ Tài chính cần thông tư hướng dẫn chi tiết. Đơn cử trước đây DN mua hàng có thuế suất là 10% nhưng từ ngày 1-2 mà thuế còn 8% thì hạch toán ra sao…
Tại nghị định 15, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính là trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc thì bộ này phải có trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết.
Mặt khác, ông Tú cũng nói tới vấn đề kiểm soát và xử phạt người bán hàng không thực hiện giảm thuế VAT. Tuy nhiên, mức phạt cụ thể bao nhiêu, nếu tái phạm nhiều lần thì ngoài phạt tiền, người bán có bị thu hồi giấy phép không?
Trên thực tế, tại chợ dân sinh truyền thống, đa phần tiểu thương hay không ít hộ kinh doanh bán hàng không xuất hóa đơn nên chính sách giảm thuế VAT rất khó đến với người tiêu dùng.
L.T. - A.H.