Giảm nghèo bền vững ở vùng đặc biệt khó khăn

2 năm trước 211
Chú thích ảnhĐồng bào dân tộc Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thu hoạch chè san tuyết cổ thụ. 

Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định, chăm lo giảm nghèo bền vững cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Yên Bái. Kết quả giảm nghèo ở tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã giúp cải thiện rõ rệt đời sống người dân  và góp phần củng cố thêm niềm tin của đồng bào vào chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Khơi dậy khát vọng và năng lực thoát nghèo

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Đến nay, số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 81 xã, còn 59 xã; số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 462 còn 383 thôn, bản; tỉnh có 10.454 hộ nghèo theo chuẩn mới.

Để đạt được kết quả, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp. Trước hết là làm tốt tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động, đặc biệt là giải phóng tư tưởng trông chờ, ỷ lại để các hộ nghèo phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mù Cang Chải vẫn còn trên 50%, ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy cho biết, từ nhiều năm qua, cán bộ huyện, xã được phân công luôn bám sát từng thôn bản, từng hộ dân để kiên trì tuyên truyền, động viên, thuyết phục loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong tư duy của người nghèo, nâng cao ý thức tự thoát nghèo và nhân rộng phong trào "tự nguyện đăng ký thoát nghèo". Điều đó mang lại kết quả rất khả quan, phần lớn hộ nghèo, người nghèo đã có sự thay đổi về nhận thức, suy nghĩ và hành động.

Khẳng định tại cơ sở, bà Hờ Thị Dê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải) cho biết, chỉ khi nhận thức tự vươn lên thoát nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực, dám nghĩ dám làm của người nghèo được nâng lên thì sự hỗ trợ của chính quyền mới có tác dụng. Thay đổi tư duy để chủ động thoát nghèo là giải quyết tận gốc nguyên nhân đói nghèo và giảm nghèo một cách bền vững.

Đồng thời, các biện pháp hỗ trợ để khắc phục nguyên nhân đói nghèo triển khai tại cơ sở, như: thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, thiếu thị trường tiêu thụ.... mới phát huy hiệu quả. Chỉ như vậy, hộ nghèo, người nghèo luôn được đặt vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo, tạo động lực và ý chí thoát nghèo, từ đó cuộc sống của những hộ nghèo mới được cải thiện thực chất.

Để hỗ trợ người nghèo theo hướng đa chiều, toàn diện, bền vững thì đầu tư vào con người, tức là đầu tư nâng cao năng lực, trình độ cho người nghèo có ý nghĩa quyết định. Việc này đã được huyện vùng cao Trạm Tấu tổ chức triển khai một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, mang lại kết quả tích cực.

Ông Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho biết, huyện chuyển phương thức hỗ trợ riêng lẻ theo hộ gia đình sang hỗ trợ theo các mô hình sản xuất phù hợp với đặc thù của từng xã, từng thôn bản. Coi trọng và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt quy mô hộ gia đình. Chỉ đạo các hội, đoàn thể phối hợp các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện đặc biệt quan tâm đến đào tạo nghề, nhất là các nghề phổ thông, đào tạo ngắn ngày. Từ đó, khuyến khích người lao động trong độ tuổi, có sức khỏe đi làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động để có việc làm và nguồn thu nhập ổn định. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Huy động và lồng ghép mọi nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo

Chú thích ảnhMô hình liên kết sản xuất miến đao theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thu sản phẩm tại xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. 

Theo ông Ngô Thanh Giang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động được trên 19.600 tỷ đồng thực hiện giảm nghèo bền vững. Theo đó, kinh phí từ ngân sách trung ương trên 1.200 tỷ đồng, kinh phí lồng ghép từ các dự án, đề án gần 18.400 tỷ đồng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng năm 2021 tỉnh Yên Bái cũng đã huy động được trên 2.800 tỷ đồng để thực hiện giảm nghèo.

Với vai trò là cầu nối chính sách của Chính phủ tới người dân nghèo vùng sâu vùng xa, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo tỉnh Yên Bái dễ dàng tiếp cận và sử dụng, mở ra cơ hội thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, đến hết quý II năm 2022, dự nợ cho vay hộ nghèo và cận nghèo đạt trên 2.100 tỷ đồng. Nguồn vốn vay ưu đãi trên đã giúp cho hộ nghèo trên tỉnh trồng mới, chăm sóc trên 15.700 ha rừng, 330 ha cây ăn quả; mua 8.400 con trâu, bò giống, 7.000 con lơn, dê, cừu giống và hơn 200 nghìn con giống gia cầm các loại.

Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, chất lượng cây dược liệu tại huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia (thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn) đã liên kết với hàng trăm hộ nông dân trồng trên 4.000 ha Sơn tra và 1.300 ha cây Thảo quả, đem lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Vũ Lê Chung Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu cho biết, hiện nay nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã có thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc trồng cây Sơn tra và cây Thảo quả. Nguồn thu nhập này đã giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng, yên tâm, gắn bó với sản xuất nông, lâm nghiệp; tạo lên sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ngoài ra, nhiều mô hình hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt dựa trên lợi thế riêng có vùng núi cao phát huy hiệu quả, như: nuôi dê sinh sản, lợn rừng, gà đen, trâu bò vỗ béo; trồng thảo dược, lúa nương chất lượng cao, chè san tuyết, khoai sọ đặc sản, măng tre bát độ... đã góp phần mở rộng sinh kế, tạo thu nhập bền vững cho người nghèo của hai huyện đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh việc đa dạng hoá nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, Yên Bái đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh để xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại vùng đặc biệt khó khăn với trọng tâm là phát triển nhanh hệ thống giao thông. Hiện nay, 100% xã của tỉnh Yên Bái đã có đường ô tô đến trung tâm, giao thông thuận tiện, đi lại được cả 4 mùa.

Nguồn bài viết