Giải thưởng khoa học-công nghệ toàn cầu VinFuture bắt đầu vòng sơ khảo

3 năm trước 630

Trước khi bước vào vòng Sơ khảo (1/8-31/8/2021), gần 600 sáng kiến đề cử phải trải qua vòng sơ lọc do Ban thư ký Giải thưởng VinFuture và các nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học sức khỏe, khoa học trái đất, khoa học máy tính, kỹ thuật – công nghệ, cũng như các chuyên gia chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, công nghệ sinh học, vật liệu mới, bảo vệ môi trường… thẩm định.

Sơ lọc là một cấu phần quan trọng nhằm xác minh tính hợp lệ, đầy đủ của từng đề cử, cũng như thu thập thêm các thông tin giá trị và đa chiều hỗ trợ cho quá trình chấm giải. Theo đó, toàn bộ hồ sơ đề cử Giải thưởng VinFuture đều được đánh giá theo quy trình xét duyệt khắt khe, dựa trên các chuẩn mực quốc tế cao nhất, nhằm đảm bảo tính khoa học, công bằng và minh bạch.

Trong tháng 8/2021, Hội đồng Sơ khảo gồm những nhà khoa học và chuyên gia uy tín từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu thế giới - sẽ tiến hành đánh giá các đề cử theo các tiêu chí cốt lõi bao gồm mức độ tiến bộ trong khoa học - công nghệ, tầm ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của con người cũng như quy mô và sự bền vững của dự án.

Các đề án lọt vào Danh sách rút gọn phải đảm bảo bám sát với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc cũng như sứ mệnh của Giải thưởng VinFuture là tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên Trái đất.

Chú thích ảnhBuổi hội thảo trực tuyến cho các đối tác đề cử Giải thưởng VinFuture vào tháng 4/2021.

“Là giải thưởng khoa học với mục tiêu phụng sự nhân loại, VinFuture đặc biệt coi trọng khâu thẩm định và đánh giá hồ sơ. Tiêu chí tạo ra các tiến bộ, đột phá trong khoa học - công nghệ là điều kiện cần. Tuy nhiên, để lọt được vào Danh sách rút gọn, các đề án phải chứng minh được tiềm năng tạo ra các thay đổi tích cực ở quy mô lớn trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày của mọi người. Gần 600 đề cử đại diện cho gần 600 quan điểm, góc nhìn, hướng tiếp cận khoa học đối với các thách thức chung toàn cầu. VinFuture tin tưởng các thành viên Hội đồng Sơ khảo sẽ làm việc với sự mẫn cán và tinh thần trách nhiệm cao nhất để lựa chọn những sáng kiến, nghiên cứu khoa học có ý nghĩa nhất cho vòng Chung khảo”, TS. Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup và Đại diện ủy quyền Quỹ VinFuture phát biểu.

Bên cạnh việc vinh danh những nhà khoa học kiệt xuất - chủ nhân của các công trình khoa học đột phá có ý nghĩa thực tiễn lớn lao, Quỹ VinFuture sẽ tìm kiếm các nguồn tài trợ, kết nối các nhà khoa học với hệ sinh thái Vingroup và các nhà đầu tư có cùng tầm nhìn. Mục tiêu của VinFuture là rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn, thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Giải thưởng VinFuture là giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân là bà Phạm Thu Hương sáng lập. VinFuture hướng đến các nghiên cứu khoa học đột phá, các sáng chế công nghệ đã đóng góp hoặc có tiềm năng làm cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai. Chủ nhân của các Giải thưởng VinFuture năm đầu tiên sẽ được công bố vào ngày 20/12/2021. Lễ trao giải dự kiến được tổ chức tại Việt Nam vào ngày 20/1/2022.

 

Nguồn bài viết