Các tay súng Taliban trên đường tiến về Kabul năm 1994 - Ảnh: AFP
Đài phát thanh quốc gia France Inter (Pháp) ghi nhận 10 cột mốc trong lịch sử chiến đấu của lực lượng Taliban.
27-9-1996: Taliban tiến vào thủ đô Kabul
Cuối năm 1979, quân đội Liên Xô can thiệp vào Afghanistan nhằm ổn định tình hình nội chiến.
Mùa hè năm 1994, phong trào Taliban do giáo sĩ Mohammad Omar thành lập xuất hiện ở miền nam Afghanistan.
Taliban gồm các sinh viên chủ yếu là người Pashtun (dân tộc chiếm đa số theo dòng Hồi giáo Sunni cực đoan) xuất thân từ các trường thần học chủ trương khôi phục "Hồi giáo thuần túy" (deobandi) hoặc các trường thần học tư nhân ở Pakistan (madrassas).
Taliban nhanh chóng kiểm soát Kandahar ngày 3-10-1994. Ngày 27-9-1996, Taliban chiếm được thủ đô Kabul.
Sau khi thiết lập chế độ Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, Taliban vẫn được phương Tây coi là đồng minh.
Thậm chí Ngoại trưởng Mỹ khi đó, bà Madeleine Albright còn khen ngợi chiến dịch đánh chiếm Kabul là "một bước đi tích cực".
20-8-1998: tàu chiến Mỹ nã pháo
Tháng 8-1998, Taliban chiếm thủ phủ miền Bắc Mazar-i-Sharif và Bamyan, thủ phủ của người Hazara theo dòng Hồi giáo Shiite chiếm thiểu số.
Cùng lúc đó, Mỹ đoạn giao với Taliban khi Taliban từ chối giao nộp Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania ngày 7-8-1998.
Ngày 20-8-1998, tàu chiến Mỹ pháo kích các trại huấn luyện của Bin Laden ở Afghanistan.
Taliban bị cô lập về mặt ngoại giao, đặc biệt mất đi hậu thuẫn của Saudi Arabia, một trong ba quốc gia công nhận chế độ Taliban cùng với Pakistan và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.
7-10-2001: liên quân tấn công Afghanistan
Tháng 2-2001, giáo sĩ Omar ra lệnh phá hủy các tượng trước khi Hồi giáo ra đời, trong đó có hai tượng Phật cổ nổi tiếng khắc trong núi đá ở Bamiyan.
Hình ảnh phá tượng lan truyền khắp thế giới. Thế giới phát hiện tư tưởng cực đoan của Taliban.
Ngày 11-9-2001, hai tòa tháp Trung tâm Thương mại thế giới ở Mỹ bị tấn công sụp đổ.
Taliban bị cáo buộc ủng hộ tổ chức khủng bố Al Qaeda vì từ chối giao nộp Bin Laden, thủ lĩnh Al Qaeda.
Ngày 7-10-2001, chiến dịch quân sự tấn công Taliban mở màn. Chiến dịch quốc tế được LHQ bảo trợ và Mỹ đứng đầu.
Chỉ trong vài ngày, Taliban buộc phải ký thỏa thuận đầu hàng. Chế độ lâm thời ở Kabul được thiết lập sau hội nghị liên Afghanistan ở Bonn do LHQ bảo trợ.
9-10-2004: Taliban tái cấu trúc tổ chức
Ba năm sau khi chế độ Taliban sụp đổ, tình hình Afghanistan vẫn bất ổn. Hiến pháp mới được thông qua ngày 4-1-2004.
Chính phủ của Tổng thống lâm thời Hamid Karzai có quyền lực rất hạn chế ngoài phạm vi thủ đô nên muốn đàm phán với Taliban.
Taliban đang suy yếu cố thủ ở các tỉnh có đông người Pashtun ở phía đông và đông nam giáp Pakistan.
Sau đó, Taliban tái cấu trúc lực lượng, tăng cường trang bị và bắt đầu các vụ tấn công liều chết. Từ năm 2007, Taliban chuyên bắt cóc công dân nước ngoài.
Từ năm 2008, Taliban ngày càng áp sát Kabul và bố trí lực lượng chỉ cách Kabul 50 km.
Bính lính Mỹ tuần tra ở Afghanistan - Ảnh: AP
31-12-2014: Liên quân rút quân, Taliban tăng tốc phản công
Cuối năm 2014, NATO kết thúc chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan.
Liên quân bị chỉ trích vì đã gây nhiều thương vong cho dân thường. Ngay cả Tổng thống mãn nhiệm Hamid Karzai cũng kêu gọi Mỹ chấm dứt không kích.
Taliban bắt đầu tiến hành tấn công các tòa nhà chính quyền và đại sứ quán ở Kabul, đẩy mạnh các vụ tấn công giành dân lấn đất và gia tăng quân số.
23-7-2016: IS tấn công, Taliban lo ngại
Ngày 23-7-2016, một vụ đánh bom liều chết xảy ra trong cuộc biểu tình có đông người Hazaras ở Kabul làm 80 người thiệt mạng. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm.
IS cố giành chỗ đứng ở Afghanistan từ năm 2015 và tìm cách chiêu dụ các tay súng Taliban nên Taliban xem IS là mối đe dọa.
Các vụ đụng độ giữa Taliban và IS ngày càng ác liệt.
Từ 15-6 đến 17-6-2018: Ba ngày ngừng bắn đầu tiên
Taliban vừa ngăn chặn IS lấn chiếm vừa tổ chức các vụ tấn công ở Kabul.
Chính phủ Afghanistan không thể cùng lúc đương đầu với Taliban và IS nên buộc phải xuống nước với Taliban.
Tháng 3-2018, Tổng thống Ashraf Ghani đưa ra đề nghị Taliban sẽ được công nhận là một lực lượng chính trị nếu công nhận hiến pháp. Taliban bác đề nghị vì cho đó là hành động đầu hàng. Tháng 6-2018, lần đầu tiên Tổng thống Ghani tuyên bố ngừng bắn với Taliban trong ba ngày.
29-2-2020: Đạt thỏa thuận Doha với Mỹ
Sau nhiều tháng đám phán bí mật, Taliban đã ký với Mỹ thỏa thuận Doha ngày 29-2-2020.
Thỏa thuận ấn định điều kiện Mỹ rút quân trong 14 tháng, Taliban cam kết không tấn công quân đội nước ngoài trong quá trình rút quân và ngăn chặn các nhóm như Al Qaeda và IS hoạt động ở Afghanistan.
Thỏa thuận dự kiến sẽ tiến hành đàm phán giữa Taliban với chính phủ Afghanistan.
Cuối cùng cuộc hội đàm lịch sử giữa Taliban và chính phủ Afghanistan khai mạc ngày 11-9-2020 tại Qatar với sự hiện diện của ngoại trưởng Mỹ sau khi Afghanistan trả tự do cho 400 tù nhân Taliban cuối cùng.
Ngày 29-2-2020 tại Doha (Qatar), đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad (trái) và giáo sĩ Abdul Ghani Baradar ký kết thỏa thuận kết thúc cuộc chiến kéo dài 18 năm của Mỹ ở Afghanistan - Ảnh: AP
9-7-2021: Taliban kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan
Tháng 5-2021, Taliban mở màn chiến dịch tấn công mới sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định quân đội nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistabn trước cuối tháng 8.
Taliban đã nhanh chóng mở rộng quyền kiểm soát. Ngày 9-7, Taliban tuyên bố kiểm soát 85% lãnh thổ Afghanistan.
15-8-2021: Taliban tuyên bố chiến thắng
Vài giờ sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời đi, theo những hình ảnh phát trực tiếp trên đài truyền hình Al Jazeera, Taliban đã tuyên bố chiến thắng từ bên trong dinh tổng thống.
Taliban bên trong dinh tổng thống ngày 15-8 - Ảnh: AP