Giúp vợ giặt quần áo, rửa bát… phải giấu gia đình?

2 năm trước 165
Giúp vợ giặt quần áo, rửa bát… phải giấu gia đình? - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Bích Loan, vụ phó Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - Ảnh: MẠNH DŨNG

Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Bích Loan, vụ phó Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, tại hội thảo "Công việc chăm sóc không lương đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, thực trạng và giải pháp" do Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Tổ chức CARE International tại Việt Nam tổ chức ngày 12-7.

Thay đổi nhận thức là tiên quyết

Theo bà Trần Thị Bích Loan, hằng nằm, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đều tổ chức các lớp tập huấn bình đẳng giới nhưng gặp nhiều khó khăn. 

Bà dẫn lại thực tế nhiều người mẹ vẫn cho rằng "việc nhà là việc phụ nữ phải làm, không thể để người chồng, người đàn ông trong gia đình làm việc nhà", một số phụ nữ tâm sự "nếu chồng muốn làm giúp thì phải khi không có mẹ ở đó". Tư tưởng ăn sâu vào các thế hệ phụ nữ lớn tuổi, vì họ coi đó là trách nhiệm, thiên chức phụ nữ phải làm việc nhà.

"Đó là rào cản từ phía xã hội. Rào cản dẫn tới việc phụ nữ nhận thức đó là trọng trách của mình", bà Loan nói.

Vụ phó Vụ Bình đẳng giới nhấn mạnh phải thay đổi quan điểm "nam giới là trụ cột trong gia đình, nam giới phải là người kiếm tiền, nam giới phải gánh vác gánh nặng về kinh tế, còn phụ nữ phải gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình", nhất là khi do tâm lý, sức khỏe, công việc của nam giới chưa đạt được mà phải gồng mình thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình.

Tại hội thảo, bà Loan chia sẻ mô hình vợ chồng cùng ghi nhật ký rất thành công. Sau một năm thí điểm, người chồng hiểu được vô vàn việc trong nhà như chơi với con, cho con ngủ, nấu cơm, rửa bát… nên "xắn tay" vào chăm sóc mái ấm với vợ. Kết quả của mô hình chỉ ra thời gian làm việc nhà của phụ nữ giảm 1 giờ đồng hồ, còn thời gian làm việc của nam giới tăng lên, dù không đáng kể.

Còn bà Lê Kim Dung - giám đốc quốc gia Tổ chức CARE International tại Việt Nam - cho biết bất bình đẳng giới trong công việc chăm sóc không được trả lương là một trong những yếu tố nới rộng khoảng cách giới trong tìm kiếm việc làm, thu nhập, chất lượng công việc.

Theo bà Dung, phân bổ lại trách nhiệm chăm sóc, nội trợ giữa phụ nữ và nam giới có thể giúp phụ nữ có thể tham gia vào thị trường lao động một cách công bằng, tạo thu nhập, nâng cao vị thế, tiếng nói của họ trong chi tiêu hằng ngày.

Giúp vợ giặt quần áo, rửa bát… phải giấu gia đình? - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: MẠNH DŨNG

Những bài học ‘nhãn tiền’

Tại Canada, GS.TS kinh tế học Haroon Akram-Lodhi, Đại học Trent, cảnh báo thế giới đang chứng kiến ​​mức sinh giảm chưa từng có, nhất là tại các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, dẫn tới bài toán lao động trong 2-3 thế hệ tới. Thực tế, phụ nữ có học vấn thường muốn sinh con ít hơn hoặc chọn không sinh con để theo đuổi sự nghiệp, lo sợ chi phí nuôi con…

Để Việt Nam tránh đi vào "vết xe đổ", GS Haroon đưa ra một số bài học. Chẳng hạn, Phần Lan miễn phí gửi trẻ từ 8 tháng tuổi đến khi trẻ bắt đầu đi học tiểu học (7 tuổi), Na Uy và Đan Mạch giảm phí trông trẻ cho phụ nữ thu nhập thấp. 

Các nước như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy chuyển hỗ trợ tài chính vào tài khoản của cha mẹ để chi trả một phần phí nuôi con. Tại Thụy Điển, gia đình có con nhỏ được nghỉ phép 16 tháng với mức 80% lương trong năm đầu tiên và không phải trả tiền khi di chuyển trên các phương tiện công cộng. 

Một số nước ở châu Phi như Nigeria, Senegal, Nam Phi, Tanzania đầu tư cho dịch vụ, giáo dục mầm non đã đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.

GS Haroon khuyến nghị các nước cần có chính sách thân thiện với gia đình, hướng tới dịch vụ chăm sóc trẻ em, nhất là những năm tháng đầu đời; đầu tư vào hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ chuyên nghiệp; trả lương hậu hĩnh cho người trông trẻ có chứng chỉ… để giảm gánh nặng cho phụ nữ.

Theo báo cáo của Trung tâm Phân tích và dự báo (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Tổ chức CARE International tại Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2022, có 93% phụ nữ thường xuyên làm việc nhà, trong khi con số này chỉ khoảng 77% ở nam giới. Mỗi tuần, phụ nữ dành thời gian nấu cơm, rửa bát… nhiều hơn 8,3 giờ/tuần. Chỉ 3/10 hộ dân người dân tộc thiểu số có trẻ dưới 6 tuổi gửi trẻ vì nhiều trở ngại đường sá, thời tiết…

Báo cáo khuyến nghị Nhà nước cần đầu tư dịch vụ chăm sóc như trường mẫu giáo, cơ sở chăm sóc người già hoặc người khuyết tật; tuyên truyền thay đổi định kiến giới ở các vùng dân tộc thiểu số...

Vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình, cùng làm việc nhà và đóng góp tài chínhVợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình, cùng làm việc nhà và đóng góp tài chính

TTO - Theo Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vừa được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ban hành, vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình, cùng làm việc nhà và đóng góp tài chính.

Nguồn bài viết