Phùng Quang Trung (trái) và các cộng sự gửi lại khách bức ảnh đã được phục dựng - Ảnh: TRUNG THU
Hiện sinh sống và làm việc tại tỉnh Hải Dương, từ những hình ảnh được người thân cung cấp, những mảnh ghép rời rạc, anh đã tỉ mẩn lồng ghép để tặng lại gia đình món quà đầy bất ngờ với cảnh gia đình hoàn chỉnh, có mặt cả những người đã mất.
Tôi muốn tặng họ bức ảnh không phải để níu giữ quá khứ, chứa đựng đau buồn mà là lưu giữ những kỷ niệm.
Anh PHÙNG QUANG TRUNG
Khơi lại những cảm xúc đã cũ
Có những gia đình dần quen với việc người thân đã ra đi mãi mãi, họ chấp nhận thực tại, những hình ảnh về người thân trong họ mờ dần, rồi có nguy cơ mất hẳn. Nhưng thi thoảng, trong một khoảnh khắc nào đó họ muốn níu lại những điều tưởng chừng đang nhạt nhòa đó bằng chính những ký ức đã cũ.
Không ít lần, Trung thẫn thờ trước những tin nhắn nhờ giúp đỡ. Có những câu chuyện khiến anh trầm ngâm. Dù không phải người trong cuộc nhưng anh cảm nhận được phần nào cảm xúc của người ở lại.
Thấu hiểu nỗi lòng nhiều người không kịp có bức ảnh đoàn viên với người thân khi họ chia xa vĩnh viễn, anh dành nhiều thời gian chỉnh sửa, ghép ảnh với hy vọng họ có thêm kỷ niệm với người thân của mình.
Trung kể làm nghề chừng ba năm và bắt đầu nghĩ đến thực hiện những bức ảnh thế này mới hơn một năm nay thôi. Nhưng những việc Trung đã làm được lại có giá trị không hề nhỏ. Bằng sự chuyên nghiệp, bức ảnh gia đình ra đời mà hầu như không ai nhận ra trong bức ảnh mới ấy có người được ghép vào. Nhiều gia đình khi nhận lại hình còn ngỡ ngàng.
Cứ vậy, rất nhiều tấm ảnh xưa cũ được anh "hô biến" trở nên mới toanh. Anh kể đợt dịch COVID-19 đầu tiên, một phần cũng rảnh nên anh có chỉnh giúp ảnh của những người quen trên mạng.
Ban đầu chỉ là chỉnh sửa theo nhu cầu đơn thuần, đến khi có lời đề nghị nhờ ghép người thân đã mất để có tấm ảnh cả gia đình, Trung bắt tay làm và cảm nhận được ý nghĩa của nó, thấu hiểu niềm vui của gia đình khi nhận lại hình đã ghép. Vậy là đam mê và yêu luôn công việc này!
Bức ảnh hoàn chỉnh sau khi nhờ ghép người cha đã mất vào đám cưới con gái gây bão trên mạng xã hội - Ảnh: TR.THU
Có cha trong ngày trọng đại
Làm cho nhiều người nhưng mỗi câu chuyện là một hoàn cảnh nên hầu như Trung nhớ hết. "Tôi nhớ nhất câu chuyện của người mẹ đơn thân nhờ ghép người chồng vào tấm ảnh để mong các con có chút kỷ niệm về bố. Anh ấy mất vì tật hay tắm khuya. Tôi nhớ như một lời cảnh tỉnh cho mình và người khác", Trung bộc bạch.
Rồi một hôm, Trung nhận được tin nhắn qua Zalo thế này: "Bố em mất lâu rồi, không có tấm ảnh gia đình nào, mong anh giúp em với ạ". Người nhắn tin là Nguyễn Văn Công, 23 tuổi, ở Gia Lai. Công gửi anh Trung bức ảnh đám cưới em gái có đủ các thành viên gia đình kèm bức ảnh chân dung xưa cũ của người cha quá cố.
Trung nhận lời, hỏi thăm thêm về hình dáng người bố. Từ những mô tả ấy, kết nối lại, bức ảnh gia đình Công đã hoàn chỉnh sau gần 4 giờ đồng hồ. Nhận lại bức ảnh ngày vui của em gái đủ cả gia đình, có bố nắm tay mẹ, Công và cả nhà rưng rưng xúc động. Đó cũng là bức ảnh gây bão trên mạng suốt nhiều ngày.
Tùy độ khó của ảnh mà có khi phải vài ngày Trung mới hoàn chỉnh tác phẩm. Khó nữa là những bức ảnh đã quá cũ, đôi khi hỏng nên việc phục dựng lại cho rõ nét, tả lại những chi tiết khuôn mặt và dáng hình sao cho giống họ nhất đòi hỏi kỳ công hơn.
"Có những trường hợp ông mất khi trẻ, bà giờ đã già nên muốn ghép cảnh ông bà với nhau buộc phải làm cho ông già đi để ông bà cân xứng độ tuổi, đây là cái khó nhất", anh Trung chia sẻ.
Không lấy thù lao
Phùng Quang Trung cũng không nhớ tính đến nay mình đã giúp bao nhiêu gia đình. Chỉ nhớ con số này là rất nhiều và anh nhận lời giúp nhưng không lấy bất kỳ đồng thù lao nào.
Hiện anh vẫn đang cùng các cộng sự chia sẻ điều ý nghĩa này và dự tính nếu có điều kiện hơn sẽ duy trì, phát triển công việc thiện nguyện này.