Giãn cách vì dịch, được gần con cái nhiều hơn

3 năm trước 266
Giãn cách vì dịch, được gần con cái nhiều hơn - Ảnh 1.

Ba mẹ con chị Thúy Nga vào bếp trong những ngày giãn cách để cho các con tự do sáng tạo những món ăn yêu thích - Ảnh: C.K.

"Những ngày này, sống trong khu phong tỏa dù chùn chân nhưng các con tôi cũng hợp tác cùng cha mẹ, gia đình cùng nhau phòng chống dịch" - chị Đỗ Thúy Nga (ngụ Q. Bình Tân, TP.HCM) cho hay.

24/24 giờ bên nhau

Chị Thúy Nga làm trong lĩnh vực du lịch, con trai của chị năm nay mới lên lớp 4 nhưng có nhiều kiến thức về địa lý. Em nhớ được rất nhiều địa danh, cờ và thủ đô các nước. 

Những ngày qua, chị Thúy Nga cùng con trai và cô con gái nhỏ "du lịch qua màn ảnh nhỏ". Mỗi địa danh, mỗi đất nước đã được chị hướng dẫn con tìm hiểu, trao đổi những nét nổi bật của cảnh vật, văn hóa và ẩm thực...

Cả nhà còn cùng nhau vào bếp sáng tạo những món ăn, pha chế thức uống theo sở thích của từng người. 

"Các món như bánh flan, đậu hũ, rau câu trái cây, trà sữa trân châu... con trai tôi đều có thể phụ mẹ làm được. Cô bé mẫu giáo cũng lon ton lặt rau. Các con vừa làm vừa hỏi chuyện, mình hướng dẫn các con hiểu về các loại rau củ, biết dinh dưỡng của từng loại. Đó cũng là cách dạy con biết quý trọng sức lao động của nông dân, hiểu thêm kiến thức ngoài sách vở" - chị Thúy Nga nói.

Theo chị, đây là khoảng thời gian có cơ hội sống bên nhau 24/24 giờ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, làm cho sợi dây tình cảm cha mẹ và con cái gắn bó hơn.

Gói lại lo toan

Những năm trước, gia đình chị Huỳnh Thị Thanh Mai (Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Q. Bình Tân) thường có những chuyến đi rừng, leo núi khám phá thiên nhiên. Năm nay, cả nhà cùng nhau chăm sóc những chậu kiểng, cây xanh và hai con cùng phụ ba mẹ nấu những món ăn để cả nhà cùng thưởng thức. 

"Mong dịch bệnh kiểm soát được, cả nhà lại cùng nhau lên rừng, xuống biển" - chị Thanh Mai bộc bạch.

Anh Nguyễn Gia Phát (Q.1) cho hay mỗi tuần anh đi làm ba ngày, những ngày còn lại ở nhà anh và hai cậu con trai thường chơi cờ vua, rồi cùng nhau làm những món ăn "cầu kỳ" hơn một xíu. 

"Những ngày bình thường cha mẹ phải đi làm, con thì đi học nên những bữa ăn tối thường phải làm nhanh, mấy món cần thời gian thì chỉ lâu lâu mới làm được. Gói lại những lo toan, những ngày này cả nhà có thời gian bên nhau, được làm những điều mình thích cùng nhau cũng rất vui" - anh Phát chia sẻ.

"Yêu thương và sẻ chia" cũng là bí kíp được nhiều gia đình trẻ chọn lựa để cùng nhau phát triển mỗi cá nhân trong gia đình. Như với chị Thúy Nga thì việc ông xã chị đón con đi học về cũng là cách để chị toàn tâm toàn ý hơn cho công việc và ngược lại, khi anh bận rộn quá, chị lại là người hỗ trợ. 

Cũng chọn phương châm phải luôn tôn trọng và sẻ chia cùng nhau trong mọi việc, anh Gia Phát cho hay: "Mỗi người trong nhà phải thấy trách nhiệm vun vén xây dựng gia đình thật sự là mái ấm thì khi đó gia đình mới hạnh phúc".

Nơi nào có gia đình, nơi đó luôn nhiều niềm vui

Trên fanpage Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM đã chuyển tải thông điệp "Ở nhà không buồn, chỉ cần có gia đình, nơi đó luôn có nhiều niềm vui".

ka- gia dinh t hanh mai 2a 1(read-only)

“Nơi nào có gia đình, nơi đó có niềm vui”. Trong ảnh: gia đình chị Thanh Mai - Ảnh: C.K.

Nhiều nội dung kỷ niệm 20 năm Ngày gia đình Việt Nam do hội liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức trên không gian mạng.

Dưới hình thức trực tuyến, những chuyên đề, hội thi vẫn được tổ chức tạo sân chơi cho nhiều gia đình trẻ như: thi nấu ăn gia đình online, nét đẹp gia đình truyền thống, khoảnh khắc gia đình hạnh phúc, viết thư gửi tuyến đầu phòng chống dịch, hướng dẫn kỹ năng sống cho con, chuyên đề chia sẻ yêu thương vượt qua dịch bệnh, giáo dục đạo đức lối sống...

Các đơn vị cũng phát động các gia đình cùng nhau trồng cây xanh, trồng rau sạch, tạo mảng xanh trong căn hộ, gian phòng của gia đình.

Hạnh phúc gia đình trong mắt nữ trí thức ViệtHạnh phúc gia đình trong mắt nữ trí thức Việt

TTO - Là những cá nhân thành công và bận rộn, những nữ trí thức trẻ gặp không ít thử thách trong hành trình chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, gia đình.

Nguồn bài viết