Vợ chồng anh Trịnh Vạn Ngữ và chị Nguyễn Thị Thu Hảo trong ngày 21-12-2020, sau khi chị Hảo vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ ngành khoa học y sinh - Ảnh: T.V.N.
Năm nay, nhiều người Việt ở nước ngoài đã thu xếp, chờ đợi và hi vọng nhưng rốt cuộc cũng vẫn không thể về đón xuân với gia đình.
Nhiều người vẫn ngỡ ngàng khi hóa ra đã lại một cái "Tết COVID-19" nữa đến rồi, sau một năm bị đảo lộn rất nhiều thứ vì dịch bệnh. Trước thềm năm mới, họ chia sẻ cùng Tuổi Trẻ những chuyện đã qua và hi vọng cho năm mới.
Ở lại học tiếp vì... COVID-19
Nếu không còn dịch, anh Trịnh Vạn Ngữ và vợ, chị Nguyễn Thị Thu Hảo (cả hai đều là nghiên cứu sinh ngành khoa học y sinh tại Viện Khoa học y sinh SoonChunHyang, ĐH SoonChunHyang), đã tính đưa cha mẹ sang Hàn Quốc dự lễ tốt nghiệp tiến sĩ của hai vợ chồng và dẫn đi tham quan nhiều nơi ngay sau Tết Nguyên đán.
Nếu không còn dịch, họ cũng đã tính tới phương án về nước thăm gia đình. Nhưng tới lúc này, ngoại trừ việc bảo vệ luận án diễn ra đúng tiến độ, nhiều kế hoạch khác đều đã bị hủy hoặc phải điều chỉnh, tính toán lại. Đôi vợ chồng trẻ đang cân nhắc tiếp tục theo đuổi chương trình đào tạo sau tiến sĩ.
Tại nhiều nơi ở Hàn Quốc, trong đó có thành phố Cheonan (cách Seoul khoảng 80km) - nơi vợ chồng Ngữ đang theo học, những ngày qua chính quyền đã đưa ra những quy định cấm tụ tập đông người cũng như phát đi thông điệp kêu gọi người dân hạn chế di chuyển và không nên về quê ăn tết để phòng ngừa nguy cơ bùng thêm các ổ dịch mới.
Phạm Thị Thùy Dương - Ảnh: T.D.
Nhường đường về cho người khó hơn
Cái "Tết COVID-19" năm ngoái dường như chỉ vừa mới hôm qua trong ký ức của cô học viên người tỉnh Thái Bình - Phạm Thị Thùy Dương. Dương là du học sinh đang theo học chương trình đào tạo thạc sĩ ngành quản lý hành chính công tại ĐH Rikkkyo, Nhật Bản trong khuôn khổ chương trình học bổng toàn phần Chính phủ Nhật (JDS).
Dịch bùng lên khi đó khiến một người bạn của Dương không kịp mua vé máy bay thương mại, phải ăn chực nằm chờ ở nhà cô suốt hai tháng trước khi may mắn đặt được chỗ trên chuyến bay giải cứu. Thấm thía cảnh này nên năm nay Dương và các bạn du học sinh Việt tại Nhật đã chủ động chọn ở lại, nhường suất trên các chuyến bay hiếm hoi này cho những người thực sự cần.
Thương con gái 8 tuổi đang ở cùng ông bà ngoại, suốt hai năm qua chỉ thấy mẹ qua màn hình điện thoại mỗi ngày nhưng Dương quyết định ở lại, dồn thời gian và sức lực trong lúc dịch giã cực chẳng đã này để có thể bảo vệ thành công luận văn và về nước với con.
Dù ở lại nhưng cũng như Tết năm ngoái, Dương không cảm thấy quá lo lắng hay buồn chán. Ngoài sự chia sẻ, quan tâm giữa các bạn đồng hương với nhau, Dương cũng cảm nhận được sự quan tâm tận tình của các nhân viên trong chương trình học bổng JDS.
Họ thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ các thông tin cần thiết để đảm bảo sinh hoạt ổn định cho du học sinh.
Vợ chồng kỹ sư Nguyễn Viết Dũng - Nguyễn Thị Hà và hai con trong bức ảnh chụp tháng 12-2020 tại Nhật - Ảnh: N.T.H.
Khó khăn nhưng vẫn duy trì không khí Tết
Tết này là cái Tết thứ 10 trong 13 năm sống và làm việc tại Nhật của vợ chồng kỹ sư Nguyễn Viết Dũng và chị Nguyễn Thị Hà. Ở lại ăn Tết không phải chuyện gì quá đặc biệt với gia đình họ, nhưng việc sắp trải qua cái Tết thứ hai trong không khí dịch COVID-19 cũng có nhiều điều phải dần quen và chấp nhận.
Buồn nhất với họ là vì dịch bệnh nên cơ hội gặp mặt giao lưu với bạn bè người Việt trong Tết như thông lệ nhiều năm đã không thể thực hiện.
Năm ngoái, gia đình anh Dũng trở lại Nhật vào mùng 2 Tết. Đó cũng là lúc dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến rất nóng tại Trung Quốc. Hiểu rằng Nhật sẽ sớm bị tác động từ dịch bệnh này nên chị Hà chủ động đi siêu thị mua các loại thực phẩm dự trữ, khẩu trang và đồ khử trùng y tế.
Chỉ ngay hôm sau, các siêu thị, hiệu thuốc đã hết sạch đồ dùng cần thiết, gia đình chị Hà và nhiều gia đình khác đã rất bấn loạn và lo lắng trước tình thế căng thẳng bất ngờ khi đó.
"Năm nay vẫn là dịch bệnh, nhưng khác là không phải lo đi xếp hàng từ 5 giờ sáng mua khẩu trang và đồ tiệt trùng, bây giờ hàng hóa đã có nhiều. Dịch nhưng các con vẫn đi học bình thường, chỉ khác là mọi người đều phải thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch. Điều quan trọng là tôi thấy những nỗi lo sợ đã bớt, không còn như năm ngoái nữa", chị Hà chia sẻ.
Do dịch bệnh nên cũng như các nơi khác, nhiều người ở Nhật lâm vào cảnh thất nghiệp, giảm thu nhập. Là lao động hợp đồng, chị Hà đã xin nghỉ việc thời gian qua để chăm sóc và trông nom hai con, bé lớn 9 tuổi và bé sau 3 tuổi. Thu nhập gia đình sụt giảm nhưng may mắn vẫn đủ, chưa tới mức khó khăn.
Theo chia sẻ của chị Hà, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật, cuộc sống của gia đình chị vẫn đang tạm ổn. Mặc dù Tết năm nay không thể gặp gỡ, giao lưu với các gia đình người Việt nhưng nhà chị đã chuẩn bị đầy đủ hương Tết Việt cho hai con: không thiếu bánh chưng, giò chả, giò xào, canh măng, xôi gấc, mâm ngũ quả và đặc biệt vẫn có hoa đào hoặc mai vàng đón Tết giống như mọi năm.
Lưu Dịu Khuê (nghiên cứu sinh ngành kỹ thuật y sinh ĐH Minnesota, bang Minnesota, Mỹ): Cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì đã có vắc xin
Vợ chồng nghiên cứu sinh Lưu Dịu Khuê và con gái đầu lòng tại thành phố Saint Paul, bang Minnesota, Mỹ - Ảnh: L.D.K.
Sau hơn một năm sống chung với dịch COVID-19 ở Mỹ, dù vẫn còn nhiều lo lắng khi theo dõi thông tin mỗi ngày song lúc này tâm trạng chúng tôi đã tốt hơn trước bởi giờ đây nước Mỹ đã phê chuẩn đưa vào sử dụng khẩn cấp vắc xin của Pfizer và Moderna.
Dù chưa thuộc nhóm được ưu tiên tiêm ngay nhưng khi đã có những vắc xin COVID-19 được cấp phép sử dụng như vậy, tâm trạng chúng tôi đã phấn khởi hơn nhiều.
Trong năm qua, chúng tôi không dám qua nhà nhau chơi, thăm hỏi như bình thường. Nhưng sau khi đã có vắc xin, kể từ Tết dương lịch tới nay chúng tôi đã "dám" qua chơi nhà nhau một hai lần. Riêng với gia đình tôi, năm nay chúng tôi vừa có con đầu lòng, đã tính Tết này đưa con về Việt Nam thăm hai bên nội ngoại nhưng mọi kế hoạch đã đảo lộn vì COVID-19.
Năm ngoái, khoảng trung tuần tháng 2, khi nước Mỹ chỉ mới có vài ca COVID-19 và chưa ai nghĩ tình hình dịch bệnh sẽ tệ đến thế, mẹ chồng tôi đã được cấp visa tới Mỹ hồi tháng 7-2020 để giúp vợ chồng tôi chăm cháu. Nhưng rồi do dịch ngày càng phức tạp nên kế hoạch trở lại Việt Nam của bà gặp rất nhiều trục trặc.
Sau hai lần vé máy bay thương mại bị hủy và tới giờ vẫn chưa nhận được phản hồi về việc đăng ký chuyến bay giải cứu, bà nội vẫn chưa thể về Việt Nam.