Ông Nguyễn Thanh Toàn - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Ngày 10-10, trao đổi với Tuổi Trẻ trước tình trạng "Bình Dương chật vật vì hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng, chờ hoàn thiện pháp lý…", ông Nguyễn Thanh Toàn - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết:
- Để đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với 9 doanh nghiệp đầu mối và phân phối trên địa bàn tỉnh Bình Dương yêu cầu đảm bảo cung ứng xăng dầu đầy đủ cho các cửa hàng bán lẻ gồm: Tổng công ty Thanh Lễ (chiếm trên 21% thị phần), Công ty Phúc Thịnh (chiếm 13,5%), Công ty xăng dầu Sông Bé (chiếm 7,35%), Công ty Hồ Bửu (chiếm 5,75%)...
Mặt khác đối với các cửa hàng bán lẻ, sở cũng đã ban hành kế hoạch kiểm tra đột xuất và phối hợp với Cục Quản lý thị trường để kiểm tra nhằm đảm bảo các cửa hàng bán đúng theo thời gian đăng ký và xử lý trường hợp đóng cửa, găm hàng chờ lên giá thu lợi bất chính.
* Trên thực tế vì sao vẫn có tình trạng người dân khó đổ xăng dầu do nhiều cây xăng thông báo "hết hàng" hoặc "đóng cửa"?
- Ngay sáng nay tôi đã trực tiếp đi khảo sát các cây xăng tại thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An… và ghi nhận đúng là có tình trạng người dân đi đổ xăng dầu tăng lên so với bình thường.
Các cửa hàng bán lẻ phản ánh họ thua lỗ do mức chiết khấu của nhà phân phối quá thấp, trong khi với mức giá hiện hành thì các nhà phân phối đầu mối cũng than lỗ. Ví dụ mức chiết khấu (hoa hồng) của hai nhà phân phối có thị phần lớn tại Bình Dương hiện tại là 50 đồng cho mỗi lít xăng hoặc dầu. Có nhà phân phối bao chi phí vận chuyển, có nhà phân phối thì không bao chi phí vận chuyển.
Với mức chiết khấu trên thì các cửa hàng than không đủ để trả lương nhân viên, khấu hao… nên họ không thể nhập hàng về bán, chứ không phải có hàng trong bồn chứa mà không bán.
Tới tối 10-10, nhiều cây xăng tại Bình Dương vẫn mở cửa nhưng lượng người đổ xăng khá đông nên nhiều người dân phải đợi nhiều giờ để được đổ xăng - Ảnh: B.S.
* Có rất nhiều cây xăng dầu tại Bình Dương đóng cửa suốt nhiều tháng có phải do giá xăng dầu?
- Hiện có tới 123 cửa hàng có giấy phép hết hạn nên ngưng hoạt động và 17 cửa hàng đã đóng cửa hoàn toàn trong tổng số 447 cửa hàng xăng dầu trong địa bàn tỉnh Bình Dương. Lý do vì thực hiện theo đề án "điều chỉnh, phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu đến năm 2030", các cây xăng phải rà soát lại điều kiện về quy hoạch, phòng cháy chữa cháy, diện tích và các điều kiện khác…
Do tốc độ đô thị hóa của Bình Dương khá nhanh nên nhiều cây xăng được cấp phép trước đây tới nay không còn đủ điều kiện hoạt động phải đóng cửa hoàn toàn hoặc cải tạo, bổ sung để đáp ứng theo tiêu chuẩn mới. Trong số các cửa hàng có giấy phép hết hạn, cũng có những trường hợp do biến động giá xăng dầu nên họ lấy lý do cải tạo sửa chữa để chậm nộp hồ sơ xin gia hạn.
* Sở có giải pháp và kiến nghị gì để thị trường xăng dầu bình ổn, khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu?
- Tại Bình Dương các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động tới trên 90% nguồn cung xăng dầu và chỉ có khoảng 6% nguồn xăng dầu là phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài tỉnh. Nguồn cung của các thương nhân, doanh nghiệp đầu mối phân phối vẫn còn nhiều và đảm bảo đáp ứng cho nhiều ngày. Ví dụ đối với nhà phân phối lớn nhất trên địa bàn tỉnh là Tổng công ty Thanh Lễ thì trong ngày 10-10 báo cáo kho doanh nghiệp này vẫn còn 35.000m3 dầu và 18.000m3 xăng, các tàu nhập xăng dầu cũng đang tiếp tục về.
Người dân xếp hàng chờ đổ xăng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thành phố Thủ Dầu Một tối 10-10 - Ảnh: B.S.
Đối với các cửa hàng xăng dầu trong địa bàn tỉnh, chúng tôi sẽ đề nghị các cửa hàng đang hoạt động bán đúng thời gian đăng ký, không găm hàng. Đối với các cửa hàng có giấy phép hết hạn, chúng tôi sẽ vận động họ cải tạo, bổ sung các tiêu chí để đủ điều kiện hoạt động trở lại. Sở Công thương sẽ cấp phép gia hạn ngay khi các cây xăng đáp ứng đủ yêu cầu.
Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần tiếp tục có giải pháp linh hoạt hơn nữa trong điều hành về giá xăng dầu, để vừa kiềm chế được lạm phát nhưng cũng tôn trọng quy luật thị trường, chia sẻ với thua lỗ của doanh nghiệp.
Tối 10-10, nhiều người dân tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phản ảnh phải chờ đợi khá lâu để được đổ xăng. Trên đường Cách Mạng Tháng Tám, các cây xăng của Petrolimex có hàng nhưng do lượng người mua xăng quá đông nên nhiều người phải xếp hàng dài.
Nhiều cửa hàng xăng dầu trước đây bán 24/24h nhưng nay xin rút ngắn thời gian bán xuống từ 6h đến 18h hoặc 20h. Theo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 5 kho dự trữ xăng dầu với tổng dung tích chứa 66.200m3.