Giá xăng, dầu ở mức cao đang tạo áp lực đến quá trình phục hồi của doanh nghiệp, nhất là ngành vận tải - Ảnh: C.TRUNG
Tác động giá xăng dầu ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Từ những đơn hàng xe công nghệ đến giá vé máy bay... cũng trên đà tăng giá.
Ý kiến từ Quốc hội thì cho rằng Chính phủ đang đứng trước bài toán khó. Việc giảm thuế cho xăng dầu tiếp tục được đề nghị.
Hầu hết đều gặp khó
Anh Nguyễn Trí - giám đốc kinh doanh thương hiệu xe điện PG - cho biết giá mỗi chiếc xe máy, xe đạp điện hiện nay buộc phải tăng khi giao tới đại lý.
Từ đầu năm 2022 đến nay, anh Trí cho hay công ty chưa tăng giá dù gặp vô vàn khó khăn như thiếu linh kiện phụ tùng, giá vận chuyển leo thang.
Tuy nhiên, giá xăng vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít, đơn vị vận tải đã tăng cước 10% so với 3 tháng trước, công ty không còn cách nào khác buộc phải tính toán điều chỉnh giá.
"Giá nguyên vật liệu đầu vào như nhôm, thép, dây điện... tăng đẩy giá thành mua linh kiện phụ tùng để sản xuất sản phẩm đội lên 10-20%, giờ không tăng giá bán không chịu nổi", anh Trí nói và cho rằng giá xăng tăng làm ảnh hưởng rất nhiều đến đà phục hồi của doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, ông Nguyễn Kim Thanh - giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP.HCM) - cho biết giá xăng dầu neo ở mức cao, không riêng gì công ty ông mà hàng loạt doanh nghiệp vận tải hàng hóa "chông chênh" khi đàm phán giá cước theo hướng tăng với khách hàng là điều không dễ.
Nhiều shipper của Grab, Gojek, Be... cũng chật vật duy trì hoạt động khi đơn hàng giảm, giá xăng tăng cao khiến thu nhập giảm đi phân nửa, nhiều người buộc phải tắt app hoặc tìm công việc khác. Nguyễn Phúc Bảo Châu - sinh viên Trường cao đẳng Bách Việt - cho biết hiện nay shipper "ế" đơn hàng.
"Trong khi đổ đầy bình gần 90.000 đồng, chạy khoảng 1,5 ngày là hết sạch. Chắc em chuyển sang phụ quán ăn hay làm gì khác", Châu nói.
Sức ép giá nhiên liệu cũng khiến các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines... thêm khó khăn, làm chậm quá trình hồi phục.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc thương mại của một hãng bay thừa nhận thoạt nhìn vào thị trường hàng không đang thấy không khí sôi động nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn trăm bề khó.
Một số quốc gia vẫn giới hạn lượng khách mỗi chuyến bay khiến hãng có thời điểm chỉ đạt 50% công suất, đồng nghĩa bay là lỗ. Giá nhiên liệu lại tăng cao khiến các hãng rơi vào khó khăn chồng chất.
Theo tính toán sơ bộ của các hãng bay, nếu giá nhiên liệu bay Jet A1 duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỉ đồng; nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỉ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.
Cần kịch bản rõ hơn kiểm soát lạm phát
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về diễn biến lạm phát hiện nay, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ), ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng xăng dầu là câu chuyện nóng, việc tiếp tục tăng giá gây áp lực lên lạm phát.
Tới đây phải nghiên cứu thêm giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, vốn chỉ áp dụng cho những mặt hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng. Bởi xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng phổ biến.
Đồng thời, theo ông Hùng, cần có biện pháp sớm với nguồn cung cấp xăng dầu, nhất là với Nghi Sơn đang chiếm tới 40% nguồn cung nhưng đang trục trặc trong vận hành.
Rồi tồn trữ xăng dầu hiện đang nằm ở doanh nghiệp. Cần có chiến lược về vấn đề này để đảm bảo nguồn cung nhất định nhằm bình ổn giá.
Không chỉ giá xăng dầu mà giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá lương thực tăng rất cao, dự báo có thể tăng trên 20%, đang trực tiếp ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng.
Cho hay Ủy ban Kinh tế ủng hộ Chính phủ về mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% nhưng cần phải có kịch bản rõ hơn về lạm phát gắn với tăng trưởng, vì tăng trưởng đặt ra mục tiêu cao từ 6-6,5% cộng với dư địa của gói phục hồi, cũng sẽ tiềm ẩn cho lạm phát. Đây là vấn đề, bài toán khó mà Chính phủ cần giải quyết.