Người dân mua thực phẩm tại chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Mấy ngày nay khi giá xăng dầu hạ nhiệt, có dịch vụ hay hàng hóa nào giảm giá chưa? Câu trả lời là "chưa". Lý do có thể được đưa ra rất nhiều, nhưng ít nhiều thể hiện sự chưa công bằng và thiếu sòng phẳng với người tiêu dùng.
Chưa giảm giá vì nhiều lý do
Điểm qua các lý do khi xăng dầu đã giảm giá mà dịch vụ, hàng hóa chưa giảm, có thể kể liệt kê ra:
Thứ nhất, nguồn cung nguyên liệu chưa giảm giá. Có ý kiến chung chung là khi tất cả tăng giá thì không hy vọng gì hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng sẽ giảm giá, thậm chí sẽ tăng tiếp nếu giá đầu vào vẫn tăng.
Thứ hai, mọi thứ vẫn còn phải "nghe ngóng" tình hình với kỳ điều hành xăng dầu tiếp theo rồi mới tính tiếp.
Thứ ba, hàng hóa thành phẩm, nhất là hàng hóa nhập khẩu, muốn giảm giá phải phụ thuộc vào hàng hóa thế giới và phải có độ trễ nhất định do vận chuyển, thời điểm hàng hóa được sản xuất giá cả thế nào... Thậm chí có cả lý do thiếu hụt container rỗng (tình trạng này đã xảy ra cách đây hơn một năm khi COVID-19 tung hoành thế giới).
Ngưng "té nước": Vẫn phải chờ cơ quan quản lý
Từ tất cả các lý do trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu đến kỳ điều hành xăng dầu tới mà giá xăng dầu ổn định hoặc giảm xuống nữa thì lúc đó các nhà sản xuất, doanh nghiệp mới tính toán đến việc giảm giá. Nhưng thực tế cuộc sống nhiều năm nay được chính người tiêu dùng đúc kết: (giá) đã lên thì không có xuống!
Nơi nơi tăng giá với lý do "xăng tăng cái gì cũng tăng", chưa thấy ai nói điều ngược lại là "xăng giảm cái gì cũng giảm".
Và ai chịu thiệt? Trước hết và dễ thấy nhất là người tiêu dùng. Kế đến sau đó là doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp vận tải... Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế (tùy ngành nghề).
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống có nhiều mặt hàng tăng giá 30 - 40%, thậm chí lớn hơn nữa. Và đã có hiện tượng "té nước theo mưa", muốn đẩy giá bán lên cao lại viện cớ giá xăng tăng.
Về phía các doanh nghiệp, rất nhiều doanh nghiệp đã không tăng giá dịch vụ, không đổ thừa mãi do giá xăng tăng.
Trong khoảng 6 tháng qua, tôi có 4 dịp về quê với lộ trình khoảng 180km. Theo dõi trên app đặt vé tuyến đường này, hầu hết không có nhà xe nào tăng giá.
Giá vé nhà xe tôi thường chọn là 250.000 đồng/lượt vẫn duy trì trong 6 tháng nay. Duy trì mức giá ấy, rõ ràng nhà xe có cách điều hành hoặc "hy sinh" một chút để chia sẻ với người tiêu dùng, với khách hàng của mình thay vì đổ thừa giá xăng dầu.
Vậy ai hưởng lợi bằng cách lợi dụng giá xăng để thu lợi? Xăng tăng mấy ngàn/lít, ra chợ, giá bó rau tăng vọt, người bán nói do xăng tăng. Bạn đồng ý không? Tôi thì không.
Rau quả nông dân vẫn bán giá thấp, người thành phố mua giá trên trời, do giá xăng hay có cả tâm lý nhà buôn, các khâu trung gian "té nước theo mưa" để hưởng lợi ngày xăng tăng giá? Và thường giá lên 3 nhưng chỉ xuống 1.
Việc này cần bàn tay cơ quan chức năng, quản lý thị trường chấn chỉnh. Cần thiết có thước đo biến động thị trường và chính cơ quan quản lý về giá phải thường xuyên rà soát, đối chiếu với giá cả thực ngoài cuộc sống. Người dân không thể vì giá cả đắt đỏ mà phải nhịn luôn khoản chi tiêu cho những hàng hóa, dịch vụ cơ bản hằng ngày.
Nói chung thị trường cần fair-play với người tiêu dùng, mà như bóng đá, trước khi chờ fair-play thì cần có công cụ để giữ mọi thứ công bằng. Hơn lúc nào hết, để hạn chế nạn "té nước theo mưa", chỉ có cơ quan quản lý giá mới tính toán và đưa ra chính xác tỉ lệ tăng - giảm giá hàng hóa của thị trường theo sự tăng - giảm giá nhiên liệu.
Cần duy trì quỹ bình ổn giá xăng dầu
Có ai tin giá xăng dầu giảm rồi hàng hóa dịch vụ sẽ giảm? Nếu có, không ai mơ mộng một cách lý tưởng rằng có việc giảm giá ngay trong 10 ngày (theo một kỳ điều hành xăng dầu).
Gần đây, nhiều ý kiến đặt vấn đề ngưng thu phí bình ổn giá xăng dầu để trước mắt giá xăng dầu có thể giảm thêm.
Nhưng nghĩ xa hơn, khi không có quỹ bình ổn, giá xăng có thể phải cao hơn hiện tại và lại điệp khúc "xăng tăng cái gì cũng tăng", cuộc sống sẽ khó khăn hơn với vật giá leo thang.
Xe khách có giảm giá?
Người dân đến mua vé xe tại bến xe Miền Đông - Ảnh: CHÂU TUẤN
Nghe tin giá xăng vừa giảm hơn 3.000 đồng/lít, nhiều nhà xe cùng tài xế "thở phào".
Tại bến xe Miền Đông (TP.HCM), tài xế Minh Sang (HTX vận tải huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết khi giá xăng tăng, nhiều tháng qua nhà xe cầm cự nhờ vào việc chở kèm những gói hàng nhỏ. Rồi nhà xe buộc phải tăng vé nên khách cũng giảm. "Giá xăng vừa xuống được vài nghìn, tinh thần nhẹ hẳn. Hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa để chúng tôi hạ giá vé", tài xế Sang nói.
Ông Đỗ Phú Đạt - phó tổng giám đốc bến xe Miền Đông - cho biết bến xe đã hỗ trợ các hãng xe bằng cách giảm giá một số dịch vụ như giảm thuế cho các hạng mục quầy bán vé, chỗ lưu đậu, văn phòng và các dịch vụ hỗ trợ đi kèm... Các doanh nghiệp taxi cũng gặp khó tứ bề trong cơn bão giá xăng vừa qua. Theo ông Tạ Long Hỷ - tổng giám đốc Vinasun, qua bảy lần xăng tăng giá nhưng Hãng Vinasun chỉ tăng nhẹ cước một, hai lần để bình ổn tài chính. Vinasun cũng hỗ trợ tiền xăng cho tài xế, phần trăm doanh thu tùy theo loại xe.
Nay giá xăng giảm là tín hiệu đáng mừng nhưng quan trọng là giảm được bao lâu, có ổn định hay sẽ tăng lại. Taxi nếu muốn giảm giá cước thì phải làm giải trình, gửi cơ quan chức năng. Việc tăng giảm giá cước không phải giá xăng tăng lên là cước tăng ngay và ngược lại. Chúng tôi mong muốn giá xăng dầu ổn định lâu dài để đỡ gây bức xúc cho khách hàng.
Ông Đào Viết Ánh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines, cho biết giá xăng dầu tăng liên tục nhưng Phương Trang chỉ điều chỉnh tăng 10% một lần duy nhất, cố gắng bình ổn giá, chứ không tận thu khách hàng. Công ty Phương Trang sẽ cân nhắc chuyện giảm giá cước nếu mức giá của nhiên liệu giảm thêm.
Theo phó giám đốc bến xe Miền Đông, ông Đỗ Phú Đạt, hiện bến chưa nghe về việc có đơn vị vận tải nào muốn giảm giá vé. Nhiều hãng xe cho biết sẽ giảm giá nếu giá xăng tiếp tục giảm và ổn định trong vài tháng. (CHÂU TUẤN)
Giữ giá để giữ khách
Trước áp lực giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhiều quán ăn, cơ sở dịch vụ, siêu thị cố gắng giữ giá và chịu thiệt để giữ khách.
* Anh Hồng Tân (chủ tiệm phở An (TP.HCM): Giảm lợi nhuận và có thêm khách
Quán phở của tôi quyết định giữ giá. Thay vì cố định một mức giá, quán để nhiều mức giá khác nhau để khách gọi theo nhu cầu và phù hợp túi tiền, nhờ vậy không chỉ giữ được khách hàng thân thiết mà có thêm sự ủng hộ của khách mới. Mình bán nhiều thì vui hơn, doanh thu tăng bù hao hụt từ giá nguyên liệu, không còn chịu áp lực tăng giá để tránh lỗ nữa.
* Bà Thanh Hường (ngụ TP Thủ Đức): Giữ giá là chia sẻ nhân văn
Bột mì, chả lụa, thịt, cọng hành, ngò đều tăng giá nhưng ổ bánh mì hẻm nhà tôi vẫn giữ 22.000 đồng. Chị bán bánh mì cho biết càng tăng giá càng khó bán, nên cứ ráng lấy công làm lời. Cả xóm rủ nhau đến mua thường xuyên hơn.
Trong bối cảnh mọi thứ đều tăng, nhiều quán ăn đã chọn cách giảm tiền lời. Quán tạp hóa gần chợ cũng không tăng giá, lý do đơn giản là chị đã nhập hàng nhiều nên bán được giá cũ chớ không lợi dụng tình hình để kiếm lợi. Chia sẻ với nhau, chỉ cần những chuyện như vậy, giúp cho cuộc sống bớt lo toan, vơi gánh nặng cơm áo gạo tiền và ấm áp tình người.
* Ông Nguyễn Ngọc Thắng (giám đốc khối vận hành Coopmart): Vẫn luôn có khuyến mãi giảm giá
Siêu thị cũng đã có kế hoạch riêng để giảm và giữ giá nhằm chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng. Khi một nhóm hàng hóa bắt buộc phải điều chỉnh giá tăng, chúng tôi sẽ thương thảo với các nhà cung cấp chuẩn bị một nhóm hàng hóa khuyến mãi, giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn tiết kiệm. Siêu thị đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu. Mức giảm giá dự kiến từ 10% đến 25%. (HẢI KIM ghi)