Giá xăng dầu tăng kỷ lục, đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thêm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt

2 năm trước 232
Giá xăng dầu tăng kỷ lục, đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thêm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ảnh: Quochoi.vn

Cần tính đến giảm thuế nhập khẩu xăng dầu

Từ ngày 11-3, mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 3.000 đồng, lên 29.820 đồng/lit, E5 RON 92 tăng 2.910 đồng lên 28.980 đồng/ lít và dầu tăng 2.520-3.950 đồng/ lít - mức cao nhất từ trước tới nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 13-3, GS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội khóa XV cho hay, hiện nay, tình hình các doanh nghiệp khó khăn, đồng thời, chúng ta đang cần phục hồi nền kinh tế thì giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Chưa kể, giá xăng dầu là chỉ số quan trọng để tính toán các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, nên cần thiết phải có biện pháp kiềm chế giá.

"Giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt hay bảo vệ môi trường đều tác động đến phần tính chi phí trong giá xăng dầu và giảm thu ngân sách. Nhưng theo tôi, nên tính giảm vào một loại thuế chứ không cần trải ra mỗi loại giảm một ít.

Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, cần tính đến thuế nhập khẩu. Nếu giá xăng dầu trong nước cao hơn giá nhiều nước trên thế giới, phải tính giảm thuế nhập khẩu, thậm chí xuống bằng 0 thay vì ưu tiên giảm thuế bảo vệ môi trường. Việc giảm thuế nhập khẩu để tăng nguồn cung từ bên ngoài, khi nguồn cung dồi dào giá sẽ ổn định", ông Cường nói.

Về đề xuất giảm 2.000 đồng/lit xăng thuế bảo vệ môi trường, đại biểu Cường cho rằng, khi giá xăng dầu đang ở mức rất cao, việc giảm thuế phải rất linh hoạt.

"Ở thời điểm giá xăng dầu ở mức cao nhất, theo tôi, cần giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức tối đa, thậm chí, có thể giảm 4.000 đồng/lít, hoặc chuyển sang bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu", ông Cường đề xuất.

Ông cũng cho rằng, không nên dùng mọi biện pháp hành chính để kéo giảm giá xăng dầu xuống thấp hơn các nước xung quanh quá nhiều. Bởi, nếu thấp hơn hay cao hơn đều có thể xảy ra buôn lậu.

"Tuy nhiên, nếu các biện pháp thực thi nhằm giữ bình ổn giá mà không để xảy ra các hậu quả thì cần ưu tiên. Khi bình ổn được giá xăng dầu, sẽ bình ổn được giá đầu vào của sản xuất kinh doanh, các hàng hóa khác, giúp giảm lạm phát, phục hồi kinh tế đạt mục tiêu.

Kinh tế tăng trưởng sẽ mang lại nguồn đóng góp cho ngân sách. Còn nếu chỉ nghĩ giữ nguồn thu ngân sách để giá xăng dầu cao hơn các nước xung quanh sẽ tạo ra buôn lậu, thất thu ngân sách và quan trọng hơn làm tăng lạm phát, bất ổn kinh tế vĩ mô...", ông Cương nêu thêm.

Giá xăng dầu tăng kỷ lục, đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thêm thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 2.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc đẩy mạnh sản xuất xăng dầu trong nước là giải pháp cốt lõi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đẩy mạnh sản xuất trong nước là giải pháp cốt lõi

Về lâu dài, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá xăng dầu tăng chủ yếu do nguồn cung khan hiếm, giá dầu thế giới tăng cao. Do đó, bên cạnh chính sách về thuế, Việt Nam cần đẩy mạnh sản xuất trong nước như đẩy mạnh khai thác dầu thô, đưa các nhà máy lọc hóa dầu hoạt động công suất tối đa...

"Khi nguồn cung hạn hẹp, chính sách thế nào giá cũng tiếp tục tăng. Do vậy, đẩy mạnh sản xuất trong nước nhằm tăng nguồn cung mới là giải pháp cốt lõi để chủ động bình ổn nguồn cung, không bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường thế giới và thu được lợi ích nhiều hơn khi giá ở mức cao", ông Cường nói thêm.

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Lâm, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách, cho rằng, bình ổn giá xăng dầu để kiểm soát lạm phát là mối quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, việc này phải nằm trong bối cảnh tổng thể chung của giá thế giới, chứ không thể bằng mọi biện pháp để đẩy giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá thế giới.

Ông nói, các chính sách giảm thuế cần tính toán, dựa trên bối cảnh, tình hình thực tế, không chạy theo biến động thị trường, vì nếu chính sách điều chỉnh nhiều có thể gây bất lợi đến đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Ngày 13-3, Chính phủ thông qua dự án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu.

Chính phủ giao Bộ trưởng các bộ Tư pháp, Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong ngày 14-3 cho phép bổ sung dự án Nghị quyết vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022, trình Ủy ban theo quy trình một phiên họp, soạn thảo theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trước đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng 2.000 đồng/lít; dầu diesel, mazut, dầu nhờn 1.000 đồng/lít... Đồng thời, đề nghị nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-4 đến hết 31-12-2022.

Xăng tăng giá lần thứ 7, doanh nghiệp vận tải than ‘chỉ dừng kinh doanh mới không đau đầu’Xăng tăng giá lần thứ 7, doanh nghiệp vận tải than ‘chỉ dừng kinh doanh mới không đau đầu’

TTO - Không chỉ người dân than khó khăn mà một số doanh nghiệp vận tải cho rằng 'chỉ dừng kinh doanh mới không đau đầu' khi cùng với dịch bệnh COVID-19, giá xăng dầu lại tiếp tục leo lên mức đỉnh mới.

Nguồn bài viết