Giá xăng có thể lên tới 30.000 đồng/lít?

2 năm trước 201
Giá xăng có thể lên tới 30.000 đồng/lít? - Ảnh 1.

Công nhân của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cấp xăng cho các xe bồn tại Tổng kho xăng dầu Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Giá dầu Brent trong phiên giao dịch sáng 7-3 có thời điểm tăng lên tới 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7-2008. Giá dầu Brent sau đó hạ nhiệt, giao dịch ở ngưỡng 128,02 USD/thùng. Giá dầu WTI có lúc tăng vọt lên mức 130,5 USD/thùng (cao nhất kể từ tháng 7-2008) trước khi xuống quanh ngưỡng 124,24 USD/thùng.

Lỗ lớn...

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang đối diện với bài toán càng kinh doanh càng lỗ nặng.

Một lãnh đạo Saigon Petro cho biết sau kỳ điều chỉnh giá 1-3 vừa qua, các doanh nghiệp vẫn lỗ 2.300 đồng/lít xăng, khoảng 3.700 đồng/lít dầu. Trong khi hiện giá dầu thô đã tăng mạnh nên kỳ điều hành tới chắc chắn giá xăng dầu phải tiếp tục tăng cao. Vị này ước tính trung bình giá dầu thô tăng 10 USD/thùng, giá xăng trong nước sẽ tăng tương ứng khoảng 2.000 đồng/lít.

Đại diện một thương nhân đầu mối khác cho hay từ sau kỳ điều chỉnh ngày 1-3, giá dầu thế giới từ quanh ngưỡng 100 USD/thùng, sau 7 ngày có thời điểm chạm mốc 140 USD/thùng. Tức là chỉ riêng trong một phiên, giá dầu thô đã tăng tới 18%. Với mức giá như vậy, hiện giá cơ sở được các doanh nghiệp bán trên thị trường đang chênh lệch lớn với giá xăng dầu thành phẩm, trung bình trên 3.000 đồng/lít (giá xăng từ E5RON92 đến RON95-V của Petrolimex hiện đã từ 26.070 đến trên 27.300 đồng/lít). Do đó, giá kỳ điều hành tới có thể phải tăng lên mức tương ứng, tức xăng sẽ trong khoảng 30.000 đồng/lít nếu không có công cụ can thiệp đủ sức nặng như giảm thuế.

"Hiện cứ mỗi tàu xăng dầu được nhập về, chúng tôi đã lỗ 30 - 40 tỉ đồng, nguy cơ cả hệ thống gãy đổ vì giá xăng trong nước không theo kịp giá thế giới. Chúng tôi cố gắng duy trì nhưng chắc không được bao lâu, chỉ mong giá cao, hàng thiếu thì người dân tiêu dùng tiết kiệm hơn", vị này cho hay.

Ông T.U. - chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn - cũng phân tích: theo giá cơ sở ngày 7-3, hiện giá bán ra trong nước âm so với giá cơ sở (cấu thành từ giá xăng dầu thành phẩm thế giới, thuế, phí...) là 3.800 đồng/lít xăng và dầu DO âm tới 4.800 đồng/lít... Kỳ điều hành vào ngày 1-3, Nhà nước đã "dè dặt" khi chỉ xả quỹ bình ổn ở mức hơn 200 đồng/lít xăng, bởi hiện quỹ này ở nhiều doanh nghiệp đã âm. Do đó, thời gian tới sẽ khó có chuyện Nhà nước tiếp tục xả mạnh thêm quỹ bình ổn mà phải dùng công cụ khác, nếu không muốn để giá xăng tăng theo mức tăng của thế giới.

Lại giảm chiết khấu

Anh Quang - giám đốc quản lý một đại lý xăng dầu ở phía tây (Hà Nội) - cho hay ngay sau kỳ điều chỉnh ngày 1-3, chiết khấu đã được điều chỉnh tăng thêm với nhiều mặt hàng, trong đó xăng E5RON95 từ mức 350 - 370 đồng/lít; xăng RON95-III ở mức gần 200 đồng/lít và mặt hàng dầu DO 0.05 có chiết khấu là 320 - 340 đồng/lít. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó mức chiết khấu đã giảm mạnh xuống chỉ còn 110 đồng/lít với xăng và 70 đồng/lít với dầu. Đáng chú ý là các mặt hàng xăng E5, có kho thông báo hết hàng, trong khi xăng RON95-III nguồn cung bán ra vẫn hạn chế.

"Mức chiết khấu giảm liên tục như vậy thì doanh nghiệp kinh doanh cứ đà này rất khó. Doanh nghiệp đang bán hộ xăng dầu cho đầu mối, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung không để đứt gãy mà Nhà nước đặt ra, chứ chúng tôi đang lỗ", anh Quang nói.

Bộ Công thương nói gì?

Dữ liệu giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore được Bộ Công thương cập nhật đến ngày 3-3 cho thấy giá xăng đã vượt quanh mức 130 - 133 USD/thùng, dầu diesel quanh mức 136,58 USD/thùng. Đây là mức tăng trên 10% so với kỳ điều hành ngày 1-3.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công thương cho hay tổ điều hành liên bộ vẫn đang bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành linh hoạt, phù hợp. Tổ điều hành liên bộ đã họp và trường hợp giá biến động mạnh, sẽ xin ý kiến Chính phủ về phương án điều hành giá cho phù hợp khi số dư còn lại của quỹ bình ổn chỉ là 620 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh không bình tĩnh như vậy. Lãnh đạo một đầu mối xăng dầu phía Nam nhấn mạnh chỉ trong một tuần qua, giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore đã tăng 35%. Chiếu theo nghị định 95 là khi giá tăng trên 10%, Nhà nước có thể điều hành giá sớm thay vì chờ đủ 10 ngày.

"Tuần này nếu để tới 11-3 mới điều hành tôi tin sẽ có nhiều cây xăng đóng cửa, đợt này lỗ kinh lắm, còn hơn cả đợt sau Tết vì giá tăng nhanh quá. Do đó để cắt lỗ cho doanh nghiệp, cần điều hành giá sớm hơn chu kỳ thời gian qua", vị này nói.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối khác cho hay sau kỳ điều hành ngày 1-3, tại một số kho đã hạn chế nguồn cung bán ra với một số mặt hàng.

Để kìm giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp cùng kiến nghị phải sử dụng mạnh công cụ thuế. Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít xăng, 500 đồng/lít với dầu. Tuy nhiên, ông P.B.T. - tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở phía Nam - cho rằng mức giảm thuế bảo vệ môi trường cần "đủ liều", ít nhất 50% với mức thuế hiện nay (giảm ít nhất 2.000 đồng/lít), thậm chí hơn nếu giá xăng dầu tăng cao. Lý do, đề xuất giảm 1.000 đồng/lít xăng là quá thấp, khó tác động đến thị trường khi giá xăng đã lên mức quá cao.

Giá xăng có thể lên tới 30.000 đồng/lít? - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ Công thương - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Nhiều nỗ lực tăng nguồn cung

Theo Hãng tin Bloomberg, giá dầu biến động mạnh sau khi có thông tin Washington đang "tích cực thảo luận" với đối tác châu Âu về kịch bản cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

Bank of America dự báo giá dầu có thể tăng lên 200 USD/thùng. Báo cáo của JP Morgan cho hay hiện khoảng 66% dầu của Nga đang chật vật tìm kiếm bên mua.

Tuy nhiên, các nỗ lực gia tăng nguồn cung đang diễn ra. Hai quan chức cấp cao của Mỹ đã gặp các thành viên chính phủ của tổng thống Venezuela để thảo luận về nguồn cung dầu toàn cầu và mối quan hệ với Nga.

Trong khi đó, Iran đã đạt được tiến bộ trong đàm phán về thỏa thuận hạt nhân 2015. Theo Reuters, thỏa thuận hạt nhân được khôi phục có thể mở đường cho các lệnh trừng phạt với dầu của Tehran sẽ được dỡ bỏ vào quý 3 năm nay. Khi đó, nguồn cung dầu thô sẽ tăng, dẫn đến giá giảm.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, giá dầu đã tăng lên 150 USD/thùng.

Giá gas có thể tăng khoảng 41.000 đồng/bình 12kg

Ngày 7-3, các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết dự báo giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trong tháng 4 sẽ tăng, tương đương với mức tăng khoảng 41.000 đồng/bình 12kg.

Ông Lê Quang Tuấn - phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương - cho biết giá gas vừa tăng mạnh thêm 42.000 đồng/bình 12kg áp dụng cho tháng 3 khiến mỗi bình gas hiện có giá vượt mức 500.000 đồng. Nếu giá khí đốt thế giới tiếp tục xu hướng tăng, giá gas trong nước có thể đạt mức tăng kỷ lục.

Tuy vậy, ông Tuấn cho hay do giá gas trong nước điều chỉnh vào ngày đầu tiên mỗi tháng, nên phải đến 31-3 mới biết chính xác gas sẽ tăng hay giảm. Nếu tình hình Nga - Ukraine chuyển biến tích cực, giá gas sẽ giảm mạnh.

Ông Tuấn cũng cho hay ghi nhận từ các đại lý cho thấy đã có tình trạng nhiều người dân trả vỏ gas, chuyển sang dùng bếp điện.

Áp lực giá xăng, xe công nghệ bắt đầu tăng giá cướcÁp lực giá xăng, xe công nghệ bắt đầu tăng giá cước

TTO - Grab sẽ tăng giá cước các loại dịch vụ từ chở khách, giao hàng, đi chợ hộ... kể từ ngày 10-3 để bù đắp chi phí vận hành do biến động về giá xăng và giá tiêu dùng trong nhiều tháng qua. Gojek và BeGroup chưa chốt kế hoạch tăng giá cước.

Nguồn bài viết