Giá vắc xin COVID-19 loại mới sẽ còn nhảy múa?

3 năm trước 695
Giá vắc xin COVID-19 loại mới sẽ còn nhảy múa? - Ảnh 1.

Tổng thống Israel, ông Isaac Herzog và phu nhân được tiêm liều vắc xin Pfizer thứ ba hôm 30-7 - Ảnh: timesofisrael.com

Tính đến cuối tháng 7-2021, đã có hơn 4 tỉ liều vắc xin COVID-19 được sử dụng trên thế giới.

Theo điều tra của Liên minh Vắc xin nhân dân (tập hợp các tổ chức phi chính phủ), chi phí sản xuất một liều vắc xin Pfizer/ BioNTech và Moderna khoảng 1,2 USD.

Thật ra chi phí sản xuất vắc xin bao nhiêu là vấn đề rất phức tạp.

Giá thành một liều vắc xin bao nhiêu?

Theo nghiên cứu của Trung tâm Về phát triển kỹ thuật hệ thống (CPSE) thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) công bố cuối năm 2020, chi phí sản xuất bình quân một liều vắc xin Pfizer (30 microgam hoạt chất) là 0,61 USD và một liều vắc xin Moderna (100 microgam hoạt chất) là 2,02 USD.

Chi phí này bao gồm nguyên liệu và phương tiện sản xuất chứ chưa tính chi phí hoàn thiện sản phẩm (chai lọ, đóng gói, kiểm tra chất lượng…).

GS Nilay Shah ở CPSE ước tính khâu hoàn thiện loại vắc xin ARN thông tin (mRNA) tốn khoảng 0,27 USD cho mỗi lọ 10 liều.

Như vậy cuối cùng giá thành vắc xin Pfizer vào khoảng 0,88 USD và vắc xin Moderna 2,29 USD.

Song theo báo Le Monde (Pháp), chi phí đã nêu vẫn chưa đầy đủ.

Tiến sĩ Zoltan Kis - tác giả nghiên cứu của CPSE - giải thích: "Chi phí cuối cùng của vắc xin còn bao gồm nhiều yếu tố khác như chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), thử nghiệm lâm sàng, phân phối, sở hữu trí tuệ và chi phí pháp lý… Ngoài ra trong giá bán còn phải cộng thêm tỉ suất lợi nhuận".

Giá vắc xin COVID-19 loại mới sẽ còn nhảy múa? - Ảnh 2.

Xe buýt lưu động tiêm vắc xin COVID-19 tại London (Anh) - Ảnh: REUTERS

Chi phí cho bằng sáng chế và thử nghiệm lâm sàng

Các vắc xin theo công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna được phát triển một phần dựa trên các bằng sáng chế trước đó.

Trong đó có công nghệ tạo một ARN thông tin vô hại do Đại học Pennsylvania thiết kế được cấp bằng sáng chế năm 2005.

Pfizer và Moderna mỗi công ty phải trả 75 triệu USD mới có quyền sử dụng công nghệ này.

Vắc xin Pfizer còn sử dụng một công nghệ do Viện Y tế quốc gia Mỹ phát triển năm 2016 nhằm thêm một cặp axit amin (proline) vào protein gai của virus SARS-CoV-2 để được các kháng thể nhận diện dễ dàng hơn.

Để sử dụng công nghệ này, chi phí phải trả cho Chính phủ Mỹ có thể lên đến 1,8 tỉ USD theo nghiên cứu của Đại học New York. Pfizer đã đồng ý thanh toán với số tiền chưa rõ.

Các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cũng rất tốn kém.

Đối với giai đoạn 3, chi phí bình quân là 7.000 USD cho mỗi bệnh nhân. Pfizer quy tụ hơn 43.000 người tham gia thử nghiệm, như vậy phải chi ít nhất 300 triệu USD.

Vắc xin có nhiều giá bán

Cuối tháng 7-2021, Công ty dược AstraZeneca thông báo trong nửa đầu năm 2021 đã bán 391 triệu liều vắc xin COVID-19, đạt doanh số 1,17 tỉ USD với giá bán không lợi nhuận (khoảng 2,4 USD/liều).

Còn với vắc xin Pfizer, Mỹ đã mua trung bình 19,5 USD/liều. EU đã ký hợp đồng mua vắc xin Pfizer với giá ban đầu 12 euro/liều, sau đó 15,5 euro rồi suýt soát 20 euro cho lô hàng giao năm 2022.

Còn với vắc xin Moderna, Mỹ mua với giá 15 USD/liều, trong khi EU mua 18 USD.

Nói chung giá bán vắc xin nhảy múa lung tung.

Theo tính toán của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), giá bán vắc xin COVID-19 chênh lệch từ 1 USD đến 40 USD/liều.

Giá vắc xin COVID-19 loại mới sẽ còn nhảy múa? - Ảnh 3.

Ngày 16 và 17-7, Mỹ đã tặng cho Philippines hơn 3,2 triệu liều vắc xin Johnson & Johnson theo cơ chế COVAX - Ảnh: who.int

5 yếu tố đẩy giá vắc xin mới

Tạp chí kinh tế L'Usine Nouvelle (Pháp) phân tích Pfizer có thể căn cứ 5 yếu tố sau đây để tăng giá vắc xin:

1. Tận dụng ưu thế gần như độc quyền: Pfizer giữ vị thế đàm phán mạnh ở châu Âu vì đã sở hữu vắc xin đầu tiên và còn chiếm nhiều ưu thế khác như minh bạch trong sản xuất và phân phối, vắc xin ít tác dụng phụ và chống được các biến thể.

2. Điều chỉnh giá phù hợp với sức mua các nước: Pfizer đưa ra nhiều mức giá khác nhau tùy quốc gia, tùy số lượng đơn hàng và thời gian giao.

Giá một liều có thể bằng giá gốc đối với các nước có thu nhập thấp (6,5 USD đối với Liên minh châu Phi) cho đến 28 USD đối với Israel (Israel muốn giao hàng nhanh).

3. Tối ưu hóa lợi nhuận: Tháng 2-2021, ông Frank D’Amelio - giám đốc tài chính của Pfizer - đã đánh tiếng giá vắc xin hiện hành còn thấp trong khi sản xuất vắc xin cần nhiều năm R&D và chấp nhận rủi ro cao.

Ông đề nghị cần đưa giá vắc xin tiếp cận với quy luật cung cầu và giá "bình thường" của vắc xin mới sản xuất phải từ 150 - 175 USD/liều.

4. Đầu tư cho tổ chức công nghiệp phức tạp: Vắc xin mRNA có thể được sản xuất dễ dàng với số lượng lớn. Nhưng để giao hàng đủ và đúng hạn, Pfizer phải đầu tư mở rộng nhà máy, tìm thêm các nhà cung cấp và nhà thầu phụ mới để hoàn thiện, đóng gói và bảo quản vắc xin.

5. Đối phó với các biến thể: Mục tiêu của Pfizer là sản xuất nhanh vắc xin mới đủ sức ngăn ngừa các biến thể.

Ngoài ra, Pfizer cũng hy vọng sẽ sản xuất loại vắc xin mới bảo quản ở nhiệt độ thông thường từ 4-6 tháng và dạng vắc xin không cần pha loãng. Các cải tiến này đều cần vốn đầu tư.

Để tránh tình trạng nâng giá, chỉ còn giải pháp miễn trừ nghĩa vụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 song song với cơ chế COVAX.

Pfizer, Moderna tăng giá vắc xin ở châu ÂuPfizer, Moderna tăng giá vắc xin ở châu Âu

TTO - Hãng dược Pfizer và Moderna đã tăng giá trong các hợp đồng bán vắc xin ngừa COVID-19 cho Liên minh châu Âu (EU) giữa lúc nhu cầu vắc xin vẫn rất cao.

Nguồn bài viết