Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: N.HUÂN
Sáng 23-10, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND TP Hà Nội và UBND 40 tỉnh, thành đã phối hợp tổ chức diễn đàn chia sẻ thông tin, kết nối giao thương nông lâm thủy sản giữa Hà Nội và 40 tỉnh, thành phố.
Quyền giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết thành phố có khoảng 189.000ha đất nông nghiệp, tuy nhiên Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ từ 30-65% nhu cầu.
Theo bà Lan, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn một tháng như gạo 92.970 tấn (tự cung ứng 56.338 tấn), thịt heo hơi cần 18.594 tấn (tự cung ứng 17.500 tấn), thịt bò 5.350 tấn (tự cung ứng 1.032 tấn), thịt gia cầm 6.198 tấn (tự cung ứng 10.671 tấn), rau củ 103.300 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn)…
Từ nhiều năm qua, Hà Nội đã kết nối các tỉnh thành cả nước đưa hàng hóa về thành phố để đảm bảo cân đối cung cầu hằng năm. Hầu hết các sản phẩm của các tỉnh thành đều có mặt ở Hà Nội.
Theo bà Lan, tình hình sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản còn rất nhiều khó khăn trong quý 4-2021, chuẩn bị phục vụ cho Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
"Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, do đó sản xuất tiêu thụ lưu thông giữa các tỉnh vẫn còn gặp khó khăn nên ảnh hưởng tới việc cung ứng cho thị trường Hà Nội. Một số mặt hàng thiết yếu, đặc biệt như thịt heo, gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản, hiện giá xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn.
Do đó, Sở Công thương TP dự báo nguồn cung thịt heo, gia cầm… sẽ khó khăn và ảnh hưởng nhất định đến việc chuẩn bị hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới" - bà Lan nói.
Hiện Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tết với 11 mặt hàng thiết yếu giá trị 39.000 tỉ đồng để phục vụ bà con trong dịp tết. Đồng thời đảm bảo sản xuất nông nghiệp, kết nối cung cầu để đảm bảo 19 mặt hàng phục vụ công tác chống dịch trên địa bàn. Do đó, nhu cầu hàng hóa kết nối về thị trường Hà Nội rất lớn trong quý 4-2021 và quý 1-2022.
"Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp để kết nối nông sản các tỉnh thành trên cả nước với các hệ thống siêu thị nước ngoài như MM Mega Maket, BigC, Aeon... Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu", bà Lan chia sẻ.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết qua diễn đàn này, UBND TP và các sở, ban, ngành, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin nhu cầu tiêu thụ nông lâm sản của Hà Nội và kế hoạch sản xuất, xúc tiến tiêu thụ nông sản của các địa phương trong điều kiện bình thường mới.
"Đề nghị các tỉnh thành quan tâm chỉ đạo sản xuất, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân thủ đô" - ông Quyền nói.
Kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết diễn đàn có 350 điểm cầu, kết nối với hơn 1.000 người tham gia và kết nối được hơn 30 giao dịch ngay trong diễn đàn.
Ngay sau diễn đàn, Bộ NN&PTNT và TP Hà Nội sẽ ký kết đưa ra những thỏa thuận, phối hợp triển khai những mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.
Do đó, ông Nam yêu cầu các tỉnh phải coi trọng chất lượng nông sản cũng như nắm được thông tin các đầu mối cung ứng, đồng thời yêu cầu các đầu mối này đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung ứng cho thị trường Hà Nội.
"Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc biểu dương những chuỗi cung ứng đảm bảo được an toàn, chất lượng, cũng cần loại bỏ những chuỗi không đảm bảo an toàn thực phẩm để cảnh báo người tiêu dùng.
Chúng ta tạo điều kiện để kết nối cung cầu nhưng cũng phải kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các chuỗi cung ứng" - ông Nam nói.