Đường ống tại kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ ở Texas - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, giá dầu Brent giao tháng 1-2023 đã giảm 0,3% xuống còn 87,3 USD/thùng lúc 8h sáng 21-11, giờ Việt Nam, mức thấp nhất kể từ ngày 27-9.
Trong khi đó, giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 12-2022 tại Mỹ giảm xuống còn 80 USD/thùng.
Giá dầu đã sụt giảm liên tiếp hai tuần qua, với dầu Brent mất 9% và dầu WTI giảm 10%, cho thấy lo ngại về nguồn cung đã hạ nhiệt.
Nguồn cung dầu thô ở châu Âu đã được nới lỏng khi các nhà máy lọc dầu đã tích trữ đủ trước lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga dự kiến áp dụng từ ngày 5-12.
Người đứng đầu chính sách năng lượng của EU nói khu vực này dự kiến sẽ hoàn tất các quy định kịp thời với kế hoạch của nhóm G7 nhằm hạn chế giá dầu thô của Nga vào ngày 5-12.
Thị trường dầu diesel vẫn khan hiếm khi châu Âu và Mỹ vẫn đang cạnh tranh nguồn cung. Trong khi đó Trung Quốc xuất khẩu 1,06 triệu tấn dầu diesel trong tháng 10-2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 1,73 triệu tấn của tháng trước đó.
Trong khi đó, nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc vẫn bị chững lại bởi các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19.
Ngày 21-11, quận đông dân nhất của Bắc Kinh yêu cầu người dân ở nhà khi số ca mắc COVID-19 ở thành phố này tăng lên. Trong khi đó, ít nhất một quận ở Quảng Châu đã bị phong tỏa trong năm ngày.
Lo ngại về tình hình tại Trung Quốc cũng khiến chứng khoán ở châu Á sụt giảm ngày đầu tuần.
Chỉ số CSI300 Trung Quốc đã giảm 1,5% trong đầu phiên giao dịch ngày 21-11, kéo chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản MIAPJ0000PUS giảm 1,3%. Chỉ số Nikkei N225 của Nhật Bản giảm 0,1% và KS11 của Hàn Quốc giảm 1,1%.