Giá cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép giảm mạnh

2 năm trước 220
Giá cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép giảm mạnh - Ảnh 1.

Chứng khoán giảm mạnh trong phiên thứ năm 23-12 - Ảnh: BÔNG MAI

Giới đầu tư chứng kiến thị trường chứng khoán chìm trong "chảo lửa" từ đầu cho tới cuối phiên giao dịch 23-12, nhiều cổ đông nắm giữ cổ phiếu nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép không khỏi lo lắng.

Các cổ phiếu ngành ngân hàng có sự phân hóa đáng kể. Trong khi cổ phiếu CTG (Vietinbank), EIB (Eximbank), BID (BIDV)... nhận được lực mua khá tốt thì chiều ngược lại rơi vào cổ phiếu TCB (Techcombank), VPB (VPBank), HDB (HDBank), VIB (VIB)...

Nếu thời gian qua cổ phiếu của các công ty chứng khoán "dậy sóng" khi có giá tăng vọt thì hôm nay lại chìm trong ảm đạm, dẫn đầu đà giảm. Trong đó các mã giảm trên 6% rơi vào ORS (Chứng khoán Tiên Phong), FTS (Chứng khoán FPT), CTS (Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam)...

Niêm yết trên sàn HNX, hôm nay cổ phiếu APS của Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (Apec Securities) bị giảm hơn 9,5% xuống giá 31.400 đồng. Như vậy, so với mốc đỉnh 59.900 đồng/cổ phiếu lập vào ngày 18-11, sau hơn một tháng mã APS đã giảm xấp xỉ 48%. Trước đó vào ngày 16-11, tại đại hội cổ đông bất thường, lãnh đạo của công ty chứng khoán này đã khẳng định cổ phiếu còn phá đỉnh nên khuyên nhà đầu tư "gồng lãi". Từ đầu năm đến nay, mã này đã tăng hơn 680%.

Phiên hôm nay cổ phiếu của các công ty thép cũng bị giảm mạnh, xa dần đỉnh lịch sử đã lập vào hồi cuối tháng 10 vừa qua. Khép phiên, cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) giảm xuống còn 44.950 đồng, giảm 23% so với mốc đỉnh. Mã NKG của Thép Nam Kim cũng bị giảm xuống giá 35.600 đồng, rớt 36% so với đỉnh. Bên cạnh đó, cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên rớt xuống giá 19.950 đồng, giảm 18% so với đỉnh.

Ngoài nhóm trên, áp lực bán cũng đổ dồn vào nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn như VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), Novaland (NVL), GEX (Tập đoàn Gelex)...

DIG (Đầu tư Phát triển Xây dựng) cũng là một trường hợp đáng chú ý, sau nhiều phiên tăng và tăng trần, lập đỉnh lịch sử 96.300 đồng/cổ phiếu vào hôm qua, hôm nay rớt sàn, giảm giá xuống 89.600 đồng.

Dữ liệu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy các cổ phiếu CEO (Tập đoàn C.E.O), MSN (Masan), KBC (Đô thị Kinh Bắc), GAS (PetroVietnam Gas) và TVS (Chứng khoán Thiên Việt) nằm trong top 5 bị bán ròng mạnh. Ngược lại, khối ngoại mua ròng cổ phiếu HDG (Tập đoàn Hà Đô), DGC (Hóa chất Đức Giang), CRE (Bất động sản Thế kỷ), VRE (Vincom Retail) và VNM (Vinamilk)...

Xét theo chỉ số ngành, chỉ có lĩnh vực năng lượng giữ được sắc xanh, tất cả ngành còn lại đều giảm mạnh như hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tiêu dùng, công nghiệp, công nghệ thông tin, tài chính, bất động sản.

Khép phiên, VN-Index chính thức giảm 20,71 điểm (-1,4%) xuống 1.456,96 điểm. Thanh khoản sàn HoSE dâng lên mức 45.562 tỉ đồng.

Riêng rổ VN30 có mức giảm mạnh hơn, khi rớt tới 26,75 điểm (-1,78%) xuống 1.477,37 điểm.

Về phần sàn HNX và UPCoM cũng có mức giảm lần lượt là 10,49 điểm (-2,32%) xuống 442,61 và 1,4 (-1,26%) xuống 109,53 điểm.

Tổng thanh khoản trên toàn thị trường, bao gồm ba sàn chính là HoSE, HNX và UPCoM đạt hơn 52.900 tỉ đồng, tương đương 2,3 tỉ USD.

Trong ngày, khối ngoại rút ròng xấp xỉ 875 tỉ đồng ra khỏi thị trường chứng khoán, đây cũng là giá trị bán ròng cao nhất/ngày kể từ 1-12 đến nay.

'Cổ phiếu thân yêu' bị giảm giá mạnh, phải làm sao?

TTO - Trong khi VN-Index tăng tới 34% từ đầu năm đến nay, nhiều 'cổ phiếu thân yêu' của không ít nhà đầu tư lại đang bị giảm giá mạnh 10-60% trở lên. Câu hỏi đặt ra là chấp nhận cắt lỗ để tìm cơ hội khác hay chờ hòa vốn rồi bán?

Nguồn bài viết