Du khách tắm biển tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) vào tháng 6-2022 - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Giá vé máy bay tăng gấp đôi, không còn tour du lịch giá rẻ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, giá tour đi Phú Quốc (khởi hành từ TP.HCM) của Saigontourist hiện đang dao động 4,7 - 6,7 triệu đồng/chuyến 3 ngày 2 đêm. Tour 4 ngày 3 đêm Hà Nội - Phú Quốc của Hanoitourist đang được chào bán với giá 6,2 - 7,4 triệu đồng. Giá tour đến các địa điểm khác cũng tăng 20-30%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Hồng Thái - phó tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist - cho biết giá xăng tăng liên tục, nhu cầu du lịch của khách đạt đỉnh gần bằng với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng nhiều đến giá tour.
“Tôi khẳng định 100% không thể có tour giá rẻ trong thời điểm này. Vì thứ nhất giá vé máy bay ở nhiều chặng đã tăng gấp đôi, thứ hai các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống vận chuyển tại các điểm đến cũng đã tăng không ít nên giá không thể từ “10 đồng mà giảm xuống còn 2 đồng” được.
Có trường hợp rao bán vé tour đi Phú Quốc chỉ với giá 2,7 triệu đồng, bay bằng Vietnam Airlines, ở Vinwonder - đó là thông tin hoàn toàn sai sự thật, vì với số tiền đó thời điểm này còn chưa đủ chi phí vé máy bay", ông Thái cho biết.
Nhiều sản phẩm sữa tăng giá từ đầu tháng 7
Một số đại lý sữa cho biết các mặt hàng sữa nước, sản phẩm chế biến từ sữa đang rục rịch tăng giá.
Công ty TNHH Nestle' Việt Nam vừa công bố giá bán lẻ một số loại sữa mới, áp dụng từ 1-7. Theo đó, sản phẩm dinh dưỡng công thức Nestle' Nan Supreme Pro 1 400g có giá mới 322.600 đồng/lon, sản phẩm dinh dưỡng công thức Nestle' Nan Supreme Pro 2 800g được bán với giá 613.000 đồng/lon, sản phẩm dinh dưỡng công thức Nestle' Nan Supreme Pro 3 800g có giá bán mới 534.700 đồng/lon. Tất cả các sản phẩm được điều chỉnh tăng giá trong phạm vi 5%. Hồi đầu tháng 6, nhiều sản phẩm sữa cũng có đợt điều chỉnh tăng giá 4 - 10%.
Hiện nay, để kích cầu sức mua, nhiều nhà bán lẻ, siêu thị cũng có chương trình ưu đãi dành cho mẹ và bé, như tại Lotte Mart sữa bột Meiji Mama 350g, giảm 13%, còn 158.700 đồng/lon, sữa bột Growplus+ tăng cân 900g, giảm 13%, chỉ còn 238.400 đồng/lon…
Sản phẩm sức khỏe bán chạy trên kênh trực tuyến
Người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua hàng trực tuyến sau dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Số liệu ghi nhận xuyên suốt các lễ hội mua sắm và chương trình khuyến mãi diễn ra trong quý 1 và nửa đầu quý 2-2022 của một số sàn thương mại điện tử cho thấy người tiêu dùng Việt tiếp tục duy trì thói quen mua sắm trực tuyến.
Đặc biệt, các ngành hàng phục vụ nhu cầu làm đẹp, du lịch, thời trang và chăm sóc sức khỏe được tiếp tục ưu tiên trong hè năm nay. Đại diện sàn Lazada cho biết ngành hàng sức khỏe và làm đẹp giữ vững vị thế dẫn đầu trong tăng trưởng trên sàn này. Trong đó, doanh thu ngành hàng sức khỏe ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất toàn sàn với tỉ lệ tăng trưởng 3 chữ số.
Trung Quốc ngưng mua, giá cá sấu ở mức thấp kỷ lục
Xử lý lấy da cá sấu làm đồ thời trang, mỹ nghệ ở một cơ sở tại TP.HCM - Ảnh: N.TRÍ
Theo các trại nuôi phía Nam, giá cá sấu thương phẩm bán ra ở mức thấp kéo dài, với hiện phổ biến 30.000 - 50.000 đồng/kg - đây là mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Mức giá trên chỉ bằng phân nửa so với giá thành sản xuất, lại rất khó bán khiến người nuôi thua lỗ nặng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Truyền, chủ tịch Hiệp hội Bò sát - lưỡng cư Việt Nam, cho biết bình thường khoảng 10 - 15% sản lượng cá sấu nuôi tại Việt Nam được dùng để lấy da, và chế biến sâu, còn lại xuất sống qua Trung Quốc. Tuy nhiên, từ cuối năm 2019 đến nay thị trường này hầu như ngưng nhập khẩu khiến đầu ra cá sấu bị bó hẹp, giá giảm sâu.
Giá thức ăn tăng cao, người nuôi ngại tái đàn
Thông tin từ nhiều hộ nuôi phía Nam, giá heo bán ra hiện ở mức phổ biến 59.000 - 62.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tuần trước đó. Giá heo tăng đẩy giá heo mảnh bán ra tại các chợ đầu mối ở TP.HCM cũng tăng nhẹ so với tuần trước, hiện phổ biến 63.000 - 78.000 đồng/kg tùy loại.
Tuy vậy, người nuôi vẫn không vui vì giá thức ăn chăn nuôi lại tăng. Cụ thể, theo nhiều người nuôi, so với cuối tháng trước, hiện đã có thêm hàng chục doanh nghiệp thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi trong tháng 7, với mức tăng phổ biến 300 - 400 đồng/kg tùy loại thức ăn. Do đó, mỗi con heo bán ra người nuôi sẽ phải tốn thêm hơn 100.000 đồng tiền thức ăn so với tháng trước.
Đây là đợt điều chỉnh giá tăng thứ 5 trong năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến nông dân chăn nuôi lo ngại và không dám tái đàn.
Một vòng quanh chợ và siêu thị
Giá một số mặt hàng tại chợ đầu mối và chợ lẻ tại TP.HCM
Giá rau hạ nhiệt, lượng vải thiều về TP.HCM tăng mạnh
Theo ghi nhận, giá nhiều loại rau bán lẻ tại các chợ TP.HCM tiếp tục hạ nhiệt, một số loại đã giảm 20% so với tuần trước. Cụ thể, đậu cove hiện 35.000 - 40.000 đồng/kg; bầu, bí, cà chua 16.000 đồng/kg...
Giá một số loại rau củ đã hạ nhiệt so với mức cao các tuần trước đó - Ảnh: N.TRÍ
Theo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), lượng vải thiều nhập về chợ hiện đạt trung bình trên dưới 400 tấn/đêm, tăng gấp 3 lần so với hơn nửa tháng trước đó. Tính từ đầu vụ đến nay, lượng vải nhập chợ đạt hơn 12.500 tấn.
Lượng vải nhập về tăng nhanh kéo giá bán giảm mạnh. Cụ thể, hiện giá vải bán sỉ tại chợ 16.000 - 23.000 đồng/kg với hàng chở bằng xe, và 28.000 - 35.000 đồng/kg đối với hàng máy bay, bằng khoảng 20 - 30% so với mức cao của đầu vụ.
Cá chép giòn cao giá
Giá chép giòn sống bán lẻ tại nhiều cửa hàng TP.HCM hiện ở mức 200.000 - 260.000 đồng/kg tùy loại, tăng 30% so với hơn 2 tháng trước đó, và gấp 2 - 3 lần so với thời điểm giá thấp của năm ngoái. Tương tự, giá nhiều loại cá nước ngọt khác như cá tra, ba sa... hiện cũng đang neo ở mức cao.
Bia, nước giải khát tăng giá nhẹ mùa nắng nóng
Bia và nước giải khát tăng giá mùa nắng nóng - Ảnh: THU NGÂN
Giá các loại bia và đồ uống giải khát tại thị trường Đà Nẵng đang có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng giữa năm 2022, đặc biệt là vào mùa cao điểm nắng nóng hiện nay. Giá mặt hàng nước giải khát và bia các loại có xu hướng tăng so với thời gian trước do cước vận chuyển tăng cao và sự tăng giá từ nhà sản xuất. Trung bình giá bia và nước giải khát các loại tăng 3.000 - 15.000 đồng/thùng.
Theo khảo sát, giá bia Tiger xanh giá 355.000 - 380.000 đồng/thùng; bia Tiger bạc 385.000 - 430.000 đồng/thùng; bia Heineken 433.000 đồng/thùng; bia Larue 237.000 - 240.000 đồng/thùng; bia Huda 245.000 - 260.000 đồng/thùng.
Nước ngọt 7UP giá từ 175.000 - 180.000 đồng/thùng; Pepsi 175.000 - 180.000 đồng/thùng; Coca-Cola 180.000 - 190.000 đồng/thùng.
Thị trường thế giới
Theo Đài CNBC, giá cổ phiếu dầu và khí đốt tăng 4,1% - dẫn đầu mức tăng là ở châu Âu với hầu hết các ngành và sàn giao dịch chính đều giao dịch trong vùng khả quan.
Chỉ số cổ phiếu hàng đầu của Anh tăng ngày 4-7 nhờ giá dầu thô ổn định thúc đẩy dự trữ dầu.
Cụ thể, chỉ số blue-chip FTSE 100 (của 100 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán ở London) đóng cửa tăng 0,9% sau kỳ nghỉ lễ độc lập ở Mỹ.
Cổ phiếu của các công ty dầu mỏ BP và Shell ngày 4-7 tăng lần lượt 4,4% và 3,9% nhờ giá dầu thô tăng do lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt trong bối cảnh sản lượng của OPEC giảm, tình hình bất ổn ở Libya và các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Chuyên gia nhận định, về cơ bản, nguồn cung dầu sẽ tiếp tục eo hẹp nhưng vẫn có đủ hoạt động kinh tế để ngăn giá dầu lao dốc, trong khi lo ngại suy thoái kéo dài có thể khiến giá dầu không tăng quá cao.
Giá dầu thô các nhóm chính như Brent, WTI, giá khí đốt tự nhiên đều tăng từ 1,68% đến 2,34%. Do thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa cho kỳ nghỉ lễ độc lập ngày 4-7 nên khối lượng giao dịch ít hơn nhiều. Thứ sáu tuần trước, chứng khoán Mỹ đã tăng vào đầu quý mới sau khi sàn S&P 500 đóng cửa với kết quả hoạt động nửa đầu năm tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy các thị trường ở châu Á đang phải vật lộn để tìm hướng đi. Trong đêm, chứng khoán Hong Kong giảm do thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Giá vàng lúc 5h50 sáng 5-7 giờ Việt Nam theo giá New York là 1.808,66 USD/ounce, tăng 0,36%.
Giá vàng hôm nay