Giao dịch bằng Bollinger Bands - Một chỉ số hữu ích
Nhận thấy chủ đề giao dịch bằng Bollinger Bands được nhiều sự quan tâm của các bạn, hôm nay mình lại tiếp tục tiếp tục chia sẻ một vài kỹ thuật giao dịch Bollinger Bands nữa. Có thể một số bạn đã biết rồi, nhưng một số bạn khác thì chưa biết. Trong quá trình đọc bài viết, các bạn có những thắc mắc gì thì cứ mạnh dạn comment bên dưới, hoan nghênh những câu hỏi dù là cơ bản nhất, ví dụ: bác ơi Bollinger Bands là gì ạ? hoặc em là con trai không thích màu đỏ, làm sao để vẽ Bollinger màu hồng chẳng hạn, hoặc làm sao để in hình Ngọc Trinh lên chart (cái này thì mình thua, đừng hỏi nhé ?)...
Mình sẽ trả lời. Tuy không có thời gian nhiều để trả lời cho các bạn, nhưng mình sẽ cố gắng trả lời hết những thắc mắc.
GIAO DỊCH THEO XU HƯỚNG
Một trong những đặc điểm nổi trội của BBs là khi thị trường dao động hẹp lại thì hai biên của nó cũng sẽ tự động hẹp lại hình thành một cái nút cổ chai.
Trước tiên, chúng ta hãy cùng xem hình đính kèm đầu tiên của bài viết , nút cổ chai đang hình thành, khi giá bung ra khỏi đó chắc chắn sẽ hình thành một xu hướng mới. Nhưng quan trọng là hướng nào, lên hay xuống. Tất nhiên dựa vào những kỹ thuật dưới đây, bạn có thể dễ dàng dự đoán được hướng breakout của BBs sắp sửa bung nút cổ chai.
Trước tiên ta lùi về quá khứ một chút, tại nơi chưa có cổ chai.
Ở cây nến thứ 1 có một đuôi nến bên dưới rất dài. Điều này có nghĩa là có một lực bắt đáy (lực đẩy của người mua đẩy giá lên) mạnh. Tức là giá muốn đi lên. Đây là tín hiệu thứ nhất. Bạn có thể vào lệnh BUY ngay sau khi cây số 1 đóng cửa, nhưng đó chỉ mới có 1 tín hiệu, để cẩn thận hơn, chúng ta nên chờ thêm tín hiệu mua vào khác.
Sau cây số 1, thị trường di chuyển chậm lại, hai biên dần hẹp lại hình thành một cái cổ chai. Cây nến số 2 thò đuôi xuống biên dưới nhưng lại đóng cửa ở trên biên dưới. Lại một lần nữa có một lực bắt đáy (lực mua) xuất hiện tại mức hỗ trợ mà cây số 1 tạo ra.
Nhưng tại sao giá vẫn chưa lên được? Đơn giản, vì có một lượng cung (người bán) lớn lơ lửng ở trên, những người này là những người mua ở giá cao và chờ đợi giá hồi lên một chút để cắt bớt lỗ. Một lượng cung khác là những người scalper mua tại cây nến số hai chờ lên một chút rồi chốt lời ăn nóng. Do đó, chỉ cần lên 1 chút, giá sẽ chững lại do lực chốt lệnh.
Sau một vài cây nến như vậy thì lực bán sẽ không còn nữa. Do đó, chỉ cần một lực cầu nhỏ cũng có thể đẩy giá đi lên. Đó là tín hiệu thứ hai.
Cây nến thứ 3 chính là tín hiệu xác nhận những gì chúng ta nhận định ở trên là chính xác, bây giờ thị trường chỉ toàn lực mua (cầu lớn) làm đẩy giá. Khi cây nến số 3 đóng cửa, bạn có thể vào lệnh BUY với xác suất ăn rất cao.
Đó là cách chúng ta phân tích đầy đủ một mẫu hình thắt nút cổ chai từ lúc nó chưa hình thành đến lúc nó bung ra.
BOLLINGER BANDS MÀ KẾT HỢP VỚI FIBONACCI THÌ SỨC MẠNH KINH KHỦNG NHƯ THẾ NÀO?
Món price action nói vầy cũng nhiều rồi, bây giờ chúng ta sang một món mới đó là kết hợp BBs với Fibonacci (ghi tắc Fibo cho nhanh). Xem phương pháp này làm ăn ra sao nhé.
Chúng ta sẽ cùng phân tích với hình đính kèm số 2:
Cây nến số 1 rõ ràng là một tín hiệu đảo chiều (đuôi bên dưới dài thể hiện lực bắt đáy + nến rớt ra ngoài biên dưới). Nhưng ta nên chờ một lực mua xác nhận từ cây nến số 2. Cây số hai cho ta một lực mua rõ ràng, nên sau khi nó đóng cửa, ta có thể vào lệnh BUY.
Sau cây thứ 2 thì giá đi ngang một chút ta gọi là vùng thứ 3, nhưng bạn để ý thử, giá thò xuống biên giữa 3 lần, nhưng lần nào cũng đóng cửa phía trên biên giữa. Tín hiệu này có nghĩa là gì? Nghĩa là có một tín hiệu nữa từ lực đẩy giá đi lên (người mua nhiều). Đây là tín hiệu quan trọng nhất trong những tín hiệu nãy giờ của chúng ta. Những trader thận trọng có thể BUY khi vùng số 3 kết thúc bằng một cây nến thứ 4 breakout. Tức là có 4 tín hiệu xác nhận lực mua. Như bạn đã thấy kết quả.
Giá sẽ chạy đến cây nến thứ 5 và hồi lại. Vậy chúng ta SHORT SELL luôn cây nến số 5? Không nên, không nên đánh ngược xu hướng, lực bán cũng không thể hiện mạnh mẽ. Tại đây bạn chốt lời 1 phần thì được.
Giá đi xuống và test lại tại biên giữa. Thậm chí nó còn đi xuống dưới biên giữa, nhưng một hồi cũng đi lên. Chẳng có tín hiệu gì là của lực bán mạnh, không nên SELL các bạn nhé. Nên nhớ xu hướng tăng vẫn còn đó.
Tại đây hình thành cây nến thứ 6 -một cái đáy ngắn hạn. Bây giờ thì Fibonacci sẽ giúp chúng ta.
Giá đi lên tới mức Fibonacci 100% rồi có 1 lực bán xuống mạnh mẽ. Như mình nói lúc nãy, tại vùng này có một lực cung lơ lửng chỉ chờ SELL xuống để chốt lời hoặc để cắt lệnh BUY ở cây số 5. Nhưng ngay sau đó, cây số 7 lại tăng trở lại. Tín hiệu lực mua thứ nhất.
Cây nến số 8 tăng vượt qua khỏi mức Fibo 100% cho tín hiệu lực mua thứ hai.
Xu hướng cũ vẫn tiếp diễn đó là tín hiệu hỗ trợ thứ 3. Dựa vào 3 tín hiệu này ta vào lệnh BUY thêm lần nữa.
Chúng ta kỳ vọng giá sẽ vượt qua mức 161.8%, nếu nó không vượt qua thì trend này đã yếu. Nhưng nó đã đi lên tới mức 261.8% và tiếp tục vượt qua mức đó bằng một lực tăng ở cây nến số 11.
Đó là cách chúng ta vào hai lệnh BUY với những lập luận dựa trên chuyển động của nến và BBs.
Mọi thắc mắc xin hãy để lại ở phần comments các bạn nhé. Happy Trading everyone.