Gen Z ở công sở: Thiếu kiên nhẫn, thích nhảy việc, 'bật' sếp tanh tách?

2 năm trước 236
 Thiếu kiên nhẫn, thích nhảy việc, bật sếp tanh tách? - Ảnh 1.

Các bạn trẻ giao lưu, chia sẻ với các nhà quản lý doanh nghiệp tại sự kiện Ngày hội việc làm sinh viên 2022 - Ảnh: NGÂN HÀ

Quản lý nhân sự và sếp ở nhiều công ty, doanh nghiệp đã chia sẻ góc nhìn cũng như bí quyết để "sống chung" với người trẻ gen Z - thế hệ sẽ thay đổi chủ yếu của lực lượng lao động trong tương lai gần.

Tại sự kiện trực tuyến với chủ đề "Nghề nghiệp sinh viên Việt Nam 2022" được tổ chức vào cuối tháng 6-2022, những "nút thắt" về người trẻ gen Z (sinh năm 1997 trở về sau) trong môi trường làm việc đã được gợi mở.

Thiếu kiên nhẫn, thích nhảy việc

Một kết quả khảo sát của Anphabe cho thấy 62% các bạn trẻ gen Z nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường. Đây là một thách thức với rất nhiều công ty, doanh nghiệp.

Bà Ninh Trần - giám đốc nhân sự INSEE Việt Nam - cho biết đây là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp khi họ bỏ nhiều công sức đào tạo và phải liên tục đào tạo lại khi nhân sự liên tục nhảy việc. Các công ty vẫn đang phải chấp nhận thực tế này và phải đưa ra chiến lược khác.

"Cũng không thể áp đặt rằng gen Z cả thèm chóng chán, nhưng hơi nhanh. Các bạn có khuynh hướng sau 2-3 năm cháy hết mình, thức đêm, thức khuya thì mong muốn được thăng chức nhưng không thể mọi người đều được thăng chức. Do vậy các bạn có xu hướng tìm "tình yêu" nơi khác, nhưng ở nơi khác có thể câu chuyện cũng sẽ như vậy. Gen Z nhảy việc nhiều thì mong đợi của công ty cũng sẽ ngày càng ít. Đây là thiệt thòi với các bạn trẻ vì các bạn không được cân nhắc như các anh chị ở lại lâu hơn", bà Trần chia sẻ.

Bà Thanh Nguyễn - giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe - cho biết đằng sau câu chuyện "nhảy việc" của gen Z là áp lực thế hệ. Theo bà, người lớn dễ đơn giản hóa khó khăn của người trẻ, không hiểu khó khăn của người trẻ và vô tình tạo thêm áp lực. Trước đây khổ hơn, nhưng đó là trong bối cảnh ai cũng khổ như ai, các bạn trẻ bây giờ có điều kiện tốt hơn nhưng chịu áp lực luôn phải cạnh tranh. Gen Z phải chịu áp lực trang lứa: phải học giỏi, phải đẹp, phải cá tính, thu nhập cao...

"Các em có nỗi sợ FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội) rất lớn. Đó là cảm giác thiếu tự tin khi thấy xung quanh có quá nhiều người thành công vì các em thường xuyên lạc trôi giữa biển thông tin từ mạng xã hội với hình ảnh, câu chuyện thành công của nhiều người và lại có vẻ vô cùng dễ dàng, nhanh chóng. Thấy bạn bè làm marketing sang chảnh thì nhảy sang làm marketing nên có FOMO marketing, rồi FOMO chứng khoán, FOMO crypto... Do đó, gen Z dễ bị cảm tính, đứng núi này trông núi nọ, tự áp lực chạy theo lương cao, việc tốt hơn và làm trầm trọng hơn vòng luẩn quẩn nhảy việc", bà Thanh chia sẻ.

Bà Hồ Thị Bạch Quyên - giám đốc nhân sự Pharmacity - cho rằng việc các bạn trẻ nhảy việc như một cuộc hôn nhân, "đổ vỡ" khi không đáp ứng mong đợi. "Mong đợi của chúng ta sẽ thay đổi theo thời gian. Khi còn trẻ thì mong muốn được giao nhiều việc có nhiều cơ hội để phát triển. Khi có gia đình, mong đợi cân đối giữa gia đình, công việc. Do đó giữa các bạn trẻ với người sếp, quản lý của mình cần có sự chia sẻ để xem có giải pháp gì để hai bên tiếp tục".

Khi người trẻ "bật sếp"

Một câu hỏi được một bạn trẻ đưa ra tại sự kiện đó là khi tranh cãi lại bị dán mác là thích "bật sếp" đã nhận được nhiều chia sẻ từ các nhà quản lý doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Kiên - giám đốc khối nhân sự One Mount Group - cho rằng việc chia sẻ góc nhìn khác nhau luôn được đánh giá cao nhưng phải có quan điểm, luận điểm "chứ không phải là cảm thấy". Các bạn trẻ cần phân định cãi và trình bày quan điểm là hai cái khác nhau. Trình bày quan điểm với thái độ không đúng, cho người đối diện cảm thấy khó chịu thì đó là bật, cãi. Theo ông, tranh luận là cần thiết nhưng không bật, cãi với thái độ thiếu tôn trọng bởi "thiếu tôn trọng với đồng nghiệp đã là không chấp nhận, huống gì cấp trên".

Bà Việt Nhân - giám đốc nhân sự đối tác kinh doanh - khối sản xuất, chuỗi cung ứng & mua hàng  Suntory PepsiCo Việt Nam - đã từng gặp tình huống nhân viên cấp dưới thông báo là "Cái này em quyết rồi". 

"Điều này khiến tôi cảm thấy tự ái thực sự. Đây là chuyện rất tế nhị khi làm việc trong doanh nghiệp mà các bạn trẻ cần lưu ý, bởi không chỉ các bạn khó xử mà các quản lý và cấp trên cũng rất khó xử", bà Nhân nói. Theo các diễn giả, các bạn trẻ cần được trang bị kiến thức nền tảng để làm việc với sếp, đồng nghiệp một cách thuận lợi và cần có sự kiên nhẫn, dung hòa nhiều hơn.

20 kỹ năng doanh nghiệp cần

- Quản trị bản thân: làm việc độc lập, lên kế hoạch và quản trị thời gian, đa nhiệm, liên tục học hỏi và cải thiện linh hoạt, quản trị căng thẳng. Trong đó, đa nhiệm và quản trị căng thẳng rất quan trọng.

- Quản trị làm việc nhóm: quản lý dự án và điều phối nhóm, quản trị cảm xúc bản thân và người khác, quản trị nguồn nhân lực nhóm.

- Truyền thông tương tác: xây dựng và duy trì mối quan hệ, giao tiếp và thuyết trình, đàm phán thương lượng.

- Phân tích và giải quyết vấn đề: tìm kiếm thông tin, phân tích và phản biện, đề xuất giải pháp và giải quyết vấn đề, quản trị rủi ro.

- Kỹ năng căn bản: tin học văn phòng, nhạy bén với kinh doanh, tiếng Anh thương mại, nắm bắt công cụ kỹ thuật số, hiểu biết và vận dụng số liệu.

 Có thật bạn đang đọc những gì mình muốn?Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Có thật bạn đang đọc những gì mình muốn?

TTO - Lợi ích kinh tế là một trong những lý do chính khiến mạng xã hội ngày càng nỗ lực hoàn thiện, trở nên hấp dẫn với nhiều bạn trẻ. Nhưng đó chưa phải là điều đáng lo ngại nhất.

Nguồn bài viết