Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Có thật bạn đang đọc những gì mình muốn?

2 năm trước 210
 Có thật bạn đang đọc những gì mình muốn? - Ảnh 1.

Khi dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, chất lượng cuộc sống và thế giới quan, tính cách ngoài đời thật của người dùng chắc chắn bị ảnh hưởng - Ảnh: FAUXELS

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều ứng dụng, mạng xã hội cho chúng ta dùng miễn phí, phần lớn chúng được phục vụ cho chủ nghĩa tư bản giám sát.

"Góc khuất" đằng sau từng nút Like

"Chủ nghĩa tư bản giám sát hiểu đơn giản là một hệ thống kinh tế tập trung khai thác dữ liệu cá nhân trên Internet phục vụ việc tạo ra lợi nhuận thông qua các hoạt động kinh doanh. Năm 2014, giáo sư Zuboff (Trường Kinh doanh Harvard, Mỹ) đặt tên này cho hiện tượng trên", nghiên cứu sinh chính sách công Nguyễn Quốc Định (ĐH George Mason, Hoa Kỳ) chia sẻ.

Anh cho biết, lợi nhuận thu được từ việc thu thập, xử lý, phân tích và bán dữ liệu người dùng trên mạng xã hội gọi là thặng dư hành vi. Hành vi cá nhân được khai thác triệt để làm nguyên liệu thô cho hoạt động sản xuất và bán hàng của doanh nghiệp. 

Dữ liệu thu thập được từ trải nghiệm của mỗi cá nhân sẽ được phân tích và phục vụ trở lại, làm tăng trải nghiệm của người dùng. 

Nói cách khác, người dùng mạng xã hội vừa là "nguyên liệu sản xuất", vừa là "sản phẩm" của quá trình đó.

Còn theo TS Trần Nguyên Khang (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM),các công ty công nghệ sẽ lấy thông tin người dùng mạng xã hội để phân tích, tổng hợp... rồi cung cấp cho các doanh nghiệp như các sản phẩm nhằm giúp họ dự đoán được hành vi của người tiêu dùng và xây dựng các chiến lược tiếp cận phù hợp. 

"Công nghệ được tạo ra để giúp con người được tự do hơn trong việc lựa chọn và tận hưởng cuộc sống, thế nhưng hiện mọi sự lựa chọn của chúng ta đều nằm trong sự giám sát của mạng xã hội. Như vậy, sự tự do lựa chọn vốn là yếu tố quan trọng trong việc điều tiết tự nhiên nền kinh tế sẽ bị chi phối và giám sát mạnh mẽ. Nhưng lần này, sẽ không là sự can thiệp từ Nhà nước mà bởi chính các công ty công nghệ", TS Nguyên Khang cho biết.

Anh Quốc Định cho biết, đứng trước những lo ngại về sự ảnh hưởng to lớn của chủ nghĩa tư bản giám sát tới các vấn đề an ninh chính trị, kinh tế... chính phủ các quốc gia phát triển đang đặt mối quan tâm nhiều hơn đến các công ty có ảnh hưởng lớn đến xu hướng này. Chẳng hạn năm 2021, Facebook, Google, Twitter... đã phải giải trình trước Quốc hội Mỹ vì thu thập dữ liệu trái phép người dùng.

Khi góc nhìn đa chiều trở thành "điều xa xỉ"!

 Có thật bạn đang đọc những gì mình muốn? - Ảnh 2.

Việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo xã hội, mối quan hệ, cuộc sống ngoài đời thật của Gen Z đang có sự bất ổn, vấn đề nào đó - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Khía cạnh kinh tế là vậy, nhưng câu chuyện mạng xã hội không dừng ở đó. Thế giới quan, tính cách của không ít bạn trẻ đang dần bị thay đổi, "cắt gọt" chỉ còn một phần, do chỉ còn được tiếp cận với những góc nhìn, quan điểm giống mình (bạn sẽ còn thích hay thấy thoải mái vào mạng xã hội nào đó nếu lướt và chỉ thấy những lập luận trái chiều?). 

Và chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng chúng ta hiện thấy, đọc những cái mình muốn nhưng đó thực chất chính là những thông tin mạng xã hội bằng thuật toán đã điều khiển, muốn chúng ta biết.

"Từ trải nghiệm bản thân, tôi có thể thấy các mạng xã hội định hướng người dùng như thế nào. Khi tôi thường nhấn nút thích (like) và theo dõi (follow) một số trang gì thì sau đó trang chủ của tôi lập tức được giới thiệu, tràn ngập các trang có nội dung tương tự. 

Tôi nghĩ nhiều Gen Z mê mẩn mạng xã hội đến vậy là vì họ cảm thấy như tìm được chính mình trên các phương tiện này, khi chúng vừa tạo điều kiện cho họ thể hiện được mình thông qua các các dòng tâm trạng, hình ảnh... vừa kết nối được với những bạn bè, người quen, nội dung có cùng suy nghĩ", TS xã hội học Nguyễn Diệp Quý Vy (ĐH Quốc gia Úc) chia sẻ.

Trong khi đó, theo TS Quý Vy, phần lớn con người tư duy, suy nghĩ và hành động dựa trên những gì họ thường đọc, nghe thấy được và trải nghiệm.

"Cá nhân tôi cho rằng khi các bạn trẻ dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì góc nhìn của họ sẽ bị uốn nắn rất nhiều từ những gì mà mạng xã hội "mớm" cho họ, thông qua việc quá hiểu nhu cầu, sở thích, tâm lý của họ. Và điều này sẽ là tai hại do nếu những bạn trẻ ngày càng thấy thoải mái trên MXH hơn ngoài đời thực, theo đó xa rời việc giao tiếp, học hỏi từ gia đình, bạn bè... 

Mạng xã hội không xấu, nhưng đa số thông tin, hình ảnh trên đó "lộng lẫy" và thú vị nên dễ làm nảy sinh ở giới trẻ tâm lý ảo tưởng, mong muốn và hành động theo những gì được gợi ý", chị phân tích.

Và chị cũng cho rằng khi con người có nhiều mối quan tâm, sở thích (đọc sách, chơi thể thao...) và càng tiếp xúc, kết nối nhiều với thế giới thật thì họ sẽ càng ít bị chi phối, ít bị thao túng bởi mạng xã hội. Do vậy, việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo xã hội, mối quan hệ, cuộc sống ngoài đời thật của Gen Z đang có sự bất ổn, vấn đề nào đó.

Dĩ nhiên sẽ có lập luận nếu đòi hỏi dùng mạng xã hội miễn phí và vô điều kiện thì kinh phí đâu để họ vận hành? Thực chất điều quan trọng là các mạng xã hội có minh bạch trong chính sách khai thác dữ liệu, và người dùng liệu có nhận thức được các "góc khuất" của câu chuyện này hay không...

Năng lực tư duy sẽ bị ảnh hưởng đáng kể

Việc dành thời gian nhiều trên MXH sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng tư duy của các bạn trẻ.

Những không gian với nội dung lặp lại sẽ dần khiến não chúng ta quen dần với những kiểu suy nghĩ bình thường, mang tính chất vui vẻ, giải trí. Điều này dẫn đến bộ não chúng ta không thể tư duy và nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều, vốn là tiền đề để tạo ra các suy nghĩ ban đầu, yếu tố cơ bản để tạo ra lợi thế cạnh tranh hiện nay.

Những bài viết và clip có nội dung ngắn trên các MXH như TikTok khiến cho người dùng dần mất khả năng kiên nhẫn trong việc trải nghiệm cuộc sống cũng như công việc.

Bên cạnh đó, việc bị ảnh hưởng bởi MXH cũng sẽ đánh mất khả năng tập trung của các bạn trẻ, vốn đang trong giai đoạn hình thành những kỹ năng tư duy và năng lực chuyên môn. Điều đó khiến họ không thể khai thác hết những giá trị tiềm năng của bản thân.

ThS Lê Hoài Ân (giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM)

Cần dạy đạo đức máy tính cho sinh viên CNTT

Ethics in Computer Science (tạm dịch: đạo đức máy tính) là một môn học rất quan trọng ở Mỹ. Ở trường, tôi được học khóa học về cách nhận biết khi quyết định của mình có ảnh hưởng gì, điều gì nên hoặc được làm để phù hợp với quy chuẩn xã hội, cách đưa ra các lý luận hợp lý...

Công nghệ càng phát triển vượt bậc thì môn học này càng cần thiết. Một trong những ví dụ tôi muốn nêu là GPT-3 của OpenAI, một mô hình có thể tạo ra các bài viết rất thuyết phục, chân thật nhưng có thể hoàn toàn chứa đựng những thông tin sai sự thật.

Công nghệ chưa bao giờ xấu nhưng sẽ là nguy hiểm nếu chúng vào tay những người có ý định xấu. Điều này khiến cho những người nghiên cứu, lập trình viên càng phải cẩn thận trong việc chọn lựa công cụ để nghiên cứu cũng như việc nên hay không nên cho phép người dùng sử dụng những công nghệ này.

Bùi Mạnh Hùng (cao học khoa học máy tính, ĐH Stanford, Hoa Kỳ)

 Gen Z, gia đình và mạng xã hội - Dành thời gian quý giá bên gia đìnhDiễn đàn: Gen Z, gia đình và mạng xã hội - Dành thời gian quý giá bên gia đình

TTO - Nhiều bạn trẻ cân đối giữa việc dùng thời gian rảnh cho gia đình và mạng xã hội một cách hiệu quả.

Nguồn bài viết