Mặc dù những phiên gần đây cổ phiếu FLC đã tăng trở lại nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thể "về bờ" - hồi vốn - Ảnh: NAM TRẦN
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã FLC) vừa công bố báo cáo tài chính quý đầu năm nay, với kết quả kinh doanh có phần không thuận lợi.
Theo đó, ở quý đầu năm, tập đoàn này mang về 1.085 tỉ đồng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.
Do kinh doanh dưới giá vốn nên tập đoàn lỗ gộp hơn 14 tỉ đồng, trái với cùng kỳ năm trước có khoản lãi 108 tỉ đồng.
Mức lỗ của tập đoàn còn bị rớt sâu hơn vì ngoài gánh các khoản như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp còn phải gánh chi phí tài chính tăng tới 185% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm cuối quý đầu năm nay, FLC cho biết danh mục đầu tư gồm ba mã chứng khoán HAI (Nông dược HAI), AMD (Đầu tư khoáng sản FLC Stone) và KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS). Vì giá của mã HAI bị lao dốc mạnh nên FLC phải trích lập dự phòng 143 tỉ đồng.
Cũng trong quý 1, tập đoàn cũng phải ghi nhận lỗ gần 265 tỉ đồng từ công ty liên doanh, liên kết.
Như vậy, tổng kết quý đầu tiên của năm nay, FLC báo lỗ ròng 465 tỉ đồng (mức lỗ sâu nhất kể từ quý 2-2020), trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 43 tỉ đồng.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ, bà Bùi Hải Huyền - tổng giám đốc Tập đoàn FLC - cho biết, trong quý vừa qua, tập đoàn thu hẹp mảng kinh doanh thương mại. Doanh thu bất động sản cũng giảm mạnh do dịch COVID-19 tăng mạnh trên cả nước làm hạn chế nhân công trực tiếp thi công tại các công trình để bàn giao. Hoạt động kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng cũng sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tăng.
Riêng phần chi phí tài chính tăng mạnh do tăng các khoản trích lập dự phòng của các khoản đầu tư.
Tuy vậy, tính đến cuối quý đầu năm, FLC có tổng tài sản đạt gần 35.500 tỉ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Khoản tiền mặt và tương đương tiền mặt vào mức hơn 290 tỉ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 9.350 tỉ đồng.
Đáng chú ý, khoản nợ vay nằm mức 7.100 tỉ đồng, trong đó 45% nợ ngắn hạn, còn lại nợ dài hạn.
Trong thời gian này, tình hình xử lý các khoản nợ cho Tập đoàn FLC vay cũng được nhiều cổ đông các ngân hàng và doanh nghiệp liên quan chất vấn.
Cách đây một tuần, tại đại hội cổ đông thường niên 2022, trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Dương Công Minh - chủ tịch HĐQT Sacombank, cho biết dư nợ của Tập đoàn FLC tại ngân hàng này khoảng 3.200 tỉ đồng. Hiện FLC đã thanh toán 2.600 tỉ đồng, dự kiến một tháng nữa sẽ trả 600 tỉ đồng còn lại.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc OCB - cũng cho biết ngân hàng cho Tập đoàn FLC vay chủ yếu tập trung 2 dự án ở Quảng Ninh. Các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản với giá trị trên 2.000 tỉ đồng, thế chấp có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai. Trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, đây là khách hàng tốt, chưa bao giờ trễ hạn...
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu FLC liên tục tăng mạnh và tăng trần, hiện đang neo ở giá 8.820 đồng/cổ phiếu, dù vậy vẫn giảm hơn 60% so với giá đỉnh lập vào hồi đầu năm (22.550 đồng/cổ phiếu). Như vậy, phải trải qua nhiều phiên tăng trần liên tiếp nữa thì nhiều nhà đầu tư đang ôm cổ phiếu FLC mới "về bờ".