Facebook có khả năng bán tháo đồng Diem vì áp lực pháp lý

2 năm trước 301

Dự án tiền điện tử gây tranh cãi mà Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg từng bảo vệ trước Quốc hội Mỹ đang gặp khó khăn sau áp lực về quy định. Diem Association, sáng kiến ​​tiền điện tử từng gọi là Libra, được hỗ trợ bởi Meta Platforms, đang cân nhắc bán tài sản như một cách để trả lại vốn cho các thành viên đầu tư. Diem Association đang thảo luận với các chủ ngân hàng đầu tư về cách tốt nhất để bán tài sản trí tuệ, tìm một nơi mới cho các kỹ sư đã phát triển công nghệ và kiếm thêm bất kỳ giá trị nào còn lại trong liên doanh đồng Diem tham vọng một thời của mình.

Facebook có khả năng bán tháo đồng Diem vì áp lực pháp lý - ảnh 1
Diem Association đang thảo luận với các chủ ngân hàng đầu tư về cách tốt nhất để bán tài sản trí tuệ

chụp màn hình Engadget

Năm 2019, Facebook lần đầu tiên công bố ý tưởng về loại tiền kỹ thuật số ổn định (stablecoin), nhằm cách mạng hóa dịch vụ tài chính toàn cầu. Công ty đã thực hiện kế hoạch với sự cộng tác của hàng chục công ty khác. Nhưng liên minh này không đủ để bảo vệ dự án khỏi sự giám sát của cơ quan quản lý trên toàn thế giới. Sau khi ông Zuckerberg được gọi để đối chứng, một số đối tác đã từ bỏ dự án và nó được đổi tên thành Diem.

Diem Association đã đạt được thỏa thuận với Silvergate Capital Corp để phát hành đồng Diem, nhưng thái độ kháng cự từ Fed đã giáng đòn cuối cùng vào nỗ lực này. Nếu không có sự bật đèn xanh từ cơ quan quản lý của Fed, Silvergate không thể phát hành tài sản mới chỉ với niềm tin rằng Fed sẽ không phá vỡ nó. Một phát ngôn viên của Fed từ chối bình luận về cuộc đàm phán của cơ quan với những người ủng hộ Diem. Cả Meta và Diem Association cũng không trả lời ngay yêu cầu bình luận.

Không rõ người mua tiềm năng sẽ đánh giá như thế nào về tài sản trí tuệ của Diem hoặc các kỹ sư đã giúp phát triển tài sản đó. Các cuộc thảo luận về Diem đã diễn ra từ sớm, nhiều người cũng cảnh báo về đồng tiền điện tử này và không có gì đảm bảo rằng Diem sẽ tìm được người mua. Theo một nguồn thạo tin, Meta sở hữu khoảng một phần ba của Diem Association, phần còn lại thuộc sở hữu của các thành viên khác trong hiệp hội.

Thành viên Diem Association, bao gồm các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty công nghệ, đã đồng ý đầu tư và trả tiền để tham gia khi hiệp hội được thành lập. Hiện vẫn không rõ chính xác những công ty nào, ngoài Meta, đã đầu tư vào sáng kiến ​​này.

Tháng 11.2021, cơ quan giám sát liên bang của Mỹ cuối cùng đã làm rõ ràng những gì họ theo đuổi, nói rằng nhà phát hành stablecoin nên được quản lý bởi các ngân hàng, nếu các token được sử dụng như phương tiện để mua và bán mọi thứ. Nhóm các nhà quản lý lo ngại về việc không thể kiểm soát nếu một mạng lưới rộng lớn người dùng của một công ty công nghệ đột nhiên bắt đầu giao dịch bằng loại tiền tệ mới. Ngoài ra, việc kết hợp giữa một công ty phát hành stablecoin với một tập đoàn lớn “có thể dẫn đến sự tập trung quá mức quyền lực kinh tế”.

Nguồn bài viết