Theo tiết lộ của bà Frances Haugen, cựu Giám đốc phụ trách sản phẩm của Facebook, hãng công nghệ này biết rõ các công cụ của mình có nguy cơ làm trầm trọng thêm chứng rối loạn ăn uống hoặc ý nghĩ tự tử của giới trẻ và đây có thể là bước ngoặt để các nhà lập pháp Mỹ có động thái siết chặt kiểm soát hãng này.
Bà Frances Haugen hiện đang là tâm điểm của thế giới khi đã công bố loạt tài liệu cho thấy các công cụ của Facebook gây chia rẽ trong cộng đồng, gây tác hại đối với trẻ em. Bà Haugen đã điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5/10 về vấn đề này.
Ông Paul Barrett, Phó Giám đốc Trung tâm Stern về doanh nghiệp và nhân quyền, thuộc Đại học New York, nhận định rằng chủ đề trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực khi sử dụng Istagram và các nền tảng xã hội khác có thể là lĩnh vực mà các nhà lập pháp hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được nhất trí. Theo ông, thái độ tán đồng giữa các nghị sĩ hai đảng trong phiên điều trần ngày 5/10 tại Thượng viện Mỹ là điều ông chưa từng thấy trong nhiều năm qua, điều đó cho thấy Facebook bị tổn hại nghiêm trọng do những tiết lộ của bà Haugen.
Trước đây, Facebook đã hứng chịu nhiều vụ bê bối nhưng đều vực dậy được. Đơn cử vụ bê bối liên quan đến hãng phân tích dữ liệu Cambridge Analytica của Anh năm 2018. Trong vụ này, Cambridge Analytica bị cáo buộc truy cập bất hợp pháp dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook và sử dụng dữ liệu này cho các mục đích chính trị. Bê bối này dẫn tới những cuộc điều tra, giám sát, kêu gọi chia tách công ty, kiện tụng và cuối cùng là khoản phạt kỷ lục 5 tỷ USD của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở khoản tiền phạt và cam kết, trong khi các nhà lập pháp Mỹ không thông qua bất kỳ luật nào nhằm vào Facebook.
Lần này, những tiết lộ của bà Haugen về hành vi của Facebook dường như đã đánh trúng tâm lý của các nhà lập pháp. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Allie Funk thuộc tổ chức nghiên cứu Mỹ Freedom House nhận định: "Có những vấn đề chính trị có chiều hướng tác động đến công chúng, và bảo vệ trẻ em là một vấn đề then chốt".