Theo Reuters, Facebook và Amazon nói với Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) rằng họ dự định bắt đầu vận hành thương mại kết nối dữ liệu vào cuối năm 2022, đồng thời cho biết tuyến cáp sẽ cung cấp dung lượng đáng kể trên các tuyến kết nối mà ở đó nhu cầu công suất tiếp tục tăng cao mỗi năm.
Theo nội dung trong một hồ sơ chung, tuyến cáp mới sẽ hỗ trợ các ứng dụng của Facebook, dịch vụ đám mây và kết nối các trung tâm dữ liệu của Amazon. Một phát ngôn viên của Facebook cho biết, các bên tham gia dự án đã nhất trí “con đường tốt nhất để hoàn thành việc xây dựng và đưa hệ thống cáp vào hoạt động là tái cấu trúc quyền sở hữu hệ thống, cho phép các bên thực hiện mục tiêu mang kết nối đến nhiều người, nhiều khu vực hơn”.
Mỹ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về vai trò của Trung Quốc trong việc xử lý lưu lượng mạng và khả năng gián điệp. Hiện có khoảng 300 cáp ngầm tạo thành xương sống của mạng internet, mang 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới. Tháng 9.2020, Facebook, Amazon và China Mobile đã rút đơn đăng ký kết nối giữa San Francisco và Hồng Kông như một phần trong hệ thống Bay to Bay Express Cable System (BtoBE).
Tháng 4.2020, FCC đã phê duyệt yêu cầu của Google về việc sử dụng một phần tuyến cáp viễn thông dưới biển Mỹ - châu Á, không bao gồm Hồng Kông, sau khi các cơ quan Mỹ nêu quan ngại về an ninh quốc gia. Google đã đồng ý vận hành một phần của Hệ thống mạng cáp quang Thái Bình Dương dài 8.000 dặm (khoảng 12.875 km) này giữa Mỹ và Đài Loan, nhưng không vận hành cho Hồng Kông. Google và Facebook đã giúp trả tiền cho việc xây dựng hoàn chỉnh tuyến cáp, nhưng các nhà quản lý Mỹ đã chặn việc sử dụng nó.
Tháng 5.2019, FCC bỏ phiếu nhất trí từ chối quyền cung cấp dịch vụ của China Mobile tại Mỹ, với lý do lo ngại về khả năng chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng sự chấp thuận để thực hiện hoạt động gián điệp chống lại chính phủ Mỹ.