EVNHCMC nhận giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN 2022

1 năm trước 150
EVNHCMC nhận giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN 2022 - Ảnh 1.

Biểu trưng và giấy chứng nhận giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022 do AIBP trao cho EVNHCMC

Theo thông báo của AIBP, Tổng công ty được vinh danh Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022 vì đã "khai thác sức mạnh của các công cụ tự động hóa trong hành trình xây dựng lưới điện thông minh".

Thông báo trên trang web của AIBP viết: "Là nhà cung cấp dịch vụ tiện ích hàng đầu tại Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã tiếp tục triển khai chuyển đổi số trên 7 tiêu chí chính trong lộ trình phát triển lưới điện thông minh, như triển khai các công cụ tự động hóa cũng như trí tuệ nhân tạo (AI) để đảm bảo giám sát, kiểm soát quá trình cung cấp điện tốt hơn và cải thiện khả năng phục hồi thông qua không gian mạng".

Giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN được Diễn đàn Kinh doanh IoT châu Á khởi xướng từ năm 2017, nhằm công nhận các tổ chức đã bắt tay vào các dự án chuyển đổi kỹ thuật số doanh nghiệp của họ thông qua việc áp dụng đổi mới công nghệ. Giải thưởng được tổ chức hằng năm tại các quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Năm 2022, tại lần thứ 6 tổ chức giải thưởng, có hơn 180 đề cử từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. 40 doanh nghiệp được vào vòng chung kết, chọn ra 10 doanh nghiệp chiến thắng chung cuộc.

Trong danh sách 10 doanh nghiệp được trao Giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022, Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Ngân hàng Techcombank và Tổng công ty Điện lực TP.HCM.

Trước đó, năm 2020, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cũng được AIBP trao Giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN.

EVNHCMC nhận giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN 2022 - Ảnh 2.

AIBP chúc mừng các doanh nghiệp được trao giải

Ông Luân Quốc Hưng - phó tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết quá trình xây dựng và phát triển lưới điện thông minh (LĐTM) của EVNHCMC thể hiện rõ thông qua 4 giai đoạn: 2010 - 2013 là giai đoạn tự tìm tòi, nghiên cứu; 2014 - 2015 thí điểm các cấu phần của LĐTM trên quy mô nhỏ để nắm bắt, làm chủ công nghệ; 2016 - 2020 xác định lộ trình LĐTM và tập trung triển khai đại trà; 2021 - 2025 tập trung phát triển LĐTM theo chiều sâu.

Qua quá trình hơn 10 năm nghiên cứu, xây dựng và triển khai, đến nay EVNHCMC đã phát triển được hệ thống LĐTM trên địa bàn TP.HCM với đầy đủ các cấu phần theo đúng chuẩn mực quốc tế gồm: Giám sát và điều khiển; Phân tích dữ liệu; Độ tin cậy cung cấp điện; Tích hợp nguồn phân tán; Năng lượng xanh; An ninh bảo mật; Trao quyền cho khách hàng và sự hài lòng của khách hàng.

Nguồn bài viết