Các doanh nghiệp EuroCham bày tỏ tin tưởng vào việc đầu tư tại Việt Nam - Ảnh chụp cuộc họp trực tuyến
Ngay sau buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 9-9, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức họp báo trực tuyến với sự chủ trì của ông Alain Cany, chủ tịch EuroCham và các thành viên.
Đánh giá đây là cuộc họp rất hiệu quả, khi Thủ tướng và các thành viên EuroCham đã thảo luận về những vướng mắc khó khăn, cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, triển khai cơ chế vắc xin... để có giải pháp tháo gỡ, ông Alain Cany cho rằng những phản hồi của Thủ tướng đã cho thấy sự sẵn sàng của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ tới doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, theo chủ tịch EuroCham, là làm thế nào triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách về thực thi, triển khai ở các địa phương hiện còn nhiều bất cập.
Ông Cany cho hay những ảnh hưởng của đợt dịch lần 4 trên diện rộng đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp EU tại Việt Nam.
"Hiện nay thế giới đã mở cửa, nhu cầu ở châu Âu tăng mạnh, nhưng do không thể sản xuất được, nên 18% đơn hàng đã được chuyển đi, và 16% đơn hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nước khác vì nghĩ tình hình này có thể kéo dài hơn. Tôi xin nhấn mạnh đây là chuyển đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời thôi, chứ chưa có nhà đầu tư nào rút ra khỏi Việt Nam" - ông Alain Cany nói.
Chủ tịch EuroCham mong muốn Chính phủ Việt Nam có những hành động sớm hơn để đẩy nhanh tiến độ triển khai vắc xin, mở cửa hoạt động sản xuất.
Về vấn đề vắc xin, ông Nicolas Warnery - đại sứ Pháp tại Việt Nam - nhấn mạnh hiện nay nhiều đối tác đang hỗ trợ sát cánh cùng Việt Nam trong phòng chống COVID-19. Hiện nhà đầu tư châu Âu cũng đang gặp khó khăn lớn nhất là duy trì hoạt động, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trước tác động rất lớn của dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay.
"Tiêm vắc xin cho công nhân là yếu tố thiết yếu vô cùng quan trọng giúp công ty hoạt động. Việt Nam triển khai vắc xin thì chúng ta có thể hỗ trợ cho Việt Nam trong tiếp cận vắc xin. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để hỗ trợ tiêm vắc xin cho người lao động" - đại sứ Pháp tại Việt Nam khẳng định.
Ông Alain Cany cho biết đến nay đã có 10 triệu liều vắc xin của EU được cung cấp cho Việt Nam qua cơ chế COVAX.
Ba ngày trước, thỏa thuận song phương của Đức cũng cung cấp 5 triệu liều, Pháp 700.000 liều, tới đây một số nước khác cũng sẽ hỗ trợ thêm khoảng 3-4 triệu liều cho Việt Nam.
"Chúng tôi đã làm việc với các đại sứ để khẳng định thông điệp Việt Nam nên nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu trong các quốc gia đang phát triển để cung cấp vắc xin, khi có những thông tin cho rằng không nên ưu tiên" - ông Alain nói và cho biết việc tiếp cận vắc xin ngày càng khó khăn, nhưng sẽ cố gắng đàm phán để ưu tiên vắc xin cũng như mua thêm thuốc điều trị hỗ trợ cho Việt Nam.
Kỳ vọng các kiến nghị được tháo gỡ
Thông tin về các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp EU với Thủ tướng, ông Guru Mallikarjuna - tổng giám đốc Bosch Việt Nam - cho biết đã nêu các vấn đề khó khăn khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội tác động tới việc di chuyển của người dân, vận chuyển hàng hóa khi quy định còn bất cập về ‘hàng hóa thiết yếu’; việc triển khai chính sách về "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" gây phát sinh tăng chi phí…
Theo cộng đồng doanh nghiệp EU, những đề xuất kiến nghị đã được các thành viên Chính phủ, Thủ tướng phản hồi, phần nào tháo gỡ ngay tại cuộc họp. EuroCham kỳ vọng với nghị quyết về hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành sẽ hỗ trợ có hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh như chính sách thuế, phí, biện pháp phòng chống dịch...