EU ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có ràng buộc pháp lý

1 năm trước 143
EU ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có ràng buộc pháp lý - Ảnh 1.

Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Ngày 30-11, Hội thảo lần thứ tư của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về vận dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức đang nổi lên trên biển đã được Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên minh châu Âu (EU), Úc và New Zealand đồng tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trợ lý bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS, nhất là trong bối cảnh nổi lên ngày càng nhiều thách thức trong việc giải quyết các vấn đề trên biển, yêu cầu hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.

Theo ông Vũ, UNCLOS sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia trong khu vực tăng cường lòng tin, thúc đẩy các hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Chia sẻ quan điểm với Việt Nam, các đồng chủ tọa là phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, đại biện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Hà Nội và trưởng SOM ARF của New Zealand cũng đề cao vai trò và giá trị của UNCLOS.

Bà Georgina Roberths, trưởng SOM ARF của New Zealand, nêu bật giá trị của biển và đại dương đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển của khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

EU ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có ràng buộc pháp lý - Ảnh 2.

Phó trưởng Phái đoàn EU Thomas Wiersing - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Ông Thomas Wiersing, phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực.

Bên cạnh đó, EU cũng ủng hộ việc nhanh chóng hoàn thành thương lượng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có giá trị thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.

Cùng khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, ông Mark Tattersall cũng đề cao vai trò quan trọng của Diễn đàn ARF trong đối thoại về an ninh và hợp tác tại khu vực Ấn Độ Đương - Thái Bình Dương.

Ông Mark Tattersall cũng đánh giá cao hội thảo lần này, với phạm vi thảo luận bao trùm nhiều lĩnh vực từ vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học biển tại vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia đến vấn đề các lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển, hay việc phân định biển trong bối cảnh nước biển dâng…

hoi thao-bo ngoai giao-1

Toàn cảnh hội thảo ngày 30-11 - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

ARF ra đời năm 1994, hiện nay gồm các nước ASEAN cùng các đối tác đối thoại, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Úc, New Zealand, EU, Nhật Bản... Mục đích của ARF là thúc đẩy đối thoại và tham vấn mang tính xây dựng về các vấn đề chính trị và an ninh cùng quan tâm, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp nối hai hội thảo cùng chủ đề diễn ra cũng ở Việt Nam năm 2019 và 2021, hội thảo năm nay thu hút khoảng 200 đại biểu đến từ 27 thành viên ARF, các tổ chức quốc tế và khu vực, cơ quan đại diện ngoại giao, viện nghiên cứu và các bộ, ngành, theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu thảo luận về hai chủ đề chính bao gồm quyền và nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS và các văn kiện pháp lý liên quan; các thách thức truyền thống và mới nổi trong quá trình thực thi công ước.

Dự kiến trong ngày làm việc thứ hai 1-12, hội thảo sẽ tập trung thảo luận về các nỗ lực hợp tác quốc tế hướng đến sử dụng bền vững và bảo tồn biển, đại dương.

Nhiều tín hiệu để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn địnhNhiều tín hiệu để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định

TTO - Đó là chia sẻ của thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, bên lề Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 tại Đà Nẵng.

Nguồn bài viết