Tuy e dè nhưng nhà vườn cũng linh hoạt như trồng nhiều hoa trong chậu và chưng được nhiều mùa cho phù hợp với hoàn cảnh và thu nhập giảm sút do COVID-19 - Ảnh: M.VINH
Nguyên nhân là với giá vật tư trồng, chăm sóc hoa đang tăng cao và đặc biệt hơn, chưa ai đoán trước tình hình dịch bệnh sẽ thế nào vào thời điểm Tết, yếu tố quyết định việc mua sắm của người dân và kế hoạch tổ chức hội hoa, đường hoa ở nhiều địa phương.
Đà Lạt: không xuống giống yên tâm hơn
Nhiều nhà vườn Đà Lạt đã suy nghĩ như vậy khi đề cập đến trồng hoa bán Tết. Nếu như 2 năm trước, thời điểm này vùng hoa Đà Lạt (gồm Đà Lạt và các huyện lân cận) đã hoàn tất xuống giống khoảng 1.500ha với đủ chủng loại thì năm nay mọi thứ rất lặng lẽ.
Theo UBND TP Đà Lạt, đến thời điểm này, tổng diện tích xuống giống chỉ mới đạt 50% so với các năm. Dự kiến trong thời gian tới, diện tích xuống giống có thể tăng thêm khoảng 150ha.
Tại làng hoa Thái Phiên, nhiều nông dân cho hay năm nay họ không quan tâm nhiều đến việc sẽ có hoa gì mới hoặc xu hướng chọn hoa ngày Tết sẽ là gì.
"Thực lòng mà nói bà con Thái Phiên không xuống giống vụ hoa Tết thì yên tâm hơn. Làm chưa chắc lời, nhưng không làm thì chắc chắn không lỗ. Nhiều người trồng hoa có tính toán, kiểu buôn thì chọn phương án an toàn, có đặt hàng mới trồng, không thì nhất quyết đóng cửa vườn" - ông Đặng Bảo Vinh (chủ tịch Hội nông dân phường 12, làng hoa Thái Phiên) chia sẻ.
Ông Vinh nói thêm với nông dân kỳ cựu nghĩ khác một chút khi trồng hoa Tết nó thành thói quen mất rồi. Họ nghĩ Đà Lạt không trồng thì nơi khác đang gặp dịch nặng hơn chắc cũng không trồng, biết đâu...
Cũng theo ông Vinh, bà con Thái Phiên năm nay chọn những loại hoa khi ra chợ có giá rẻ như cúc, cát tường, cẩm chướng..., những loại hoa chưng cũng được mà cúng cũng được.
Các năm hoa lily được trồng nhiều, năm nay giảm mạnh chỉ còn khoảng 30% diện tích khi chi phí đầu tư cao, giá thành cao mà không đoán được sức mua.
Với làng hoa Vạn Thành (phường 5, TP Đà Lạt), nơi chiếm khoảng 80% diện tích hoa hồng toàn TP, ông Nguyễn Như Việt - chủ tịch UBND phường 5 - cho biết nhiều hộ cũng đã xuống giống các loại hoa Tết nhưng giảm khoảng 30% so với Tết vừa rồi.
Vụ Tết năm nay bà con không mặn mà đầu tư thử nghiệm giống mới mà quen với hoa gì ở vụ Tết thì tiếp tục với giống ấy.
Đây là thời điểm mà các nhà vườn bắt đầu phải chuẩn bị nếu muốn có hoa nở rộ để cung ứng cho vụ Tết - Ảnh: SƠN LÂM
ĐBSCL: đa số bỏ vụ Tết
COVID-19 đang phức tạp khắp các tỉnh miền Tây nên không khí tại các vườn hoa ven quốc lộ 57 qua vùng "thủ phủ hoa kiểng" Chợ Lách (Bến Tre) hay những con đường trong làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) cũng đìu hiu theo.
Khi chúng tôi hỏi "có hoa vụ Tết không?", hầu hết bà con đều trả lời "có vụ lỡ thôi". "Vụ lỡ" là những đợt cây sẽ xuất đi ngay khi đủ ngày, không phải ưu tiên để dành xuất bán mùa Tết.
Hiếm hoi lắm chúng tôi mới gặp cảnh như ông Nguyễn Minh Quang cùng một số anh em hì hục đẩy từng bao mụn dừa ra bãi đất trống ven đường đi Chợ Lách để xuống giống vạn thọ cho vụ hoa Tết. Bãi đất này vào cuối năm đã quen thuộc với người qua đường với cảnh phủ đầy hoa mào gà, vạn thọ và các loại hoa cúc.
"Gia đình tui có năm xuống giống khoảng 20.000 chậu hoa các loại. Hầu hết là có thương lái đến tận đây lấy hết. Còn dư lại thì tui bán lẻ lai rai vài bữa trước Tết cũng hết. Nhưng năm nay chỉ xuống giống một nửa thôi" - ông Quang nói.
Năm nay giá phân thuốc, hạt giống, tiền thuê mặt bằng đều tăng trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chưa biết bán thế nào nên không dám mạnh tay đầu tư. "Trong 10.000 chậu hoa dự kiến xuống giống năm nay, phần lớn đã có thương lái đặt cọc mua nên tui mới dám làm" - ông Quang nói thêm.
Chi phí tăng nhưng theo một số nhà vườn, giá hoa năm nay cũng không dám tăng nhiều vì người dân đa số thu nhập đều eo hẹp, chi tiêu sẽ dè dặt hơn. Điều này có nghĩa lợi nhuận của người trồng hoa sẽ giảm so với mọi năm.
Bên cạnh số ít người còn đầu tư e dè để "phiêu lưu" với thị trường Tết như ông Quang, nhiều nhà vườn bỏ hẳn luôn vụ hoa Tết.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị Phương cũng ở huyện Chợ Lách, khoảnh đất trống sau nhà năm nào cũng có khoảng 5.000 chậu hoa Tết nhưng năm nay gia đình quyết định dừng hẳn. "Lúc này đã đến thời điểm xuống giống các loại hoa ngắn ngày như vạn thọ nhưng tôi cũng chưa có ý định làm.
Chưa biết Tết năm nay thế nào, chợ mà đóng cửa thì mình chỉ có nước... ôm hoa" - chị Phương nói. Lời chị Phương cũng là tâm sự chung của nhiều nhà vườn mà chúng tôi gặp từ vùng hoa Chợ Lách qua đến làng hoa Sa Đéc khi chia sẻ về lý do họ bỏ hẳn vụ hoa Tết.
Ông Nguyễn Minh Quang (Bến Tre) thuê khoảnh đất trống này chỉ để trồng cúc bán mùa Tết. Mỗi năm ông thường gieo khoảng 20.000 chậu, năm nay giờ ông mới xuống phân chuẩn bị khoảng 10.000 chậu - Ảnh: SƠN LÂM
Đường hoa xuân "đánh đu" tìm hoa Tết
Trong cảnh nhiều nhà vườn dè dặt thế nên khi đến hội quán Tôi yêu màu tím của ông Trần Văn Tiếp (Đồng Tháp) để đặt 1.000 chậu hoa cúc hỏa châu cũng như tìm hiểu, đặt hàng thêm nhiều giống hoa mới khác mà hội quán này đang thử nghiệm, ông Trần Hồ Minh Hiếu - giám đốc Công ty TNHH Thương mại hoa kiểng Đồng Tháp - luôn miệng than: "Chưa năm nào vất vả như năm nay".
Là đơn vị chuyên thi công đường hoa lớn cho nhiều tỉnh thành từ Tây Nguyên đến miền Đông, miền Tây, năm nay công ty của ông Hiếu cũng đang trong giai đoạn trình gói thầu tổ chức đường hoa đến khoảng 20 đơn vị.
"Nhiều gói thầu vẫn chưa được phê duyệt, vì Tết năm nay có thể sẽ khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa để tổ chức các hoạt động trang trí, vui xuân..." - ông Hiếu nói.
Muốn có hoa Tết để trang trí cho các công trình đường hoa lớn, lúc này nhà vườn phải bắt đầu chuẩn bị, nói chính xác hơn đây là thời điểm chín muồi để xuống giống vì các loại hoa cần chưng Tết thường nằm trong khoảng 60 - 75 ngày thì trổ đẹp nhất.
Mọi năm, người dân luôn trồng dự trữ, các đơn vị như công ty của ông Hiếu chẳng cần phải tính toán đến nguồn hoa nhiều vì dường như cần thêm bao nhiêu hoa cho Tết thì làng hoa Sa Đéc và Cái Mơn, hay cả làng hoa Đà Lạt đều đáp ứng đủ.
Nhưng năm nay, nếu không có hợp đồng đặt hàng, người dân không xuống giống, người thầu đường hoa thì chờ hợp đồng thi công trong thấp thỏm khi ở thế "chờ đôi bên nằm giữa".
"Công ty tôi có khoảng 200.000 chậu trồng tại Sa Đéc để dự trữ cho vụ Tết, nhưng đó chỉ là phần rất nhỏ so với tất cả các công trình mà chúng tôi đang dự kiến làm. Ngặt nỗi là mình đang ở giữa, đặt bà con trồng cũng ngại, lỡ thay đổi kế hoạch làm đường hoa thì chúng tôi phải ôm hết. Chưa có năm nào mà phải "đánh đu", xem như đặt cược 50/50 như mùa Tết này" - ông Hiếu lại chia sẻ với giọng đầy lo lắng.
Tại Lâm Đồng, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 năm 2021 sẽ không tổ chức, kỳ lễ hội tiếp theo dự kiến sẽ tổ chức vào năm 2023.
Theo kế hoạch ban đầu, Festival hoa Đà Lạt lần thứ 9 năm 2021 có chủ đề "Sắc hoa màu nhớ" với 10 chương trình chính và 19 chương trình hưởng ứng, tổ chức trải dài từ Đà Lạt, TP Bảo Lộc và nhiều địa phương khác. Việc không tổ chức Festival hoa cũng có tác động lớn đến đầu ra cho hoa ở Đà Lạt trong những ngày cuối năm.
Hoa Trung Quốc sẽ thay thế?
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận trong lúc sản xuất hoa bị xáo trộn, nhu cầu tiêu dùng ở TP.HCM và các TP lớn khó dự báo thì hoa từ Trung Quốc là mối lo với người trồng hoa. Lý do ngành sản xuất hoa Trung Quốc đã phục hồi 4 tháng trước và tổ chức được đường vận chuyển hoa qua đến Hà Nội và các tỉnh phía Nam.
Giống hoa chỉ đảm bảo 70% nhu cầu
Ngoài khó khăn dự báo thị trường, bà con trồng hoa ở Đà Lạt còn đau đầu với "giống ở đâu?". Chị Đặng Thị Thanh Thủy (làng hoa Thái Phiên) chia sẻ do dịch kéo dài, không ít nhà vườn đã chuyển đất sang trồng rau để cung ứng cho thị trường theo vận động của TP.
Có nhiều nhà đã phải phá bỏ hoa cúc vì hoa rớt giá thê thảm, nhiều cơ sở cung ứng giống hoa cũng giảm bớt sản lượng. Khi thị trường có tín hiệu vui, nhiều nhà vườn muốn trồng hoa cho mùa Tết nhưng nguồn giống đang thiếu hụt, thậm chí có trại giống không còn giống để bán.
Ghi nhận của UBND TP Đà Lạt, lượng giống hiện chỉ đảm bảo cho 70% nhu cầu. Năm nay, nguồn giống hoa nhập từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc đều giảm mạnh.
Mọi năm đã rục rịch, năm nay im ắng
Chiều 27-11, ông Nguyễn Ngọc Phương - chủ vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức) - cắt bỏ những nụ mai nở sớm - Ảnh: N.TRÍ
* TP.HCM: đìu hiu mai Tết
Chỉ khoảng 2 tháng nữa là thị trường mai Tết sẽ bắt đầu khởi động nhưng không khí tại các vườn mai quanh TP.HCM đang khá buồn bởi không chỉ đối mặt với chi phí đầu tư gia tăng mà còn có cả tình trạng mai nở sớm, nhiều chủ vườn lo "mất ăn".
Theo ông Minh - một chủ vườn tại quận 12, thời tiết âm u và mưa nắng xen kẽ rất khó để nhà vườn dưỡng cây, nếu thời tiết này vẫn tiếp diễn trong tháng tới thì vườn chỉ khoảng 30% cây đạt chất lượng bán Tết.
Chiều 27-11, đang tất bật lặt những bông mai nở sớm, phun thuốc để dưỡng cành do thời tiết bất thường, ông Nguyễn Ngọc Phương - chủ vườn mai Phương Bình (TP Thủ Đức) - cho biết vườn có hàng nghìn chậu mai nhưng Tết nay khả năng thất thu nặng, đặc biệt các cây mai "khủng" có giá trị cao hàng trăm triệu đồng trở lên sẽ kén khách.
Theo ông Phương, ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giá phân biến động nên chi phí đầu tư cho mai Tết năm nay tăng 15-20% so với mọi năm. Tuy nhiên, giá bán dự kiến sẽ giảm nhẹ, đặc biệt giá mai cho thuê có thể sẽ phải giảm 30-40% so với mọi năm.
"Sức mua sẽ yếu, thậm chí có thể giảm nhiều vì ảnh hưởng dịch bệnh khiến lượng khách hàng lớn, khách cao cấp là các nhà hàng, doanh nghiệp... sẽ hạn chế chơi mai Tết" - ông Phương nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Quốc - chủ vườn Quốc Ba (TP Thủ Đức) - cũng cho biết không chỉ thị trường tại chỗ khó sôi động mà thị trường phía Bắc và Campuchia cũng có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay vì ảnh hưởng dịch bệnh và còn dự báo phí vận chuyển, đặc biệt vận chuyển bằng máy bay giá cước sẽ tăng mạnh.
"Mọi năm đến thời điểm này đã rục rịch lên đơn hàng, khách hàng các nơi cũng đã liên hệ khảo sát, nhưng năm nay vẫn còn rất im ắng. Do đó, phần lớn các nhà vườn quyết định "mất ăn" Tết này hoặc tập trung đưa ra mức giá thấp, cây giá rẻ từ 30 triệu đồng trở xuống để kích thích thị trường" - ông Quốc nhận định.
Ngoài nhu cầu, không ít nhà vườn lo lắng khi khâu chuyên chở, mặt bằng bán mai Tết chủ yếu tại các công viên, hội chợ hoa xuân ở TP năm nay có thể sẽ thu hẹp quy mô, hạn chế hoạt động vì tình hình dịch bệnh COVID-19.
N.TRÍ
Người dân xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên) chăm sóc hoa tại vườn - Ảnh: HÀ QUÂN
* Hưng Yên: không đầu tư mạnh vì nhiều lý do
Từ Hưng Yên, một trong những địa phương thường xuyên cung cấp hoa cho thị trường Hà Nội, bà Lê Thị Đăng - chủ vườn xã Xuân Quan (huyện Văn Giang) - cho biết năm nay giá phân bón, hạt giống lên rất nhiều.
Giá mỗi bao phân lên ít nhất 10-20%, hạt giống cũng tăng tùy từng loại. "Mỗi lần lấy một giá" - bà Đăng tóm tắt. Chính vì thế mà thời điểm này nhiều nhà vườn không đầu tư mạnh như trước dù Tết sắp đến, ngoài lý do giá vật tư còn có ảnh hưởng của dịch và thời tiết thất thường.
Ông Mão - chủ một vườn hoa - cho biết năm nào giá hoa cũng lên nhưng giờ mới vào mùa hoa Tết nên chưa thể biết được. Hoa hồng đẹp hơn năm ngoái, chậu trồng hoa to hơn, giá công dọn cỏ tăng (5-10%) nhưng giá bán cho khách không tăng. "Chỉ mong thời tiết không thất thường để hoa nở đẹp mới có cái Tết ấm no" - ông Mão bộc bạch.
Là mối mua hoa quen ở huyện Văn Giang, chị Hà (Thanh Hóa) cho biết giá hoa vẫn như mọi năm dù xăng xe, công lao động... có tăng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. "Theo tôi, giá hoa Tết sẽ không tăng. Còn nếu tăng chỉ khoảng 5-10% vì chủ vườn cũng giữ giá. Năm nay, thời tiết thất thường nên hoa hồng có đắt hơn, khoảng 30.000 đồng/chậu" - chị Hà nói.
H.QUÂN
Lối ra: hoa chậu "mini", có hợp đồng mới xuống giống
Nhiều loại hoa chậu là giống cũ như cúc, thược dược được biến đổi gene để tạo ra cây hoa phù hợp - Ảnh: M.VINH
Trước những khó khăn hiện tại, người trồng hoa tại Đà Lạt và ĐBSCL đã phải linh hoạt hơn tìm lối ra.
Đó là đưa hoa vào chậu nhỏ, có đơn đặt hàng mới trồng và tìm kênh bán hàng mới.
Tập trung cho hoa chậu
Những năm gần đây, người trồng hoa tại Đà Lạt đã chú tâm đưa ra thị trường Tết - cũng là cách thăm dò thị trường loại hoa chậu. Hoa chậu không phải là mai, đào, địa lan... to lớn, đắt tiền mà là chậu lily, cẩm tú cầu, diên vĩ, huệ tây, oải hương, hoa bâng khuâng, hoa hoàng anh (mandevilla), hoa lan Nam Phi, hoa hạnh phúc, hoa loa kèn...
Những loại hoa này đều là những giống mới, thuộc chủng hoa ôn đới, giá rất dễ mua, từ 80.000 - 250.000 đồng/chậu.
Nông dân Trần Trung Huy (phường 7, Đà Lạt) chia sẻ hoa Đà Lạt chủ yếu tiêu thụ ở các thành phố lớn và theo đánh giá của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ở những nơi này có nhóm dân cư ở nhà nhỏ hay chung cư nên hoa chậu nhỏ trở thành xu hướng.
Hoa có thể đặt được ở bàn khách, kệ tủ, bàn thờ. Nói về ưu điểm của hoa chậu dạng mini, ông Hoàng Ngọc Phúc (nông dân làng hoa Vạn Thành) nói đây là các loại hoa giống mới, giá lại rẻ, chưng được cả tháng giêng nên người dân ở các thành phố lớn rất thích.
Hơn nữa, nếu lỡ không tiêu thụ được trong dịp Tết thì có thể dùng kỹ thuật hãm để bán dịp rằm tháng giêng.
Phòng kinh tế TP Đà Lạt cho hay để dễ tiếp cận người mua, nhiều chủ vườn lan hồ điệp, vốn mắc tiền, đã lên phương án đóng chậu nhỏ vừa với không gian gia đình nhỏ. Ngoài ra, các chủ vườn cũng đang ráo riết áp dụng nhiều biện pháp để phân nhỏ đợt nở hoa của lan hồ điệp tránh hoa nở ồ ạt dẫn đến bán tháo.
Hoa "đa mùa"
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận nông dân chỉ nên đầu tư vào các loại hoa có tính "phòng thủ" tốt, tức bán được nhiều thời điểm khác nhau, có thể sử dụng ở nhiều bối cảnh và có giá rẻ như hoa chậu.
Tức là nên trồng các loại hoa có thể chưng nhiều mùa thay vì chỉ trông vào dịp Tết. Đối với hoa có giá trị lớn như địa lan, đào và các chậu cảnh - bonsai thì người trồng nên có những đơn hàng trực tiếp với người mua vì các loại hoa này các năm đều lệ thuộc vào chợ hoa trong khi đến lúc này chợ hoa Tết còn là dấu hỏi.
Tương tự, ông Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) - cũng cho biết phòng đã khuyến cáo bà con nên sản xuất hoa theo đơn đặt hàng của thương lái, tránh thiệt hại do diễn biến bất thường của dịch bệnh. Ngoài ra những hộ dân nào có chỗ để bán lẻ thì cũng nên sản xuất cầm chừng.
Ông Trần Văn Tiếp - chủ nhiệm hội quán Tôi yêu màu tím - khẳng định diện tích hoa kiểng ở Sa Đéc không giảm nhưng phần diện tích dành riêng cho Tết năm nay đã giảm một nửa, chuyển sang trồng các loại kiểng công trình, như cây xanh đường phố, cây kiểng đặt hàng để trưng bày tại các hội chợ, công viên.
"Giờ nông dân cũng hiện đại rồi. Họ có nhiều kênh để kết nối nguồn hàng chớ không phải cứ cầu may vào thị trường.
Do đó, dần dần thị trường hoa sẽ được rải đều hơn trong năm, với những loại hoa mới lạ, ngắn ngày trồng bán liền, những loại kiểng có thể duy trì bán qua nhiều vụ mùa. Đặc biệt họ sẽ chỉ trồng khi được đặt hàng rồi chứ không còn cảnh người trồng hoa đánh cược một năm làm ăn vào mỗi vụ Tết nữa" - ông Tiếp nhận định.
Không thể trông vào chợ hoa Tết
Ông Nguyễn Hoàng Đức - giám đốc Công ty hoa L’amour, TP Đà Lạt - nhận định năm nay thị trường hoa Tết không còn đơn thuần là hoa và thị hiếu.
"Những người trồng hoa, công ty hoa đang sở hữu các cửa hàng hoa ở các thành phố lớn, có kênh phân phối trong siêu thị, điểm phân phối nhỏ trong các chợ truyền thống đang nắm lợi thế vì ảnh hưởng của dịch nên khó có thể biết chợ đầu mối, chợ hoa Tết có thể mở như mọi năm hay không.
Với đặc điểm của thị trường như vậy nên vùng hoa Đà Lạt có nhiều lợi thế kinh doanh vụ hoa Tết" - ông Đức nói. Với các hộ nông dân chưa tìm được kênh phân phối cho vườn của mình, ông Đức khuyến cáo nên mau chóng tìm đầu mối thu mua có kênh phân phối để liên kết, hoặc sớm hợp tác với các dịch vụ bán hàng online, giao hoa tận nhà.