Dự án 'đắp chiếu' nhiều tháng, điện gió tiếp tục kiến nghị sửa quy định bất cập

2 năm trước 203
Dự án đắp chiếu nhiều tháng, điện gió tiếp tục kiến nghị sửa quy định bất cập - Ảnh 1.

Dự án điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2 chưa được đưa vào vận hành vì gặp nhiều vướng mắc trong cơ chế - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Công ty cổ phần Năng lượng FICO Bình Định - chủ đầu tư dự án điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2 (Bình Định) - tiếp tục có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị tháo gỡ khó khăn cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió theo quyết định số 39 của Thủ tướng và công nhận vận hành thương mại (COD) với Nhà máy điện gió Nhơn Hội.

Đây là một trong 4 nhà đầu tư (cùng với các dự án điện gió Nam Bình 1, Cầu Đất và Tân Tấn Nhật) được Tuổi Trẻ Online phản ánh về tình trạng dự án "treo" không thể COD do vướng mắc và bất cập trong quy định vận hành cũng như chờ tháo gỡ cơ chế, khiến dự án đắp chiếu trong suốt 8 tháng nay.

Trong đơn kiến nghị, công ty này cho hay dự án điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2 đã hoàn thành lắp đặt, được cấp chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình và đã phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia, cũng như ghi nhận trên dữ liệu điện tử của EVN.

Tức là về mặt đầu tư, nhà máy đã hoàn thành quy trình đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên tại thời điểm ngày 31-10, nhà máy chưa hoàn thiện các bước thử nghiệm, dẫn tới chưa được công nhận ngày COD và không được vận hành nối lưới, không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo quyết định 39.

Theo Công ty FICO Bình Định, doanh nghiệp đã nhiều lần có văn bản kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho Nhà máy điện gió Nhơn Hội giai đoạn 2. 

Đến nay, dù đã có chỉ đạo của Thủ tướng, phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo, xem xét giải quyết, nhưng sau 8 tháng vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định cho phép COD.

Nêu ra vướng mắc tại thông tư 39/2015 của Bộ Công thương quy định, nhà máy chỉ được phép chính thức đưa vào vận hành sau khi đã hoàn thành các điều kiện kỹ thuật trong các thử nghiệm của quy trình COD, trong khi theo doanh nghiệp, các thử nghiệm kỹ thuật trong quá trình COD nêu trên phụ thuộc vào thời tiết và năng lượng đầu vào sơ cấp, tức là hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố khách quan.

"Nếu áp dụng cứng nhắc quy định cụ thể này của ngành điện để làm điều kiện hoàn thành quá trình đầu tư xây dựng sẽ làm giảm tính minh bạch, không phản ánh đúng bản chất của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, tạo rủi ro cho nhà đầu tư" - doanh nghiệp này cho hay.

Thêm nữa, doanh nghiệp này cho rằng các quy định về các điều kiện kỹ thuật trong quy trình công nhận COD nhà máy điện gió theo thông tư 39 cũng mâu thuẫn với quyết định 25/2019 của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) quy định về "Quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm".

Cụ thể, quyết định này đưa ra quy định, trong thời gian thực hiện thử nghiệm, nếu nguồn năng lượng sơ cấp không đạt được các mức công suất để thực hiện các thử nghiệm thì các nhà máy điện gió, nhà máy điện mặt trời được phép thử nghiệm đến mức công suất tối đa theo sự sẵn sàng của nguồn năng lượng sơ cấp. Các thử nghiệm này được phép hoàn thành sau COD trong vòng 1 năm.

Doanh nghiệp cũng nêu thêm, vào thời điểm tháng 6-2019, EVN đã áp dụng quy định rút gọn về thử nghiệm trong quy trình COD cho các nhà máy điện mặt trời. Tức là chỉ cần hoàn thành 3/9 thử nghiệm bắt buộc theo thông tư 39/2015 của Bộ Công thương, là có thể hoàn thiện quy trình.

Theo đó, kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ Công thương, doanh nghiệp này cho rằng cần xem xét các yếu tố pháp lý và thực tế được nêu trên làm căn cứ báo cáo, đề nghị Thủ tướng xem xét ra quyết định chấp thuận cho điện gió Nhơn Hội - giai đoạn 2 được hoàn thành công nhận COD, hưởng giá FIT tại thời điểm hoàn thành đầu tư xây dựng trước ngày 31-10-2021.

Liên quan đến quyết định 39/2018 của Thủ tướng về khuyến khích phát triển điện gió yêu cầu phải hoàn thành các thử nghiệm như trên theo quy trình COD, doanh nghiệp này cho rằng lấy điều kiện kỹ thuật trong quy trình COD để áp dụng cho điều kiện hoàn thành dự án đầu tư là bất hợp lý.

Lý do là nhà máy đã hoàn thành toàn bộ công tác đầu tư xây dựng và được cấp chứng chỉ nghiệm thu hoàn thành công trình, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và công trình điện.

Những dự án điện gió nghìn tỉ ‘đắp chiếu’, mòn mỏi chờ… cơ chếNhững dự án điện gió nghìn tỉ ‘đắp chiếu’, mòn mỏi chờ… cơ chế

TTO - Từ phản ảnh của Tuổi Trẻ Online về việc "nhà đầu tư điện gió 'kêu cứu' Thủ tướng vì nguy cơ phá sản do… chờ cơ chế", Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Công thương "kiểm tra và xử lý ngay".


Nguồn bài viết