Dịch COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc: Nguy cơ tê liệt chuỗi cung ứng

2 năm trước 197
 Nguy cơ tê liệt chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Cảng nước sâu Dương Sơn ở thành phố Thượng Hải, trung tâm tài chính và thương mại của Trung Quốc

Một vấn đề xảy ra ở Trung Quốc cũng có thể là vấn đề đối với nền kinh tế toàn cầu.

Bà IRIS PANG (chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING - Hà Lan) nhận định.

"Nếu Thượng Hải không thể nối lại hoạt động sản xuất kịp thời trong tháng 5 thì tất cả ngành công nghệ và công nghiệp liên quan chuỗi cung ứng Thượng Hải sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn, nhất là công nghiệp ôtô. 

Điều đó sẽ gây ra những hậu quả và tổn thất rất lớn cho toàn ngành" - ông Dư Thừa Đông, giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Tập đoàn Huawei, hôm 15-4 cảnh báo.

Tổn thất lớn cho Trung Quốc

Theo báo The Guardian, những bình luận từ Huawei, một trong các "ông lớn công nghệ" của Trung Quốc, cho thấy nỗi lo về tác động của dịch bệnh với kinh tế đang tăng cao hơn khi quốc gia tỉ dân vẫn kiên trì chiến lược "zero-Covid", phong tỏa thành phố Thượng Hải và nhiều nơi khác để khống chế dịch.

Trong bối cảnh lệnh phong tỏa tiếp tục áp dụng tại Thượng Hải - trung tâm tài chính và là nơi có cảng container lớn nhất thế giới, các nhà kinh tế đã cảnh báo về tổn thất to lớn không chỉ với kinh tế Trung Quốc mà cả với chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Họ cho rằng ngay cả khi lệnh phong tỏa chỉ duy trì trong tháng 4 này, Thượng Hải vẫn sẽ mất 6% GDP và tương ứng mất 2% GDP cả nước.

Bà Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING (Hà Lan), cho rằng điều đó sẽ khiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm của Trung Quốc giảm gần 1%, xuống còn 4,6%. 

Tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của nước này năm 2022 ở mức khoảng 5,5%.

Trong khi đó, bà Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp), bình luận: "Chúng tôi dự đoán cứ mỗi tháng áp lệnh phong tỏa ở Trung Quốc thì GDP hằng năm của nước này sẽ giảm 0,5%".

Nỗi lo cạn hàng

Ông Stephen Carr, giám đốc thương mại tại Peel Ports (một trong những nhà khai thác cảng lớn nhất của Anh), cho rằng mọi sự gián đoạn tại một trung tâm thương mại lớn như Thượng Hải đều sẽ có tác động lớn tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuần này, Công ty Pegatron (Đài Loan), nhà sản xuất iPhone chủ chốt cho Hãng Apple, cho biết đã tạm dừng sản xuất tại 2 nhà máy ở Thượng Hải và thành phố Côn Sơn gần đó. Hơn 30 công ty Đài Loan cũng đã tạm ngưng hoạt động ít nhất đến tuần tới.

Các báo cáo trong tuần này cho biết gần 500 tàu chở hàng phải neo ngoài khơi Thượng Hải do cảng chưa thể xử lý. Ông Chen Xin, chủ một xưởng thêu gia đình ở tỉnh Quảng Đông, cho biết từ cuối tháng 3 ông đã không thể giao khoảng 70 - 80% đơn hàng vì khách không thể nhận.

Tình trạng gián đoạn tại các cảng khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với viễn cảnh cạn sạch hàng hóa. "Nếu tỉnh Quảng Đông - vốn chiếm 13% sản lượng ôtô và 15% sản lượng chip ở Trung Quốc - cũng phong tỏa thì cú sốc nguồn cung sẽ còn tồi tệ hơn nữa", chuyên gia kinh tế García Herrero dự đoán.

Theo Hãng tin Reuters, tuần trước Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc đã gửi thư cho chính phủ nước này cho biết khoảng một nửa số công ty Đức tại Trung Quốc đang gặp khó khăn với chuỗi cung ứng.

Nhiều công ty đang tìm cách tự giải nguy. Hãng vận tải container Maersk (Đan Mạch) khuyến nghị khách hàng chuyển hướng từ cảng Thượng Hải sang các cảng khác của Trung Quốc. 

Trong khi đó, Công ty Foxconn Interconnect Technology thuộc Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) duy trì hoạt động của nhà máy ở thành phố Côn Sơn theo chu trình khép kín và chỉ vận hành 60% công suất.

Ngân hàng ING dự đoán chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ có biện pháp giảm nhẹ tác động, tăng cường hỗ trợ tài chính và nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hôm 15-4, Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết sẽ làm việc với 666 công ty sản xuất chất bán dẫn, ôtô và y tế để hỗ trợ sản xuất trở lại. Nhiều nhóm hỗ trợ cũng đã được cử tới Thượng Hải để đảm bảo nối lại hoạt động tại các doanh nghiệp trọng yếu này.

45 thành phố bị phong tỏa

Ngày 16-4, thành phố Tây An ở tây bắc Trung Quốc bắt đầu áp lệnh phong tỏa một phần kéo dài 4 ngày để hạn chế việc đi lại của 13 triệu dân sau khi ghi nhận hàng chục ca nhiễm cộng đồng trong đợt dịch hiện tại do biến thể Omicron. Trước đó, tháng 12-2021, Tây An từng phải phong tỏa để đối phó đợt dịch do biến thể Delta.

Tuần này, Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) ước tính có 45 thành phố với tổng cộng 373 triệu dân của Trung Quốc đang áp lệnh phong tỏa toàn diện hoặc bán phong tỏa để đối phó COVID-19. Những thành phố này chiếm khoảng 26% dân số Trung Quốc và 40% GDP.

Sri Lanka muốn vay tiền Trung Quốc để trả nợ... Trung QuốcSri Lanka muốn vay tiền Trung Quốc để trả nợ... Trung Quốc

TTO - Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona hy vọng Bắc Kinh sẽ thông qua khoản vay và gói tín dụng tổng cộng 2,5 tỉ USD giúp Colombo trả số nợ đã vay Trung Quốc sắp tới hạn và mua thêm nguyên liệu sản xuất.

Nguồn bài viết