Dịch COVID-19 ngày 10-12: WHO và châu Âu nói khác nhau về mũi 3

2 năm trước 203
 WHO và châu Âu nói khác nhau về mũi 3 - Ảnh 1.

Một người cao tuổi được tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ 3 tại Mexico ngày 7-12 - Ảnh: REUTERS

Ngày 9-12, WHO cảnh báo các nước giàu không thu gom vắc xin để tiêm liều bổ sung nhằm ngăn biến thể Omicron trong lúc tỉ lệ tiêm ngừa ở các nước nghèo vẫn còn thấp.

"Có nguy cơ nguồn cung toàn cầu sẽ lại chuyển sang các nước thu nhập cao đang tích trữ vắc xin. Nó sẽ không hiệu quả từ góc độ dịch tễ học và nó sẽ không hiệu quả từ góc độ lây truyền", Hãng tin Reuters dẫn lời Giám đốc phụ trách vắc xin của WHO, bà Kate O'Brien.

Cùng ngày, nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược (SAGE) của WHO đã đưa ra khuyến cáo về liều bổ sung và tiêm trộn vắc xin ngừa COVID-19. Theo đó, WHO cho rằng việc tiêm liều thứ nhất và thứ hai vẫn quan trọng hơn liều bổ sung. Tuy nhiên, những người bị suy giảm miễn dịch hoặc tiêm vắc xin bất hoạt nên tiêm liều bổ sung.

"Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang hạn chế, việc tiêm liều tăng cường trên diện rộng có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin", ông Alejandro Cravioto, lãnh đạo SAGE, bình luận. 

Ngoài ra, theo ông Cravioto việc tiêm hai liều đầu tiên cùng loại một vắc xin vẫn là tốt nhất và chỉ nên tiêm trộn khi thiếu nguồn cung.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) khuyến cáo việc tiêm liều vắc xin bổ sung 3 tháng sau khi tiêm mũi 2 là "an toàn và hiệu quả", giảm so với mức 6 tháng của khuyến cáo trước.

Phát biểu với báo giới, ông Marco Cavaleri - người phụ trách chiến lược vắc xin và các mối đe dọa y sinh học của EMA, cho biết: "Trong khi khuyến cáo hiện nay là tốt nhất nên tiêm mũi tăng cường sau 6 tháng, dữ liệu hiện có cho thấy tiêm mũi tăng cường sẽ an toàn và hiệu quả ngay từ tháng thứ 3 sau khi tiêm đủ hai mũi".

Về biến chủng Omicron, EMA, cũng giống như WHO, nói rằng các dữ liệu ban đầu cho thấy biến này dường như lây nhanh hơn nhưng hầu như không gây bệnh nặng. 

"Các ca bệnh dường như ở thể nhẹ, song chúng ta cần thu thập thêm bằng chứng để xác định liệu số ca nặng khi nhiễm biến thể Omicron có khác với số ca nặng khi nhiễm các biến thể khác hay không", ông Marco Cavaleri giải thích.

 WHO và châu Âu nói khác nhau về mũi 3 - Ảnh 2.

Người dân đi lại trên một con phố mua sắm được trang trí Giáng sinh tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 8-12 - Ảnh: REUTERS

Để tăng cường miễn dịch, các nước vẫn đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm ngừa. Ngày 9-12, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép khẩn cấp cho người từ 16 đến 17 tuổi tiêm liều bổ sung vắc xin Pfizer-BioNTech sau mũi thứ 2 ít nhất 6 tháng. 

Cùng ngày, Viện Robert Koch của Đức khuyến nghị tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi có bệnh nền. Ngay cả các trẻ khỏe mạnh ở nhóm tuổi này vẫn có thể được tiêm nếu có nhu cầu.

Tại Áo, chính quyền công bố kế hoạch bắt buộc tiêm ngừa COVID-19 đối với người từ 14 tuổi với mức phạt lên đến 3.600 euro. 

Ngày 9-12, chính quyền Malta cũng thông báo bắt buộc người dân đeo khẩu trang trở lại tại những không gian trong nhà lẫn ngoài trời để để phòng biến thể Omicron. Trong khi đó, người dân ở Scotland được khuyến cáo không tổ chức tiệc tùng mùa Giáng sinh.

 WHO và châu Âu nói khác nhau về mũi 3 - Ảnh 3.

Người dân ở Seou, Hàn quốc xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: AFP

Số ca mắc COVID-19 tại nhiều nước châu Âu và châu Á vẫn đang tăng mạnh. Pháp phát hiện 61.340 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 11-2021, và 133 ca tử vong. Anh có thêm 51.342 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 131 ca nhiễm biến thể Omicron, và 161 ca tử vong.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 7.000 ca, trong khi số bệnh nhân nguy kịch tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn và hiệu quả của vắc xin giảm dần. 

Hàn Quốc đã tái áp đặt các hạn chế và áp dụng "thẻ vắc xin" từ ngày 6-12 nhằm hạn chế mọi hoạt động tụ tập và khuyến khích người dân tiêm chủng.

 Mỹ mở lại biên giới sau 20 thángDịch COVID-19 ngày 8-11: Mỹ mở lại biên giới sau 20 tháng

TTO - Từ ngày 8-11, Mỹ chính thức mở lại biên giới trên bộ và trên không cho các du khách nước ngoài đã tiêm ngừa đầy đủ, sau 20 tháng đóng cửa. Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn căng thẳng ở các nước châu Âu.

Nguồn bài viết