Các yếu tố thuận lợi trong năm 2020 đã đưa ngành dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ hai nhà cung cấp may mặc toàn cầu năm 2020, theo công bố của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - Ảnh: T.V.N.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết việc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố Việt Nam vượt Bangladesh để trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới năm 2020 (sau Trung Quốc) với giá trị hàng hóa tương ứng 29 tỉ USD "là phù hợp với bối cảnh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành năm 2020".
Theo bà Mai, dù Bangladesh có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, như giá nhân công rẻ, chịu nhận đơn hàng giá thấp với số lượng lớn..., nhưng dịch COVID-19 bùng phát sớm tại nước này năm 2020 đã khiến các nhà đặt hàng toàn cầu phải phân bổ lại hợp đồng cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, với lợi thế an toàn trong năm 2020 khi dịch COVID-19 bùng phát, ngành dệt may trong nước còn được hưởng lợi từ việc tham gia nhiều hiệp định thương mại, thu hút đầu tư từ các nước tăng nên tăng trưởng xuất khẩu khá tương đồng với đánh giá kết quả của WTO, từ mức 2,9% thị phần toàn cầu trong năm 2010 đã vươn lên 6,4% trong năm 2020.
"Sang năm, vị trí cung ứng toàn cầu của ngành dệt may Việt Nam chắc chắn sẽ có sự thay đổi khi các yếu tố thuận lợi từ môi trường sản xuất an toàn, vắng bóng dịch COVID-19 không còn là lợi thế. Hiện các doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn duy trì được tốt đơn hàng xuất khẩu, nhưng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn từ quý 4-2021 trở đi", bà Mai phân tích thêm.
Bảy tháng đầu năm 2021, theo Bộ Công thương, ngành dệt may xuất khẩu đạt 18,6 tỉ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.