Dẫn dắt đàn em

2 năm trước 211
Dẫn dắt đàn em - Ảnh 1.

TS Nguyễn Thanh Bình (phải) trao đổi công việc cùng TS Huỳnh Quang Vũ (trưởng khoa toán - tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: Q.L.

"Tôi muốn chia sẻ điều mình học, góp phần đào tạo sinh viên trong nước" - anh cho biết. Năm đó, anh chưa tới sinh nhật tuổi 26.

Dẫn bước sinh viên

Quê Đồng Tháp, Thanh Bình đậu vào lớp chuyên toán và rời quê lên TP.HCM học tại Trường phổ thông Năng khiếu. Nên cũng không nhiều bất ngờ khi ba năm sau đó, anh chàng trúng tuyển vào chương trình cử nhân tài năng khoa toán - tin học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Con đường học của anh cứ như một đường vẽ thẳng tắp vậy! Tóm gọn thế này: tốt nghiệp đại học thủ khoa toàn trường xếp loại xuất sắc, học viên một chương trình liên kết và tốt nghiệp xuất sắc thạc sĩ về toán ứng dụng tại ĐH Orleans (Pháp), tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh tại Pháp và bảo vệ luận án tiến sĩ về toán lý loại ưu tại ĐH Bách khoa Paris.

Nhưng một năm đầu sau ngày trở về công tác tại khoa toán - tin học, đã có lúc anh nghĩ đến việc quay lại Pháp vì cơ hội vẫn còn đó! Cuộc sống khá khó khăn, lại vừa lập gia đình, thu nhập theo mặt bằng chung vốn dĩ thấp để đảm bảo trang trải cuộc sống. Anh đi dạy thêm, nhận cả dự án làm ngoài giờ cho một vài công ty tin học.

Nhưng ý nguyện được hỗ trợ sinh viên trong nước trong anh không thay đổi. Bình tâm sự: "Sinh viên trường ngoan lắm, nhiều học trò của tôi rất chịu khó nên mình càng thấy vui khi có thể giúp thêm cho bạn nào đó".

Giúp thêm, theo cách của chàng tiến sĩ trẻ ấy chính là "xem giò xem cẳng" sinh viên từ năm thứ ba. Từ thế mạnh và chọn lựa của chính sinh viên, anh sẽ gợi mở hướng nghiên cứu, tập cho các bạn cách viết bài báo khoa học, cả quỹ thời gian học ngoại ngữ để tìm cơ hội săn học bổng du học.

Bằng cách đó, qua kết nối của anh với nhiều giáo sư tại các nước, đến nay có kha khá sinh viên của anh nhận được học bổng, hiện đang học sau đại học ở nhiều nơi. 

Trưởng khoa toán - tin học, TS Huỳnh Quang Vũ, nói về người đồng nghiệp từng là sinh viên của mình trước đây: "Từ lúc sinh viên, Thanh Bình cho thấy chí tiến thủ, ý thức và chuẩn bị tốt cho việc du học rồi, mà ĐH Bách khoa Paris vốn không phải là trường dễ xin được học bổng đâu".

Lối đi dưới chân mình

35 tuổi, Thanh Bình đang làm trưởng bộ môn ứng dụng tin học, cũng là trưởng bộ môn trẻ nhất của khoa hiện tại. Nhưng anh còn góp công lớn trong việc xây dựng chương trình, thiết kế ngành học khoa học dữ liệu. Có thể nói đây là ngành còn khá mới, chỉ mới tuyển sinh hai khóa nhưng được đánh giá khá hút với điểm trúng tuyển luôn nằm trong tốp đầu của trường.

Theo TS Huỳnh Quang Vũ, việc thầy Bình xây dựng lại khung chương trình đào tạo, thiết kế môn học, ngành khoa học dữ liệu mà trước đó là môn cơ sở toán học - tin học đã bước đầu tạo sự chú ý, thu hút học sinh hơn. Nhưng Bình không nhận công ấy cho cá nhân mà là tập thể giảng viên của bộ môn và khoa, anh chỉ là người kiểm tra, hoàn thiện chương trình.

Anh chọn nghiên cứu. Với hướng ứng dụng tin học, Bình hợp tác nghiên cứu mô hình máy học dự đoán chất lượng không khí, chế tạo thiết bị thu thập các chỉ số để ra các dự báo về không khí, đánh giá chất lượng không khí, hữu dụng trong xử lý ô nhiễm môi trường. 

Anh cũng đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận dạng côn trùng có hại qua hình ảnh camera các bệnh về lúa, khả thi trong nông nghiệp.

20 năm qua, anh còn có một tình bạn nghiên cứu trong nhóm bốn người. Ấy là những người bạn cùng lớp phổ thông, cùng đội tuyển đại diện trường đại học thi Olympic toán sinh viên, cùng du học và đều đã hoàn thành tiến sĩ ở nước ngoài. 

Trừ Nguyễn Thanh Bình chọn về nước, những người còn lại trong nhóm gồm: Hồ Sĩ Tùng Lâm, Đinh Cao Duy Thiên Vũ, Nguyễn Quang Thắng hiện làm việc tại Mỹ, Canada. Nhưng họ vẫn kết nối và nghiên cứu, cùng là tác giả công bố bài báo khoa học chung.

Và thầy Bình vẫn cặm cụi chỉnh sửa hồ sơ từng chút một, cả viết thư giới thiệu, gửi gắm học trò với giáo sư dù đã tuyển lựa các bạn kỹ càng trước khi gửi đi du học. Anh bảo mình vẫn quan sát và tìm mọi cách giúp sinh viên, nhất là những bạn khó khăn mà chịu học. 

"Trong khả năng của mình, tôi muốn tạo môi trường cho các bạn, những nhân tố mới. Tôi vẫn nói với sinh viên rằng sau này thành công, giúp được gì cho ai hãy ráng giúp" - anh Bình nói.

Bằng sáng chế tại Mỹ

Nguyễn Thanh Bình là chủ nhân của bằng sáng chế được cấp tại Mỹ hồi tháng 7-2021 liên quan đến việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sợi vải tự động trong lĩnh vực may mặc bằng cách sử dụng máy đo quang phổ. Ngoài ra, anh đã nộp hồ sơ và đang chờ xét duyệt ba bằng sáng chế quốc tế khác.

Các sáng chế liên quan đến xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán các lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sản xuất, đánh giá chất lượng sản xuất của các nhà máy may mặc một cách tự động thông qua dự liệu thẩm định lịch sử cũng như ước lượng rủi ro trong quá trình sản xuất.

Đến nay, anh đã có 55 công trình nghiên cứu khoa học, công bố chín bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế cùng một số bài báo được báo cáo tại một số hội nghị về trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới. Anh là một trong 10 nhà khoa học trẻ được Trung ương Đoàn trao giải thưởng khoa học công nghệ thanh niên Quả cầu vàng năm 2021, lĩnh vực công nghệ thông tin.

Phó giáo sư 8X để dành học bổng tiến sĩ toàn phần cho sinh viên Việt NamPhó giáo sư 8X để dành học bổng tiến sĩ toàn phần cho sinh viên Việt Nam

TTO - Ở tuổi 33, Nguyễn Văn Phúc đã trở thành phó giáo sư ngành khoa học máy tính (ĐH Texas tại Arlington, Hoa Kỳ), đồng thời là giám đốc phòng thí nghiệm hệ thống không dây và cảm biến của trường.

Nguồn bài viết