Người dân đốt xác nạn nhân qua đời vì COVID-19 tại một cơ sở hỏa thiêu ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24-4 - Ảnh: REUTERS
Lửa thiêu xác người biến thành lửa giận
Vào ngày 20-1-2021, tài khoản Twitter tên Vikram Chandra đăng dòng trạng thái nhân việc Tổng thống Biden đắc cử với nội dung: "Tổng thống Joe Biden giờ đã lãnh đạo nước Mỹ. Cả thế giới có thể thở lại lần nữa".
Chandra có vẻ là người quan sát khá kỹ tình hình chính trị Mỹ. Cụm từ "thở lại lần nữa" là câu hưởng ứng phong trào phản đối việc giết hại người da màu ở Mỹ sau cái chết của George Floyd.
Dòng tweet của Vikram không chỉ là trò chọc ghẹo thông thường, cũng chẳng liên quan gì tới việc yêu - ghét ông Biden hay cựu tổng thống Donald Trump. Thay vào đó, thái độ này phản ánh những tranh cãi trong lòng Ấn Độ đối với hình ảnh của người Mỹ những ngày này.
Nếu người ta ví các đợt bùng dịch COVID-19 trên thế giới là "làn sóng", Ấn Độ đang đối mặt với một cơn "cuồng phong".
Số liệu chính thức ngày 25-4 cho thấy quốc gia này có thêm 349.691 ca nhiễm mới, 2.767 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ tư liên tục người ta thấy Ấn Độ lập nên những kỷ lục không ai mong muốn về số ca nhiễm và số người chết.
Hình ảnh hiện lên cho từ khóa "Ấn Độ" những ngày này bị áp đảo bằng những bức ảnh gam màu nóng lò thiêu xác và cáng cứu thương.
Hiện nay, Ấn Độ đang làm hết khả năng trong việc cung ứng nguồn dưỡng khí phục vụ bệnh nhân, cũng như đương đầu với sự thiếu hụt vắc xin nghiêm trọng khi sự lây lan dịch bệnh đang có dấu hiệu mất kiểm soát, đặc biệt tại một quốc gia tới 1,2 tỉ dân.
Và trong cơn khốn cùng ấy, ngọn lửa từ lò thiêu xác ở Ấn Độ biến thành lửa thù hận. Cũng như Vikram, người Ấn đang chĩa mũi dùi vào Mỹ.
Tình nguyện viên kiểm tra oxy và cung cấp oxy miễn phí cho người dân ở Ghaziabad, Ấn Độ - Ảnh: REUTERS
Ông Biden đang chịu áp lực lớn
Tờ New York Times ngày 24-4 dẫn lại lời Adar Poonawalla, giám đốc điều hành Viện Serum Ấn Độ, một nhà sản xuất vắc xin, kêu gọi Tổng thống Mỹ Biden "dỡ lệnh cấm xuất khẩu vật liệu thô, để việc sản xuất vắc xin được nâng lên". Ai cũng khó như ai thôi. Bản thân Viện Serum Ấn Độ đang chịu sức ép trong nước cực lớn vì giá vắc xin cao.
Chính quyền Biden đang chịu áp lực lớn từ lời kêu gọi tháo gỡ lệnh cấm xuất khẩu vật liệu, nguồn cung y tế trong bối cảnh Ấn Độ gặp đại nạn.
Lệnh cấm này xuất phát từ Đạo luật sản xuất quốc phòng, dùng cho các tình huống đặc biệt khẩn cấp, được Tổng thống Biden duy trì từ tháng 2 nhằm tăng cường sản xuất vắc xin ở Mỹ.
Câu chuyện y tế ở Ấn Độ vì vậy có nguy cơ biến thành căng thẳng ngoại giao giữa nước này và Mỹ.
Hồi giữa tuần, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ tổ chức. Ngay lúc đó, dòng bình luận của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price được đưa ra đã khiến người Ấn chưng hửng khi ông cho rằng Mỹ sẽ tập trung cho người Mỹ, và "dĩ nhiên việc người Mỹ được tiêm vắc xin không chỉ là lợi ích của chúng tôi. Đó là lợi ích của phần còn lại trên thế giới khi người Mỹ được tiêm".
Người Ấn chưa thấy lợi ích ấy ở đâu, chỉ thấy các chính trị gia nước này nhanh chóng phản ứng.
Milind Deora, chính trị gia ở Mumbai, một trong những thành phố bị COVID-19 tàn phá dữ dội nhất Ấn Độ, viết trên Twitter: "Bằng việc trữ vắc xin và ngăn xuất khẩu các vật liệu quan trọng cần cho sản xuất vắc xin, Mỹ đang phá hoại mối quan hệ chiến lược Ấn Độ - Mỹ".
Ulka Kelkar, giám đốc chương trình về khí hậu tại World Resources Insitute văn phòng Ấn Độ, đặt dấu hỏi về luận điểm của Mỹ trong hai tình huống riêng biệt là vắc xin COVID-19 và khí hậu: "Thảm thật. Đây có phải cái mà "sự lãnh đạo của Mỹ" trong vấn đề khí hậu đang thể hiện không?".
Mỹ cam kết
Đầu tuần này, Tổng thống Biden nói Mỹ đã gửi một số lượng vắc xin dư cho Canada và Mexico, đồng thời cân nhắc chia sẻ thêm.
Người phát ngôn Price cũng nhắc lại thực tế Mỹ đã đóng góp 2 tỉ USD (và sẽ sớm tăng gấp đôi) cho việc phát triển vắc xin được phân phối qua COVAX, hiện được dùng ở Ấn Độ và một số nơi khác.
Hôm 25-4, trả lời Reuters qua email, một phát ngôn viên Nhà Trắng cũng cho biết Mỹ lo ngại sâu sắc trước tình hình gia tăng số ca nhiễm tại Ấn Độ, và đang gấp rút hỗ trợ thêm cho Chính phủ Ấn Độ cũng như nhân viên y tế tại quốc gia châu Á này.
Người nhà nạn nhân COVID-19 chuẩn bị giàn thiêu ở Ấn Độ - Ảnh: REUTERS
Phòng Thương mại Mỹ hôm 23-4 đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden xuất hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca đang được lưu trữ ở Mỹ để vận chuyển đến Ấn Độ, Brazil, cũng như các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề khác.
Báo chí Mỹ lẫn Ấn Độ hiện nay nhìn chung đang nhấn mạnh tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ, đặc biệt vai trò của Ấn Độ đối với chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.