Dân vận khéo, khó trăm lần dân liệu cũng xong

1 năm trước 144
Dân vận khéo, khó trăm lần dân liệu cũng xong - Ảnh 1.

Bà con phường 19, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cùng tổng vệ sinh góp phần xây dựng các tuyến hẻm xanh - sạch - đẹp - Ảnh: C.K.

Thí sinh Chu Thị Thanh Hải đến từ Đảng ủy phường 19 (quận Bình Thạnh) cho rằng việc "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" không chỉ là mục tiêu mà chính là động lực khơi dậy sức mạnh, nguồn lực trong dân khi đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.

Mỗi giải pháp đều thể hiện sự chủ động, hiệu quả, sức sáng tạo của người tham mưu, những người dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm mà mục tiêu cao nhất là phục vụ lợi ích chính đáng và hạnh phúc của nhân dân.

Bà NGUYỄN THỊ BẠCH MAI (phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM)

Đổi thay từ những con hẻm

Có nhiều phương châm, mô hình chị Hải rút ra khi tiếp xúc với bà con: 2G "Gần dân, giúp dân", 3C "Chia sẻ, chu đáo, ân cần", 3T "Thích ứng - thành thạo - trách nhiệm". 

Cùng với cấp ủy, chị với khu phố, tổ dân phố vận động bà con cùng góp sức nâng cấp một vài tuyến hẻm đã xuống cấp, nhất là mùa mưa thường ngập nước, rác từ cống ùn lên gây hôi thối, mất vẻ mỹ quan đô thị, gây khó khăn cho người dân đi lại.

Họp tổ dân phố, nhiều nhà đồng tình đóng góp nhưng cũng có những hộ chưa đồng thuận với lý do nhà phía sâu trong hẻm, neo người, già cả không có thu nhập. Chị Hải cùng mấy cô chú tổ dân phố đến từng hộ nắm tình hình, nói chuyện, thuyết phục bà con, ai có điều kiện góp thêm chút hỗ trợ hộ khó khăn hơn.

Kết quả mọi người ủng hộ được hơn 430 triệu đồng. Với sự giám sát chặt chẽ của dân, sau một tuần thi công, các tuyến hẻm hoàn tất và đưa vào sử dụng. Khỏi phải nói bà con vui thế nào, đã không còn cảnh nước ngập, rác nổi mỗi khi trời mưa, đường phẳng lì bà con chạy ro ro.

Phong trào "15 phút vì thành phố văn minh sạch đẹp", hưởng ứng mô hình "Vì Thị Nghè đường sạch, kênh xanh" cũng được bà con nhiệt tình hưởng ứng. Cứ 7h sáng chủ nhật hằng tuần, khắp các tuyến đường tại phường lại rộn rã tiếng cười, tiếng chổi của người dân cùng tổng vệ sinh làm cho các tuyến hẻm thêm xanh - sạch - đẹp.

Chị Hải chia sẻ: "Huy động sức dân đòi hỏi người làm công tác dân vận cần nhìn xa trông rộng, luôn đặt lợi ích của dân đầu tiên. Với những việc liên quan đến vận động đóng góp đều phải công khai minh bạch, rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa thì bà con sẽ đồng lòng ủng hộ. Việc khó vạn lần dân liệu cũng xong mà".

Mỗi ngày học và làm theo Bác

Phân nửa trong sáu bài thi vào chung kết bảng B là các đề xuất xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, với mong muốn mọi người sẽ "học và làm theo lời Bác" như một hoạt động mỗi ngày cả trong công việc lẫn cuộc sống. 

Thí sinh Phan Văn Hải Nam (Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh) bày tỏ: "Làm sao đó trở thành việc thấm sâu trong suy nghĩ, là việc làm thường xuyên, hằng ngày của mỗi cá nhân, và góp phần hình thành thói quen học tập và làm theo Bác của người dân TP".

Đề xuất triển lãm lưu động Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, anh Đỗ Tiến Đạt (Quận Đoàn 5) cho rằng có thể tổ chức thi "nhà em treo ảnh Bác Hồ" cho thiếu nhi. Trong khi chị Trương Thị Phương Mai - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường 5 (quận Tân Bình) - đề xuất ứng dụng nền tảng 4.0 xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Theo chị Mai, trang web cần tổng hợp đầy đủ nội dung liên quan đến văn hóa Hồ Chí Minh. Ở đó, mọi người có thể tìm hiểu về tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp, hành trình giải phóng dân tộc của Bác. 

Cũng trên không gian đó, những câu chuyện về Bác, giới thiệu các địa điểm không gian văn hóa Hồ Chí Minh, địa chỉ đỏ trên địa bàn TP và cả những tấm gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được tuyên dương.

Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Bạch Mai, cũng là trưởng ban chỉ đạo, cho rằng hội thi đã đạt được kỳ vọng ngoài sức tưởng tượng khi thu hút 900 đơn vị, hơn 80.000 thí sinh đăng ký và gần 146.000 lượt dự thi. 

"Những con số này rất ấn tượng, cao hơn gấp nhiều lần so với các năm trước. Đó không chỉ là sự lan tỏa mạnh mẽ mà tiêu chí cũng rất đơn giản, đúng tên gọi hội thi là tìm ra những cán bộ có khả năng tham mưu tốt, dân vận khéo" - bà Mai chia sẻ.

Hội thi do Ban Dân vận Thành ủy, Sở Nội vụ và Thành Đoàn TP.HCM phối hợp tổ chức, khởi động từ đầu tháng 9 bằng cách thi trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online.

Trước đó, vòng chung kết xếp hạng bảng A đã diễn ra ngày 19-11 với sáu thí sinh trải qua hai phần thi tự giới thiệu và xử lý tình huống, trả lời câu hỏi của ban giám khảo. Kết quả bảng A sẽ được công bố và trao giải trong lễ tổng kết sau khi bảng B hoàn thành vòng thi chung kết xếp hạng ngày mai.

'Tham mưu tốt - Dân vận khéo': Sôi nổi chung kết xếp hạng bảng A

TTO - Sáng 19-11, hội trường Cục Thuế TP.HCM sôi nổi với sự cổ vũ nồng nhiệt cho phần so tài của sáu thí sinh vào chung kết xếp hạng bảng A hội thi cán bộ TP.HCM "Tham mưu tốt - Dân vận khéo" 2022.

Nguồn bài viết