Dân TP.HCM đặt mua rau củ nhiều, bưu cục giao hàng không kịp

3 năm trước 525
Dân TP.HCM đặt mua rau củ nhiều, bưu cục giao hàng không kịp - Ảnh 1.

Hàng tấn rau, củ đủ loại từ Lâm Đồng, Đắk Lắk được Viettel Post nhập về điểm tập kết ở TP.HCM - Ảnh: HỮU ĐỨC

Thông tin từ Viettel Post cho biết hiện lượng hàng rau, củ được đơn vị bán ra tại hệ thống ở TP.HCM đạt 35-40 tấn mỗi ngày, tăng gấp 2,5 so với mức vài ngày trước đó.

Ngoài bán tại 23 điểm bưu cục, hiện đơn vị chủ yếu đẩy mạnh kênh đặt mua online và giao hàng tận nhà với mỗi ngày hơn 4.000 đơn hàng (mỗi đơn ít nhất 10kg), tăng gấp hàng chục lần so với ngày đầu mở bán (16-7). Tuy vậy, theo đại diện đơn vị này, hiện đơn vị chỉ giao được 3.000 - 3.500 đơn/ngày, còn lại phải xin "nợ" vào hôm sau.

Cũng theo vị này, việc đẩy mạnh mua bán online do người dân biết kênh mua, và công ty chủ trương phát triển hình thức bán này để hạn chế việc tụ tập, tiếp xúc.

Theo đó, rau củ được bán tại đây được nhập từ Lâm Đồng, Đắk Lắk và bán theo dạng "combo" với 4-6 loại rau củ, đồng giá 100.000 đồng/combo. 

"Nguồn hàng còn, giá ổn định, nên nếu nhu cầu người dân vẫn còn thì đơn vị vẫn có thể xem xét tăng thêm nguồn cung", vị đại diện này thông tin.

Trong khi đó, dù điều chỉnh giảm lượng rau, củ bán tại 10 điểm bưu điện xuống còn 2 tấn/ngày nhưng theo đại diện Bưu điện TP.HCM, hiện đơn vị đang chủ động tăng lượng bán hàng khô, trứng với lượng một lần nhập khoảng 20.000 quả. Đây là sản phẩm được đơn vị chủ trương tăng lượng bán nhờ dễ bảo quản, thời gian sử dụng được lâu.

Dân TP.HCM đặt mua rau củ nhiều, bưu cục giao hàng không kịp - Ảnh 2.

Hàng nghìn đơn hàng rau, củ mỗi ngày được giao đến cho khách - Ảnh: HỮU ĐỨC

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 20-7, ông Đinh Minh Hiệp - giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM - cho biết hiện đơn vị đang làm việc với đại diện sở nông nghiệp và phát triển nông thôn của 19 tỉnh, thành phía Nam để kết nối các nhà vườn, doanh nghiệp sản xuất cung ứng thực phẩm tươi sống cho các điểm bán tại TP.HCM, đặc biệt các điểm bán hàng lưu động như Viettel Post, Bưu điện TP.HCM.

Ngoài thông tin liên lạc, đơn vị xác định cụ thể về chủng loại hàng, sản lượng hàng, thời gian và hình thức phân phối để hỗ trợ kết nối.

"Hiện rau, củ, quả, trứng… tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam không thiếu, thậm chí giá ổn định, khâu vận chuyển cũng tạm ổn. Tuy nhiên, đầu ra tại TP chưa được thuận lợi, do chợ đầu mối và chợ truyền thống tạm ngưng quá nhiều. Đây cũng là lý do khiến hàng các tỉnh khó đến tay người dân TP hơn", ông Hiệp nhận định.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết ngoài việc vẫn giữ nguồn cung thực phẩm với mức tăng 200-300% so với bình thường tại nhiều siêu thị, có một đơn vị đăng ký tổ chức mở bán xuyên đêm hàng chục cửa hàng trên địa bàn TP bắt đầu từ ngày 19-7 để phục vụ sản phẩm thiết yếu cho người dân. Nhiều quầy thuốc đã tham gia bán thực phẩm lưu động.

Sở này cho biết hiện TP có 44/234 chợ truyền thống đang hoạt động. Tuy vậy, UBND các quận, huyện đang tích cực xử lý công tác phòng chống dịch để sớm đưa nhiều chợ truyền thống vào bán thí điểm với mặt hàng tươi sống.

"Với sự chỉ đạo của UBND TP, khả năng trong tuần này sẽ có nhiều chợ áp dụng mô hình bán thí điểm. Tuy nhiên, yếu tố đảm bảo dịch bệnh vẫn đặt lên hàng đầu, nên những chợ chưa đảm bảo, chưa có phương án phòng chống dịch hiệu quả thì vẫn tạm ngưng", vị đại diện khẳng định.

Cả tuần chưa giao hàng, giá tăng, các siêu thị nói gì?Cả tuần chưa giao hàng, giá tăng, các siêu thị nói gì?

TTO - Nhiều bạn đọc TP.HCM phản ảnh việc đặt hàng tại các siêu thị gặp khó, thời gian giao hàng quá lâu. Còn doanh nghiệp cho rằng giá rau, giá trứng tăng chủ yếu do giá đầu vào gánh thêm nhiều chi phí.

Nguồn bài viết