Du lịch Việt 'đi trước, về sau', Thủ tướng hỏi do cách làm hay trách nhiệm?

1 năm trước 107
Du lịch Việt đi trước, về sau, Thủ tướng hỏi do cách làm hay trách nhiệm? - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam - Ảnh: VGP

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 20 tỉnh thành có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng Việt Nam đã mở cửa du lịch từ 15-3-2021, trước nhiều nước trong khu vực, đồng thời khôi phục chính sách miễn thị thực và xuất nhập cảnh; không yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, dừng việc khai báo y tế, không phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch...

Nhờ vậy, toàn ngành du lịch, thị trường du lịch đã dần khôi phục, nhất là du lịch nội địa. Hoạt động du lịch tại các trung tâm diễn ra sôi động, nhiều địa phương ghi nhận lượng khách tăng vọt, doanh nghiệp lữ hành đã bắt đầu quay lại thị trường; mở thêm nhiều dịch vụ, hơn 90% cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đã hoạt động trở lại bình thường. 

Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới, đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm đều tăng cao.

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn hạn chế, khi 11 tháng của năm đón 2,9 triệu khách (tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19). 

Trong số 2,9 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 11 tháng của năm 2022 thì có 2,7 triệu khách du lịch (chiếm 93,1%).

Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. 

Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt hơn 23% so với kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở dù Việt Nam mở cửa nền kinh tế sớm, trong đó có mở cửa du lịch… là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, trong khi du lịch nội địa phục hồi mạnh, số lượng du khách vượt kế hoạch đề ra thì du lịch quốc tế vẫn có "điểm nghẽn".

Yêu cầu các ý kiến phân tích nguyên nhân tại sao du lịch quốc tế lại "đi trước, về sau", Thủ tướng đặt câu hỏi: "Do cơ chế hay cách làm? Do tổ chức thực hiện hay các bộ, ngành chưa làm đầy đủ trách nhiệm? Các doanh nghiệp đã làm gì? 

Đã đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực du lịch chưa? Sản phẩm du lịch có nhiều đổi mới sáng tạo chưa? Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã đưa vào ngành du lịch chưa? Công tác truyền thông, quảng bá du lịch đã xứng tầm chưa?".

Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề là chúng ta có quyết tâm khôi phục ngành du lịch, tạo sự phát triển đột phá trong năm 2023 hay không với việc thu hút khách du lịch quốc tế, lấy văn hóa làm nền tảng thúc đẩy phát triển du lịch.

Do đó, Thủ tướng mong các địa phương, ngành suy nghĩ và thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, đặc biệt trong thời điểm sôi động của du lịch quốc tế dịp Giáng sinh, Tết dương lịch, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.

Trước đó, thông tin từ ngành du lịch cho biết lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 không đạt mục tiêu dự kiến, nhiều ý kiến băn khoăn về chất lượng dịch vụ, sự thân thiện tại sân bay hay các "đặc sản" về thắng cảnh, văn hóa địa phương.

Mở cửa du lịch thì phải cho thế giới biết đến

Sáng 21-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Trước mắt du lịch Việt Nam làm sao đón được nhiều khách trong thời điểm sôi động của du lịch quốc tế dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, đồng thời bàn giải pháp lâu dài, căn cơ để phát triển ngành du lịch bền vững trong tương lai.

Các vấn đề về chính sách visa còn kém cạnh tranh, quảng bá xúc tiến du lịch còn hạn chế so với các nước trong khu vực cũng đã được các doanh nghiệp nêu ra và đề xuất kiến nghị.

Trong đó, đề xuất mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực, kéo dài thời hạn thị thực lên 30 đến 45 ngày và được ra vào nhiều lần, tương tự như Thái Lan. Xúc tiến văn phòng đại diện của ngành du lịch Việt Nam và tăng cường vai trò của các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel Holdings, cho rằng mở cửa thì phải cho thế giới biết đến nhưng du lịch Việt Nam đang làm công tác này rất lẻ mẻ, thiếu những chương trình lớn đủ có thể ảnh hưởng. Singapore, Thái Lan đều có những phòng xúc tiến ở các thị trường lớn, Việt Nam có thể nghiên cứu có "tham tan về du lịch" để đẩy mạnh hơn vai trò này.

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), một trong những nguyên nhân khiến cho du lịch Việt Nam "hụt hơi" dù mở cửa sớm là do chúng ta chưa có nhiều cơ chế đối thoại công tư để điều chỉnh chính sách thuận lợi và kịp thời, để phát hiện ra những rào cản kỹ thuật, để đề xuất những chính sách ưu đãi hấp dẫn mời gọi khách tới.

"Chúng ta đã đưa ra một số chỉ tiêu cho ngành du lịch nhưng chúng ta chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để đạt được các chỉ tiêu đó. Chúng tôi đề xuất Chính phủ cho thành lập một Tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ phục hồi du lịch, đặc biệt là du lịch quốc. Tổ công tác đặc biệt có nhiệm vụ xem xét các chính sách và cách thực hiện chính sách, đồng thời xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể quốc gia phục hồi và phát triển ngành du lịch", đại diện TAB đề xuất.

Trong khi chờ đợi các chính sách thay đổi, ông Vũ Thế Bình, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng trước mắt trong năm 2023, các doanh nghiệp chỉ mong chính sách visa hồi phục lại như trước dịch là 2019, để có thể tạo thuận tiện cho du khách. "Cứ hãy làm tốt những cái đã có từ evisa đến visa on arrival, những chính sách mà chúng ta đã làm rất nhanh nhẹn nhuần nhuyễn và đã tạo được hình ảnh tốt đẹp trước dịch, ông Bình nêu.

Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho rằng năm 2023 du lịch sẽ có thêm thách thức khi du lịch nội địa áp lực suy giảm do ảnh hưởng khó khăn các ngành kinh tế trong nước, thu nhập người dân giảm, chia sẻ nguồn khách trong nước với các thị trường, chương trình du lịch nước ngoài.

"Vì thế song song với nỗ lực, phục hồi du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần thiết tiếp tục duy trì, đẩy mạnh thị trường khách du lịch nội địa, phát động "người VN du lịch VN" và các chương trình liên kết kích cầu mùa thấp điểm năm 2023, khi du lịch quốc tế chưa thật sự phục hồi", ông Tài ý kiến.

N.BÌNH

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, ngành du lịch Việt Nam cần những điều kiện gì để thu hút du khách và cải thiện thứ hạng chót bảng như hiện nay?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Điều chỉnh chính sách thị thực

Ý kiến khác

Học làm như các nước lân cận

Tăng cường quảng bá, cải thiện dịch vụ

Du lịch Việt Nam Du lịch Việt Nam 'đội sổ': Các nhà quản lý, hoạch định chính sách đâu rồi?

TTO - Câu chuyện du lịch Việt Nam 'đi trước, về chót' tiếp tục là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Nhiều ý kiến bức xúc chỉ ra những hạn chế, đồng thời hiến kế để du lịch Việt Nam thoát khỏi cảnh chợ chiều.

Nguồn bài viết