Doanh nghiệp xin làm cụm công nghiệp gần 'vùng đệm' Vườn quốc gia Tràm Chim

2 năm trước 177
Doanh nghiệp xin làm cụm công nghiệp gần vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh 1.

Các nhà khoa học lo ngại việc xây dựng cụm công nghiệp gần Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Ngày 30-5, ông Trần Thanh Nam - chủ tịch UBND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - xác nhận: "Đến nay, tỉnh Đồng Tháp chưa chấp thuận chủ trương xây dựng cụm công nghiệp, dù doanh nghiệp đã có đề xuất mở rộng ở khu vực gần Vườn quốc gia Tràm Chim. 

Ý muốn của tỉnh có thể là đặt xa khu vực vườn quốc gia này, còn cụ thể bao nhiêu phải đợi. UBND tỉnh có giao cho huyện làm việc với chủ đầu tư rồi nên hiện nay chờ tỉnh quyết định. Nếu đặt cụm công nghiệp này thì phải mời các nhà khoa học làm hội thảo xem có ảnh hưởng Vườn quốc gia Tràm Chim hay không".

Trước đó, doanh nghiệp đã đề xuất xây dựng cụm công nghiệp với quy mô rộng 60 hecta, trên cơ sở mở rộng của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh hiện nay, nằm ở xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông. Hơn một năm, tại vị trí này doanh nghiệp đã xây dựng nhà máy gạch men rộng 25ha, công suất 15 triệu m2 gạch mỗi năm, tổng kinh phí đầu tư trên 1.100 tỉ đồng.

Vị trí cụm công nghiệp theo đề xuất nằm liền kề nhà máy, mở rộng về phía Vườn quốc gia Tràm Chim - Ramsar thứ 2.000 của thế giới. Đặc biệt vườn quốc gia ở miền Tây là nơi nhiều năm qua sếu đầu đỏ về kiếm ăn, trú ngụ. Loài sếu quý hiếm thường kiếm ăn ở khu A5 vườn quốc gia, gần vị trí cụm công nghiệp nhất.

TS Dương Văn Ni, chuyên gia Quỹ bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (MCF), người nhiều năm nghiên cứu về hoạt động bảo tồn ở Tràm Chim và là thành viên của đoàn khảo sát, cho biết vị trí đặt cụm công nghiệp nằm hoàn toàn trong vùng đệm, cách ranh vườn quốc gia (khu A5) 300 - 700m. Điều này đã vi phạm quy định vùng đệm của Luật đa dạng sinh học, tác động nguy hiểm vùng lõi Ramsar.

Từ đề xuất của doanh nghiệp, UBND huyện Tam Nông đã có công văn về việc "dịch chuyển vị trí quy hoạch thành lập cụm công nghiệp Phú Hiệp và đánh giá ảnh hưởng của cụm công nghiệp Phú Hiệp tới Vườn quốc gia Tràm Chim". Tuy nhiên, đề xuất của huyện Tam Nông chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Dựa theo bản đồ "Quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Đồng Tháp - Sơ đồ định hướng phát triển không gian vùng", toàn bộ diện tích dự kiến xây dựng cụm công nghiệp Phú Hiệp nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim đã được tỉnh Đồng Tháp quy hoạch là vùng bảo tồn cảnh quan. 

Vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim nằm xung quanh vùng lõi, bao gồm 5 xã Phú Thọ, Phú Thành B, Phú Hiệp, Phú Đức, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim, tổng diện tích khoảng 16.858 ha. Vườn quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 của thế giới, và là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam.

Doanh nghiệp xin làm cụm công nghiệp gần vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh 2.

Việt Nam có 9 Ramsar được thế giới công nhận, trong đó có Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

"Vị trí và các hạng mục hoạt động của dự án 'Cụm công nghiệp vật liệu xây dựng Phú Hiệp' vừa vi phạm quy định vùng đệm của Luật đa dạng sinh học (2008), vừa có tác động nguy hiểm đến vùng lõi Vườn quốc gia Tràm Chim", TS Ni cho biết.

Báo cáo của các chuyên gia đoàn khảo sát gửi UBND tỉnh Đồng Tháp, nêu nước thải từ sản xuất, dù công ty có phương án chứa và xử lý nước thải bên trong cụm công nghiệp, song địa hình cao, việc tích nước sẽ gây thấm ngang. Đáng lo ngại là khi nhà máy khai thác hết tầng đất sét, đến lớp phù sa cổ không có khả năng chống thấm, việc rò rỉ nước thải ra sông rạch, thấm sâu xuống tầng nước ngầm là khó tránh khỏi.

Vì vậy tỉnh Đồng Tháp chưa thống nhất vị trí lập cụm công nghiệp do doanh nghiệp đề xuất. Lãnh đạo tỉnh giao chính quyền huyện Tam Nông làm việc với doanh nghiệp đề xuất phương án điều chỉnh vị trí cụm công nghiệp về phía giáp ranh huyện Tân Hồng, tránh gây ảnh hưởng môi trường vườn quốc gia.

Vườn quốc gia Tràm Chim gồm 5 phân khu, trong đó A1 và A5 được cho hoạt động du lịch, A2 là bãi đẻ của chim, A3 bảo tồn các loài cá, A5 là bãi kiếm ăn chính của sếu đầu đỏ - loài chim quý nằm trong Sách đỏ. Một vài năm gần đây sếu không về Tràm Chim, do việc quản lý không phù hợp, tác động của con người đến bãi ăn, trú ngụ của chúng.

Hiện Việt Nam có 9 Ramsar được thế giới công nhận. Ở ĐBSCL, ngoài Tràm Chim còn có Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An).

​Vườn quốc gia Tràm Chim trở thành di tích cấp quốc gia​Vườn quốc gia Tràm Chim trở thành di tích cấp quốc gia

Thông tin từ Bộ VH,TT&DL cho biết, cơ quan này đã có quyết định xếp hạng thêm sáu di tích quốc gia (trong đó có hai di tích lịch sử, hai di tích kiến trúc nghệ thuật và hai danh lam thắng cảnh).

Nguồn bài viết