Bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam tìm hiểu các sản phẩm nông sản Việt Nam - Ảnh: TRUNG KIÊN
Chia sẻ bên lề hội thảo "Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Doanh nghiệp Việt tận dụng thời cơ hợp tác vàng sau COVID-19" được tổ chức tại TP.HCM ngày 28-4, ông Ken D. Dương, giám đốc điều hành Công ty Luật quốc tế TDL, cho biết Mỹ là thị trường vô cùng tiềm năng đối với nhiều sản phẩm Việt Nam.
Và để khai thác thị trường này, không nhất thiết phải sang Mỹ mở công ty mới bán được hàng, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn đang rất thành công ở thị trường này.
"Tùy quy mô hoạt động mà các doanh nghiệp lựa chọn phương thức đưa vào hàng Mỹ phù hợp. Nếu như doanh nghiệp siêu nhỏ cần tận dụng kênh online thì các doanh nghiệp vừa nên tự mở nhà phân phối hay văn phòng đại diện thay vì xuất khẩu qua một đơn vị khác, dẫn đến không nắm được thông tin thị trường, thị hiếu", ông Ken D. Dương khuyến nghị.
Và dù phát triển thị trường qua kênh nào, các doanh nghiệp phải luôn đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình, tránh tình trạng tranh chấp thương hiệu như gạo ST25.
Hiện Công ty Luật quốc tế TDL đang hỗ trợ gạo ST25 thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường Mỹ, kịp hoàn tất trong tháng 4-2021.
Ông Alexander Tatsis, Tham tán kinh tế, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho biết cơ hội đưa hàng Việt sang Mỹ đang rất lớn. Từ năm 2020, chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều thay đổi do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó Việt Nam, đẩy nhu cầu hàng hóa từ Mỹ tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, những sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường này như ống hút thân thiện môi trường, thực phẩm organic... ngày càng được đón nhận bởi người tiêu dùng Mỹ.
Bà Mary Tarnowka, giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AMCHAM) cho biết kim ngạch thương mại hai chiều không chỉ mang tính bổ sung cho nhau mà ngày càng thể hiện tính gắn kết khi tham gia trong các chuỗi cung ứng hàng hóa.
"Mỹ đang có nhu cầu cao về các sản phẩm của Việt Nam như: găng tay y tế không bột, đồ gỗ - nội thất, sản phẩm công nghệ cao phục vụ công nghệ thông tin, cũng như đang tiêu thụ các sản phẩm nông sản nhiệt đới từ Việt Nam. Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và sự phát triển của Việt Nam cũng tác động tích cực đến thị trường Mỹ cả về xuất khẩu nguyên liệu và cung ứng sản phẩm tiêu dùng" bà Mary Tarnowka nói.
Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2021, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,2 tỉ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng có kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên như nội thất, dệt may, giày dép, máy vi tính, linh kiện điện tử…