Nhiều doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu lương thực, thực phẩm vẫn kêu gặp khó trong vận chuyển nông sản - Ảnh: NAM TRẦN
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với một số hiệp hội, doanh nghiệp về cung ứng, xuất khẩu lương thực, thực phẩm chiều 10-8, cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần thống nhất lưu thông 'luồng xanh' giữa các địa phương, đẩy nhanh và mở rộng năng lực cấp phép luồng xanh...
Ông Võ Việt Dũng, giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, cho biết do vài đơn vị có công nhân mắc COVID-18 không làm việc, doanh nghiệp vẫn phải tăng số lượng lên từ 300 - 400% để phục vụ cho các hệ thống siêu thị tại Hà Nội.
"Tuy nhiên việc phê duyệt luồng xanh vẫn còn chậm, do đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến với cơ quan liên quan của TP Hà Nội để đẩy nhanh quá trình phê duyệt các phương tiện luồng xanh.
Đồng thời đề nghị TP Hà Nội thống nhất, tạo điều kiện hết sức cho lực lượng sản xuất, chế biến thực phẩm, hàng thiết yếu và các bên phân phối để lưu thông hàng hóa từ chuỗi sản xuất cho đến phân phối" - ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Như So, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho biết hiện nay, vẫn có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu trong việc kiểm soát phương tiện.
"Doanh nghiệp chúng tôi làm theo chuỗi, phòng dịch rất nghiêm ngặt nên không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, chỉ lo vấn đề vận chuyển. Bộ cần làm việc với ngành giao thông để thống nhất cả nước trong vấn đề lưu thông" - ông So kiến nghị.
Bà Phạm Hồng Mai, chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Thiên Vương, cho hay một số chốt kiểm soát dịch hoạt động quá cứng nhắc, chưa tạo điều kiện hỗ trợ cho các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng đông lạnh cần lưu thông nhanh chóng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định những kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, bộ đã và sẽ tiếp tục kiến nghị tới Thủ tướng hoặc chỉ đạo trực tiếp từng tỉnh thành để tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp.
"Về ách tắc trong vận chuyển nông sản, hàng hóa, bộ sẽ tiếp tục đề nghị với Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo gỡ khó cho các cung đường ở tuyến xã, phường để các doanh nghiệp đưa hàng hóa đến tận thôn, xóm.
Bộ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng bộ lập danh sách cơ sở chế biến nông sản đủ năng lực để mở hạn mức cho vay, khoanh nợ, giãn nợ nhằm duy trì chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa" - ông Tiến nói.