Nguyễn Khánh Ly đã tìm được công việc part-time giữa mùa dịch với mức thu nhập trên 3 triệu đồng - Ảnh: HÀ QUÂN
Từng làm ở tiệm spa, Đặng Huyền Trâm (29 tuổi) không mất thời gian để nhận lời "gật đầu" phỏng vấn từ vài doanh nghiệp.
Sau khi xem qua các đề nghị, Trâm nhận công việc ở một siêu thị mini. Việc chủ yếu là sắp xếp, bày bán hoa quả; nhận hàng và kiểm hàng mỗi ngày; tư vấn cho khách hoa quả theo mùa; thu ngân…
"Mình có thể nhận việc vào tháng 3 tới. Mỗi ca 8 tiếng/ngày, 5 ngày một tuần, nghỉ thứ bảy và chủ nhật. Hai tháng đầu, mình phải đi đến một cửa hàng ở xa hơn nơi đã chọn để tích lũy kinh nghiệm. Nếu liên tục đạt đủ KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc - PV) thì công ty cân nhắc hỗ trợ khóa đào tạo và cất nhắc vị trí cửa hàng phó", Trâm tâm sự.
May mắn tìm việc part-time tại một công ty vào tháng 3 tới, Nguyễn Khánh Ly - 19 tuổi, sinh viên Trường đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội - cho hay bản thân còn phải đi học nên chọn ca chiều. Công việc kéo dài trong 4 tiếng, mức lương 30.000 đồng/giờ.
"Nếu làm chăm chỉ, mỗi tháng mình sẽ có thu nhập trên 3 triệu đồng. Mình chọn đi làm sớm để đỡ chi phí sinh hoạt cho bố mẹ và tích lũy kinh nghiệm trước khi ra trường. Mình mới phỏng vấn vòng 1, sau đó gửi hồ sơ cho công ty sau. Kinh nghiệm tìm việc là tới trung tâm việc làm uy tín để kết nối với doanh nghiệp, tránh tiền mất tật mạng, được hỗ trợ đến lúc đi làm… ", bạn Ly chia sẻ.
Nhiều nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp với lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh sau Tết - Ảnh: HÀ QUÂN
"Đỏ mắt" tìm lao động mới sau Tết, chị Vũ Thị Hạnh, trưởng phòng hành chính nhân sự Công ty Thuận Phát (Đống Đa), đưa ra nhiều chế độ như lương 10-13 triệu/tháng, thưởng thêm theo doanh thu, làm việc tại nhà…
Kết hợp phỏng vấn trực tuyến và trực tiếp, chị Hạnh lọc ra được một số ứng viên tiềm năng. Với chỉ tiêu 30 nhân viên kinh doanh, kế toán cho văn phòng ở Hà Nội và nhà máy tại Hưng Yên, chị Hạnh phải mất thêm nhiều buổi phỏng vấn nữa để đáp ứng nhu cầu của công ty.
Nguyên nhân là do vị trí nam giới dưới 45 tuổi, tốt nghiệp đại học, am hiểu các thủ tục kinh doanh và có kiến thức pháp luật, năng động và trải nghiệm nhiều không dồi dào như mong muốn.
Trong khi đó, anh Vũ Thái Hoàng, chủ cửa hàng Apolo Shop (Thanh Xuân, Hà Nội), cho hay do ảnh hưởng của dịch, sinh viên chưa lên trường nhiều nên rất khó tìm nhân viên mới.
"Mình phải đăng bài trên Facebook để tìm người nhưng không khả quan lắm. Do chủ yếu bán hàng online nên ứng viên chỉ cần trung thực, nhanh nhẹn, hoạt ngôn, ứng biến tốt khi giao tiếp với khách.
Telesale (bán hàng qua điện thoại - PV) không cần có kinh nghiệm, cứ đi làm sẽ được đào tạo 3-5 ngày. Lương cứng khoảng 20.000 đồng/giờ, mỗi đơn nhận thêm hoa hồng tùy giá trị phụ kiện. Mỗi tháng được trợ cấp thêm 500.000 đồng xăng xe, ăn uống", anh Vũ Thái Hoàng chia sẻ.
Ông Vũ Quang Thành, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động, thương binh và xã hội Hà Nội), dự báo quý 1-2022 nhu cầu tuyển dụng khoảng 80.000 - 100.000 chỉ tiêu. Một số nhóm, lĩnh vực ngành nghề tuyển nhiều gồm bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú…
Theo ông Thành, sau Tết, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển lao động phổ thông do nhiều lao động chọn ở lại quê tìm kiếm cơ hội. Đó là cơ hội cho người trẻ hoặc sinh viên mới ra trường muốn tìm việc vị trí không yêu cầu kinh nghiệm. Chỉ tiêu cho người trẻ từ 18-25 tuổi chiếm trên 45% tổng số 1.030 chỉ tiêu tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội.