Doanh nghiệp có tiền muốn đầu tư nuôi biển nhưng lại vướng thủ tục

2 năm trước 123
Doanh nghiệp có tiền muốn đầu tư nuôi biển nhưng lại vướng thủ tục - Ảnh 1.

Hội thảo quốc gia về nuôi biển năm 2022 - Ảnh: NCHMF

Sáng 3-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo quốc gia nuôi biển Việt Nam năm 2022.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết đến nay diện tích nuôi biển ước đạt 80.000ha, sản lượng đạt trên 750.000 tấn. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp nói riêng.

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ,…

"Nếu như nuôi biển được phát huy thì những tiêu chí, yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính đều đáp ứng được" - ông Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng phát triển ngành nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là phát triển nuôi biển công nghiệp như quy hoạch và thực hiện quy hoạch nuôi biển chưa tốt, hoạt động nuôi tự phát, phá vỡ quy hoạch còn phổ biến dẫn đến ô nhiễm môi trường.

Hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp chưa phát triển đồng bộ, nguồn lực cho phát triển nuôi biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn hạn chế...

Theo ông Tiến, nếu không đẩy mạnh được nuôi biển từ nay đến năm 2025 thì không có tiền đề để đạt 1,4 triệu tấn nuôi biển vào năm 2030.

"Sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của ngành, doanh nghiệp có vốn, điều kiện nhưng lại vướng thủ tục hành chính, vướng đầu tư,… Phải tạo môi trường thuận lợi, ghé vai vào cùng doanh nghiệp" - ông Tiến nói.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành chia sẻ Quảng Ninh vẫn luôn đau đáu, trăn trở vì sao có vùng biển được đánh giá nhiều tiềm năng về vùng nước, chất lượng để phát triển, nhiều khu bảo tồn, nhưng vì sao nhiều năm qua tỉ lệ nông nghiệp chỉ chiếm 3%, trong đó kinh tế thủy sản chiếm một nửa, trước tiềm năng như vậy thì đây là câu hỏi?

"Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các kế hoạch, quy hoạch về nuôi biển nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa đạt được như mong muốn. Tỉnh mong muốn các ý kiến thảo luận nêu ra những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư phát triển nuôi biển tại Quảng Ninh để tháo gỡ, nhằm đưa nuôi biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh" - ông Thành chia sẻ.

20.000 tỉ đồng đầu tư cho nuôi biển

Theo đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 được Thủ tướng phê duyệt năm 2021, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỉ USD.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, sản lượng đạt 1,45 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt 2 tỉ USD.

Tầm nhìn đến 2045, ngành nông nghiệp nuôi biển nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỉ USD.

Đề án hướng tới hình thành các vùng nuôi biển xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 19.540 tỉ đồng sẽ được đầu tư để tập trung phát triển nuôi biển.

Kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biểnKêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nuôi biển

TTO - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển (nuôi trồng thủy sản trên biển) sẽ góp phần xây dựng hệ sinh thái nuôi biển đảm bảo bền vững tại vùng khơi, vùng lộng và vùng bờ.

Nguồn bài viết