Đoàn khách Nga đầu tiên đến thăm Khánh Hòa đợt thí điểm đón khách quốc tế vừa qua - Ảnh: MINH CHIẾN
Các đề nghị được đưa ra tại hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch phối hợp Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và Hội đồng Tư vấn du lịch tổ chức chiều 24-1 theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến với nhiều địa phương.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì hội thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương về việc đề xuất Chính phủ cho mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn từ ngày 30-4.
Không mở cửa sớm, doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng
Là người vài ngày trước đề nghị với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch trong một hội nghị về du lịch rằng bộ này nên trình Chính phủ đồng ý mở cửa đón du khách quốc tế hoàn toàn từ 30-4, ông Trương Gia Bình - trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - khẳng định thật vô lý nếu không mở cửa du lịch hoàn toàn.
Với lý do "có mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy", ông Bình cho rằng "việc thí điểm đón khách quốc tế vừa rồi cho thấy việc mở cửa đón khách chẳng ảnh hưởng gì đến tình hình dịch bệnh ở Việt Nam".
Thứ hai, nếu không sớm mở cửa du lịch hoàn toàn là đi ngược lại chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, khôi phục kinh tế của Chính phủ.
"Không mở cửa du lịch quốc tế sớm thì ai cung cấp việc làm cho 2,5 triệu người làm du lịch và nhiều triệu người liên quan khác. Nhiều doanh nghiệp hiện đang 'đau nặng', đã hết sức chịu đựng… Chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội ngàn năm nếu không mở cửa du lịch bây giờ", ông Bình nói.
Phó tổng giám đốc Vietnam Airline Trịnh Hồng Quang và phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình thậm chí đề xuất mở cửa hoàn toàn từ ngày 1-2. Ông Trần Trọng Kiên - chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch - thì đề xuất thời điểm mở cửa là 1-3, còn đại diện Hà Nội là 1-4.
Theo ông Bình, sẽ không có cái lò xo nén về nhu cầu du lịch sau đại dịch nào như ngành du lịch từng kỳ vọng nếu chúng ta không làm gì. Hiện nay việc chống COVID-19 của Việt Nam đã tốt hơn nhiều, nên mở cửa du lịch chứ không "rụt rè thí điểm" nữa.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thúy Anh - chuyên gia dịch tễ học - cũng đề nghị mở cửa luôn vì chúng ta đang có tỉ lệ miễn dịch cộng đồng lớn. Tiếp tục đóng cửa du lịch cũng không làm giảm lây lan dịch bệnh hay ngăn được Omicron không vào Việt Nam.
Nhưng để mở cửa du lịch quốc tế thì phải khắc phục được hiện tượng chính sách từ Chính phủ là thích ứng an toàn, hiệu quả nhưng một số tỉnh vẫn theo đuổi zero COVID-19.
Khách Việt được làm gì, khách quốc tế cũng được như thế
Đây là đề nghị của ông Trương Gia Bình và một số đại biểu khác tại hội thảo. Đại diện Hà Nội và Vietnam Airlines cũng đề nghị bỏ cách ly với khách du lịch và chính sách visa phải trở lại như trước COVID-19.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam mạnh dạn đề xuất mở rộng thêm số quốc gia được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thời điểm trước năm 2020 khi chưa có dịch COVID-19.
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết hiệp hội sẽ có công văn gửi lên Thủ tướng về việc này.
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công an, nhìn vào con số hơn 8.500 khách quốc du lịch quốc tế vừa đón được thì có tới 4.500 là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có chồng/vợ người Việt đã qua đường du lịch này để về nước. Vì thế con số khách du lịch quốc tế thực sự đón được không nhiều, nhu cầu của khách quốc tế đến Việt Nam du lịch hiện nay không lớn.
Trong khi đó, tiếng nói từ doanh nghiệp lại cho rằng chính việc "mở hé cửa", những quy định khắt khe trong đón khách khiến chưa thu hút được nhiều khách du lịch.
Ủng hộ mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn từ 30-4, đại diện Sở Du lịch TP.HCM cũng đưa ra đề xuất thay đổi quy định trong việc đón khách quốc tế vào Việt Nam ở quy định khách phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay tới Việt Nam, chứ không phải 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Lý do nhiều khách phải bay đường dài, có khi mất 24 giờ để đến được Việt Nam thì quy định 72 giờ trước khi nhập cảnh rất bất cập.
Đón trên 8.500 khách, 27 khách dương tính với COVID-19
Báo cáo tại hội thảo, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam được triển khai từ tháng 11-2021, tính đến ngày 23-1, đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam.
Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada... Trong đó, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách. Đà Nẵng và Quảng Ninh chưa đón được khách du lịch.
Trong số khách này có 27 trường hợp xét nghiệm dương tính với COVID-19, tuy nhiên chỉ có 1 trường hợp phải điều trị ở cơ sở y tế tại Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), các trường hợp còn lại đều không có triệu chứng, được cách ly theo dõi tại khách sạn và có kết quả xét nghiệm âm tính sau 3-5 ngày.