Đều đặn những chuyến container của Công ty vận tải Á Châu (quận 12, TP.HCM) chở tôm, cá, rau củ, thực phẩm cứu trợ từ Quảng Bình đến TP.HCM - Ảnh: Q.AN
Dù có nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh nhưng tình trạng ùn ứ, ách tắc vẫn thường xuyên xảy ra gây khó khăn, thiếu hụt phương tiện vận chuyển. Trong khi các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bằng container về các tỉnh, thành ở miền Tây, miền Trung hoặc khu vực Tây Nguyên thường chạy rỗng quay trở lại TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP.HCM) - cho rằng nên tận dụng chi phí thừa trong vận hành các xe container để vận chuyển nông sản, củ quả từ các tỉnh trở lại TP.HCM. Sau đó tập kết tại các chợ đầu mối hoặc điểm trung chuyển để giao hàng.
Theo ông Thanh, nếu xe tải chuyên chở hàng nông sản từ 5-8 tấn thì mỗi container có thể chở 30 tấn.
Một chuyến xe chở hàng từ TP.HCM - Vĩnh Long với giá cước khoảng 5 triệu đồng thường quay đầu chạy rỗng. Nếu có hàng hóa ngược lại, doanh nghiệp sẵn sàng giảm giá cước 50-60%, thậm chí chỉ tính tiền xăng dầu. Xe container hoạt động liên tục, chủ yếu vào ban đêm nên chở hàng có thể đến TP.HCM vào rạng sáng.
Ông Lâm Đại Vinh - giám đốc Công ty TNHH Lâm Vinh (quận 7, TP.HCM) - cho biết tính toán thời gian giao hàng, đường sá thuận tiện thông thoáng để xe quay đầu trở lại TP.HCM kịp trả container cho chủ tàu, doanh nghiệp sẵn sàng vận chuyển góp phần giải bài toán khan hàng hóa, nhất là rau củ tại TP.HCM hiện nay.
Ông Vinh cho rằng cần phải có đầu mối kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, cùng sự hỗ trợ của hãng tàu để giãn thời gian lên hàng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Văn Quản - chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho biết hiệp hội đã kết hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương TP sẵn sàng tham gia vận chuyển hàng hóa, kể cả việc tận dụng chiều rỗng hoặc khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh, thành phố và ngược lại.
Hiện tại, các đơn vị có nhu cầu chuyển hàng có thể liên lạc với hiệp hội để điều phối các doanh nghiệp có tuyến vận chuyển phù hợp và linh động.
Doanh nghiệp logistics 'sốt ruột' chờ hướng dẫn sau khi TP.HCM siết chỉ thị 16
Ngày 23-7, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa có văn bản đề nghị UBND TP và các sở ngành tháo gỡ khó khăn khi thực hiện yêu cầu tài xế phải có mã QR khi đi qua các chốt kiểm dịch tại cửa ngõ TP.HCM.
Theo thống kê nhanh của VLA, trên 70% lượng xe vận tải container chưa được cấp mã QR dù phần lớn đã đăng ký qua các đầu mối cảng. Nếu lượng xe này không được đi qua các chốt kiểm dịch sẽ gây đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa sản xuất, ùn tắc cảng biển và các khu công nghiệp...
VLA đề nghị Sở GTVT TP.HCM có thêm cơ chế cấp nhanh mã QR và có số hotline hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, đồng thời tạm thời chưa áp dụng điểm này cho đến khi Sở GTVT cấp hết các hồ sơ tồn đọng...
Grab, Be, Gojek cho biết cũng đang chờ đợi hướng dẫn chi tiết để xây dựng kế hoạch điều chỉnh hoạt động.