Diễn đàn 'Nổi tiếng không nhờ ngoại hình' - Kỳ 4: Đừng mua sự nổi tiếng bằng... khoe thân

2 năm trước 171
 Đừng mua sự nổi tiếng bằng... khoe thân - Ảnh 1.

Không khó để thấy những hình ảnh khá “mát mẻ” trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay - Ảnh: PEXELS

Bằng tài năng và tâm huyết lan tỏa các giá trị tử tế cho cộng đồng, nhiều YouTuber, TikToker, Facebooker đã xây dựng được thương hiệu riêng đáng ngưỡng mộ. "Quả" gặt sau một quá trình phấn đấu miệt mài, bền bỉ tất nhiên ngọt ngào dư vị bền lâu. 

Tiếc rằng không ít người vội vàng, hời hợt, nông cạn tìm cách "nổi... tai tiếng" bằng muôn chiêu trò tận dụng ngoại hình, khoe thân đầy kệch cỡm.

Có cô người mẫu tự do khuấy đảo cộng đồng mạng bằng bộ ảnh đậm mùi dung tục trong không gian trầm mặc, cổ kính, nên thơ của phố cổ Hội An: một chiếc nón hững hờ che chắn vòng một, một cái lưng trần uốn éo khiêu gợi...

Có người mẹ trẻ dẫn theo cậu con trai thong dong vãn cảnh chùa, ngắm danh thắng và chụp vô số ảnh "thả rông" vòng một rồi vô tư đăng lên mạng xã hội mặc cho dư luận phản ứng...

Và vô số người trẻ đang "tạo sóng" và "làm màu" trên không gian mạng bằng hình ảnh phản cảm, thu hút lượt view bằng sự lấp ló của mấy bộ phận nhạy cảm sau trang phục mỏng tang, sẵn sàng cởi trước lời thách đố của khán giả...

Một "kịch bản" quá xưa cũ luôn được tái sử dụng để tạo phông nền cho sự nổi tiếng của một ai đó vừa chân ướt chân ráo vào showbiz hay kiếm tiền từ mạng xã hội. 

Chiêu trò đánh bóng tên tuổi này quả là chưa bao giờ chìm nghỉm dẫu cho xã hội có biến thiên thế nào, pháp luật có xoay chuyển theo hướng nghiêm khắc hơn, cứng rắn hơn.

Người ta dễ dàng bỏ một cái giá khá đắt để mua lấy sự nổi tiếng thế kia? Người vô danh muốn "nổi" làm thế đã đành. Người có chút danh cũng hành động không kém phần thô thiển. 

Một người đẹp gắn với danh xưng "nữ hoàng", dẫu là tự phong, tự xưng, tự gán ghép đã hiên ngang đến dự sự kiện điện ảnh quốc tế với chiếc váy "mặc như không". Cách ăn mặc thật sự phản cảm thể hiện phông văn hóa thấp kém và làm xấu xí vô cùng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Báo Việt lên tiếng phản ứng, báo chí quốc tế giật những cái tít "hú hồn", bạn bè nơi nơi bình luận "sởn cả gai ốc". 

Dù vậy, cô ấy vẫn khá "tự tin" với sự lựa chọn của mình. Đó là chưa kể cô nàng còn kêu gọi đàn em "nối bước": "Chỉ còn 2, 3 ngày nữa, Cannes sẽ kết thúc, ai muốn đu theo chị thì đu nhe".

Rồi không lâu sau con mắt của cộng đồng mạng lại phải "nheo" và con tim chúng ta nhức nhối vô cùng khi một người đẹp nữa chúc người hâm mộ ngủ ngon bằng hành động không thể nào xấu xí hơn, lố bịch hơn, phản cảm hơn: tấm ảnh cởi quần khoe mông trên mạng. Cạn lời!

Không phải đến tận bây giờ người ta mới ầm ầm tố giác những hành động phản cảm đầy rẫy trên mạng xã hội. Nhưng có vẻ như mấy trò khoe thân hòng nổi tiếng đang bị tận dụng triệt để và gia tăng đáng báo động!

Khi các chiêu trò lố lăng, kệch cỡm, phản cảm, lệch chuẩn còn được dung dưỡng thì đích đến của giấc mơ không gian mạng an toàn, mục tiêu xây dựng xã hội tử tế hẳn là còn lắm xa vời.

Định hướng cho giới trẻ thế nào khi mà cái xấu vẫn hiển hiện trêu ngươi như thế? Giải thích với con trẻ thế nào khi lỡ mắt thấy tai nghe những điều chướng tai gai mắt? Bảo vệ con cái tránh xa thế nào khi "luồng khói độc" vẫn đang rình rập, bủa vây, tấn công vào những tâm hồn non nớt?

Trách nhiệm "gạn đục khơi trong" cần được neo giữ nhiều hơn đối với nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý. Hãy xử lý nghiêm, chế tài nặng đối với các sản phẩm "rác" trên mạng mới mong xây dựng môi trường ảo lành mạnh, trong sạch và thật sự an toàn!

Những quy định về xử phạt hành vi dung tục trên mạng xã hội thật sự là điều kiện cần để "thức tỉnh" lầm lạc của một số cá nhân. Nhưng điều kiện đủ để chặn đứng mọi tiêu cực trong thế giới ảo và định hướng đúng đắn trong giới trẻ chính là tiếng nói mạnh mẽ của công chúng.

Hãy dùng quyền tẩy chay những "phế phẩm", dung tục để thanh lọc tâm hồn mỗi người! Bên cạnh đó là nâng cao vai trò của giáo dục từ gia đình, nhà trường hướng đến vun bồi chuẩn ứng xử cho mỗi bạn trẻ trước sự tác động của các luồng văn hóa độc hại.

Nổi tiếng là để phục vụ sự tử tế

Nổi tiếng là một mong ước chính đáng của con người, nhất là với nhiều người trẻ. Sức mạnh của mạng xã hội chắc khỏi phải bàn. Tất nhiên đây cũng là môi trường dễ dàng nhất cho những ai, đặc biệt là các bạn trẻ muốn khẳng định mình thông qua mạng xã hội.

Nhưng sự nổi tiếng nào cũng có cái giá của nó, nhất là với những người quá khát khao được nổi tiếng trong khi lại thiếu sự hiểu biết, năng lực nhận thức, đánh giá chuẩn mực đạo đức cơ bản.

Khoe thân hoặc làm những điều kỳ quặc trên không gian mạng để nổi tiếng, cái "tiếng" đó dù có đi chăng nữa sớm muộn cũng thành lưỡi dao gây sát thương cho chính người tạo ra nó. Bởi đấy là sự nổi tiếng giả tạo, có mang lại điều tích cực gì cho cộng đồng đâu!

Một anh thợ xây chỉ sau một đêm trở thành người nổi tiếng vì trên đường đi làm về, nhìn thấy cục đá "mọc" trên đường có thể gây tai nạn cho người khác, anh ta ngồi đục cục đá, giữ an toàn cho mọi người.

Một chàng trai chạy xe ôm công nghệ bỗng trở nên "hot" trên mạng bởi vì đã nhọc công tìm và trả cho bằng được cả trăm triệu đồng mà người khác trả nhầm cho mình... Họ không ngờ mình được nổi tiếng, chính sự thật đã mang lại điều đó cho họ.

Ai cũng có quyền làm bất cứ chuyện gì mình muốn trên không gian mạng để nổi tiếng miễn là không vi phạm pháp luật. Có thể có nhiều cách để nổi tiếng nhưng chỉ một cách duy nhất có thể nằm lại trong lòng người hâm mộ có chăng chính là tâm thế phục vụ cho cái hay, cái đẹp, cái tử tế với cộng đồng.

Nếu ai sống và làm với tâm thế đó, sự nổi tiếng rồi sẽ tự động tìm đến. Còn ngược lại, ai đó bất chấp để được nổi tiếng có khác gì họ đang chơi dao, và rồi sẽ có ngày bị đứt tay.

TẠ TƯ VŨ

Diễn đàn Diễn đàn 'Nổi tiếng không nhờ ngoại hình' - Kỳ 3: Thấu hiểu, đồng hành với con trên mạng xã hội

TTO - Anh Nguyễn Hữu Trí (CEO Học viện kỹ năng Awake your power) - người cha có con dùng mạng xã hội, đồng thời là gương mặt có gần 2,6 triệu người theo dõi trên YouTube, TikTok, Facebook... chia sẻ với diễn đàn "Nổi tiếng không nhờ ngoại hình.

Nguồn bài viết